Thứ Hai, 13/06/2016, 14:29 (GMT+7)
.

Cái bắt tay để làm ăn lớn

Một trong những cái khó hiện nay đối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh chưa phải là ở yếu tố đầu ra mà là ở chính ngay yếu tố cạnh tranh không lành mạnh của các DN cùng ngành nghề. Vì thế, hơn ai hết các DN cần có những cái “bắt tay” để vươn ra làm ăn lớn.

Với lợi thế về ngành Công nghiệp chế biến, Tiền Giang có nhiều DN có quy mô khá trên lĩnh vực chế biến nông, thủy sản xuất khẩu nhưng nhiều năm qua tình hình cạnh tranh trong nội bộ ngành đã diễn ra không ít gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, doanh thu năm 2015 của công ty đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu khoảng 66 triệu USD, sản lượng xuất khẩu đạt 22.000 tấn, với 4.500 công nhân.

Ngoài Tiền Giang, GODACO còn đầu tư nhà máy thức ăn ở tỉnh Vĩnh Long, nhà máy chế biến xuất khẩu ở tỉnh Bến Tre; vùng nuôi cá nguyên liệu tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang. Theo kế hoạch, năm 2016 công ty đạt 70 triệu USD xuất khẩu, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng, sản lượng xuất khẩu khoảng 25.000 tấn.

DN cần liên kết với nhau để phát triển.
DN cần liên kết với nhau để phát triển.

Tỷ lệ tăng trưởng bình quân của GODACO hàng năm từ 10 - 15%. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạo, tỷ lệ tăng trưởng những năm gần đây đạt yêu cầu đề ra nhưng tình hình kinh doanh của GODACO cũng có những khó khăn nhất định. Công ty chuyên kinh doanh mặt hàng cá tra xuất khẩu.

Những năm gần đây tình hình kinh doanh mặt hàng này không được khả quan do nguồn cung dư thừa, các thị trường tiêu thụ chính cũng có những khó khăn nhất định như: Châu Âu, Mỹ, Trung Đông và châu Á.“Các rào cản về kỹ thuật, thương mại, thuế quan công ty đã cố gắng vượt qua nhưng về cạnh tranh nội bộ ngành chưa được lành mạnh nên giá bán không được cải thiện, dẫn đến người nuôi không hiệu quả.

Từ thực tế như thế, DN nào có nguồn vốn tự chủ tốt thì hoạt động cầm chừng, còn nếu phụ thuộc nhiều vào ngân hàng với lãi suất cao, khả năng tài chính yếu, chi phí sẽ ăn vào lợi nhuận nên hiệu quả hoạt động không tốt.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, thực phẩm chế biến từ thủy sản xuất đi các nước luôn luôn có nhu cầu cao hơn nguồn cung cấp. Do đó, những “xộc xệch” đối với con cá tra vừa qua phần lớn là do tác động chủ quan nhiều hơn khách quan”- ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Trước sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, GODACO bắt đầu chuyển hướng sản xuất - kinh doanh. Theo đó, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy giá trị gia tăng tại tỉnh Bến Tre, dự kiến khoảng tháng 7-2016 sẽ hoàn thành, với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, chưa kể vốn lưu động.

Ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng, khi nhà máy giá trị gia tăng đi vào hoạt động, công ty hy vọng sẽ đi vào “ngách” khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn chứ làm theo kiểu phổ thông hiện nay, với suất cạnh tranh khốc liệt, sản lượng thì có nhưng lợi nhuận ngày càng mỏng đi.

Tất nhiên, nó cũng tiềm ẩn những khó khăn, bởi công ty phải gầy dựng lại thị phần tiêu thụ từ con số rất thấp. Công ty hy vọng sang năm 2017 sẽ có những sản phẩm mang thương hiệu của GODACO.

Cũng nhìn từ góc độ cạnh tranh, ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành cho rằng, trong những tháng đầu năm tình hình xuất khẩu cũng như tiêu thụ của công ty tăng khoảng 21% so với cùng kỳ và dự kiến tăng trưởng khoảng 20% trong năm 2016. “Công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn do tình hình cạnh tranh giữa các nhà máy cùng ngành diễn ra rất khốc liệt.

Để giải quyết những khó khăn, trước hết công ty phải đầu tư trang thiết bị để giảm bớt chi phí lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư thêm nhà máy sản xuất thức ăn để tiết giảm các chi phí, nhằm cho ra giá thành tốt nhất, có thể cạnh tranh với các nhà máy lân cận” - ông Hà Văn Tính cho biết.

Cũng từ góc độ cạnh tranh, nhưng ở nhóm ngành may mặc, ông Nguyễn Tấn Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hoan Vinh cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty trong những tháng đầu năm 2016 có phần khởi sắc hơn. Cụ thể, doanh thu tăng 1,2 lần, nộp ngân sách tăng 1,15 lần so với cùng kỳ. Từ đó thu nhập của người lao động được cải thiện, thương hiệu được giữ vững và số lượng khách hàng được mở rộng.

“Về lâu dài, tỉnh cần thành lập Hiệp hội Dệt may Tiền Giang, để các DN cùng ngành cùng nhau gom lại xây dựng quy chế hoạt động chung, nhằm tránh tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, sản lượng và nguồn lực lao động. Từ đó DN mới có sân chơi rộng, đoàn kết nhằm mang lại những kết quả lớn hơn cho ngành Dệt may của tỉnh” -  ông Nguyễn Tấn Thanh đề xuất.

Hiện nay, DN được xem là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 ban hành ngày 16-5-2016 cũng được xem là tiếp thêm luồng gió mới đối với hoạt động của các DN.

Mục tiêu của Nghị quyết 35 là đến năm 2020 xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động; trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Tất nhiên, một trong những nguyên tắc được đặt ra trong Nghị quyết 35 là DN phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh... Đó có lẽ là xu thế tất yếu trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay.

THẾ ANH

.
.
.