Thứ Tư, 25/05/2016, 15:52 (GMT+7)
.

Xây dựng phương án Cánh đồng lớn lâu dài

“Sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) được xác định là tiền đề để đưa ngành sản xuất lúa gạo phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng lúa bằng cách đưa nông hộ nhỏ, sản xuất đơn lẻ, không đồng đều về chất lượng sản phẩm sang sản xuất tập trung có sản phẩm đồng đều, tiến tới xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam”. Đó là những mục tiêu mà các tổ chức, doanh nghiệp đang xây dựng phương án CĐL giai đoạn 2016 - 2021.

Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy do Công ty TNHH Việt Hưng đầu tư.
Thu hoạch lúa trong mô hình CĐL ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy do Công ty TNHH Việt Hưng đầu tư.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, HTX nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây) sẽ xây dựng mô hình CĐL trên 3.500 ha, tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây theo 3 phương thức ký hợp đồng có cung ứng giống xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm; ký hợp đồng chỉ cung ứng giống xác nhận, thuốc Bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm; ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Kinh phí thực hiện trên 168 ngàn tỷ đồng…

Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì cho biết, sau khi phương án CĐL giai đoạn 2016 - 2021 của HTX được UBND tỉnh phê duyệt, nông dân được cung cấp giống lúa xác nhận đạt chuẩn, được đào tạo kỹ thuật và hướng dẫn miễn phí toàn bộ quy trình canh tác nên chất lượng lúa hàng hóa đạt độ thuần chủng, ổn định, truy xuất được nguồn gốc.

Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp tiêu thụ toàn bộ theo đúng giá thị trường, không sợ bị hàng xáo ép giá. Nâng cao được hiệu quả đầu tư sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên quy mô lớn; thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường; sản xuất gắn với môi trường, tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là góp phần nâng cao trình độ hợp tác sản xuất cho nông dân.

Mặc dù tham gia mô hình CĐL đã lâu nhưng mới đây Công ty TNHH Việt Hưng (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) mới hoàn chỉnh phương án cụ thể xây dựng CĐL lâu dài. Giai đoạn 2016 - 2021, công ty xây dựng mô hình CĐL trên 24.500 ha ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, với hàng ngàn hộ nông dân tham gia. Kinh phí thực hiện trên 1 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, phương án CĐL sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giúp nông dân tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất thông qua việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Giúp nông dân sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại với nhau, hình thành tổ chức đại diện để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc xây dựng CĐL còn góp phần thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nông dân, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, tạo ra vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao tập trung. Gắn sản xuất lúa hàng hóa với chế biến và tiêu thụ lúa gạo, thể hiện qua sự liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy, áp dụng cơ giới hóa trong, sau thu hoạch và chế biến.  

Nông dân tập trung lúa tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy để Công ty TNHH Việt Hưng đến thu mua theo hợp đồng đã ký kết.
Nông dân tập trung lúa tại xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy để Công ty TNHH Việt Hưng đến thu mua theo hợp đồng đã ký kết.

Từ khi hình thành mô hình CĐL đến nay, vấn đề bất cập nhất chính là việc phá vỡ hợp đồng của nông dân. Ông Huỳnh Văn Lượng nêu ra một số bất cập mà phương án CĐL có thể gặp phải: “Khi thực hiện mô hình CĐL, vấn đề mà chúng tôi lo lắng chính là phá vỡ hợp đồng của người nông dân. Vì vậy, Nhà nước cần có biện pháp chế tài phù hợp đối với những nông dân không tuân thủ hợp đồng. Việc xác định giá mua theo thị trường là một trong những lý do dẫn đến sự bất cập trên.

Thực tế, đây là vấn đề nan giải khi vào mùa thu hoạch dẫn đến sự không thống nhất giá mua giữa 2 bên. Trong khi đó, lực lượng hàng xáo bên ngoài sẵn sàng đặt tiền cọc, trả giá cao hơn một ít, rồi lựa chọn số lúa tốt để mua, tạo giá thị trường “ảo”, gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua trong CĐL.

Vì vậy, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý địa bàn. Áp lực thu hoạch lúa vào những thời điểm chính vụ đã gây quá tải hạ tầng thu mua, làm ảnh hưởng đến công tác thu mua của doanh nghiệp, gây phiền hà và cả những thiệt hại cho nông dân”.

Năm nào, Công ty TNHH Việt Hưng cũng gặp cảnh “bẻ kèo” của nông dân, bị hàng xáo “phá đám” trong mô hình CĐL. Vì vậy, xây dựng phương án lâu dài cho mô hình này, ông Nguyễn Văn Đôn có nhiều băn khoăn:

“Trên thực tế, mô hình CĐL vẫn ẩn chứa tính rủi ro cao. Vì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân chỉ được tuân thủ khi giá cả ổn định, còn khi thị trường có biến động, nhất là khi giá lúa tăng, nông dân lại tìm cách bán tháo, không tuân thủ hợp đồng. Nhận thức của nông dân về hình thức liên kết còn nhiều hạn chế.

Một số vì lợi ích trước mắt, không tuân thủ theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, đã phá vỡ hợp đồng, làm thiệt hại cho doanh nghiệp; phá vỡ kế hoạch cung ứng, xuất khẩu, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Ngoài ra, mối quan hệ giữa các chuỗi còn rất lỏng lẻo, từ khâu sản xuất, cung ứng cho đến tiêu thụ sản phẩm vẫn còn yếu, dễ bị tổn thương, gây nguy hại cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp”.

Để hạn chế những bất cập trên, ông Nguyễn Văn Đôn đề xuất: “Để xây dựng thành công mô hình CĐL, đòi hỏi doanh nghiệp và nông dân phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng. Bởi sản phẩm đạt được một tiêu chuẩn nhất định, tạo ra một thương hiệu cho riêng mình thì mới tạo được giá trị cao hơn, đem lại lợi nhuận lớn hơn.

Việc triển khai CĐL còn đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn, chấp nhận chịu thua lỗ trong vài vụ đầu tiên để hướng tới lợi ích lâu dài. Phải xây dựng tốt mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, về phía nông dân cần sản xuất lúa theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp phải cam kết mua đúng thời điểm, đảm bảo giá cả phù hợp.

Doanh nghiệp đầu tư vào CĐL cần sớm có kế hoạch để các hợp tác xã chủ động trong sản xuất và vận động xã viên tham gia, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết như: Nhà kho, lò sấy, máy gặt đập liên hợp để thu mua lúa được nhanh chóng và thuận lợi…”.

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định phương án CĐL trên địa bàn tỉnh Tiền Giang mới đây, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Xây dựng mô hình CĐL sẽ giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Hạn chế được những hạn chế, khuyết điểm của sự manh mún, nhỏ lẻ làm giảm tính hàng hóa trong cung ứng lúa gạo.

Quy trình này sẽ giúp nông dân trong vùng giảm chi phí và đạt lợi nhuận cao, mở ra hướng làm ăn mới trong hợp đồng đầu tư vật tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, lần đầu tiên HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng được phương án CĐL lâu dài. Vì thế trong thời gian tới, nhiều HTX nông nghiệp khác cần phải có phương án như HTX nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì để mô hình CĐL ngày càng được nhân rộng.

SĨ NGUYÊN

Tiền Giang tham gia Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Ngày 24-5, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang cho biết, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) vừa được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 15,3 triệu USD, tương đương 329 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA trên 9 triệu USD, tương đương 195,134 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách tỉnh 3,067 triệu USD, tương đương 65,641 tỷ đồng và vốn tư nhân trên 3,1 triệu USD, tương đương 67,9 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý, Dự án được thực hiện tại 20 xã của 3 huyện gồm: Cái Bè (10 xã), Cai Lậy (6 xã) và TX. Cai Lậy (4 xã); tổng diện tích vùng dự án khoảng 27.200 ha, số hộ tham gia và hưởng lợi từ dự án dự kiến trên 41 ngàn hộ. Sau 5 năm, dự án có khoảng 20 ngàn ha/41 ngàn hộ nông dân sản xuất lúa áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận trên mỗi ha có thể tăng 30%;

Khoảng 41 ngàn hộ dân trồng lúa ở 20 xã được tiếp cận, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã;

Tác động tích cực đến môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác lúa; tăng cường năng lực, thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung và các huyện tham gia dự án nói riêng, tạo ra những bước chuyển biến mạnh mẽ từ nền kinh tế nông nghiệp sản lượng sang nền kinh tế năng suất và chất lượng.

 

.
.
.