Thứ Tư, 01/06/2016, 14:48 (GMT+7)
.

Dịch bệnh lại hoành hành trên thanh long

Những đám mưa đầu mùa cũng là lúc dịch bệnh trên cây thanh long bùng phát trên diện rộng. Trong khi người dân “than vắn, thở dài” thì ngành chức năng cho rằng dịch bệnh như vậy là không nhiều, không ảnh hưởng gì đến toàn bộ diện tích trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo đốn bỏ vườn thanh long vì dịch bệnh đốm nâu để trồng lại.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo đốn bỏ vườn thanh long vì dịch bệnh đốm nâu để trồng lại.

Về các xã chuyên canh trồng cây thanh long ở huyện Chợ Gạo, nhiều nông dân than thở dịch bệnh năm nay quá nhiều và diễn biến ngày càng phức tạp. Mặc dù họ đã dùng nhiều cách phòng và trị nhưng hiệu quả không cao.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, ấp Tân Bình 1, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cho biết, gia đình ông trồng 2.500 m2) thanh long ruột trắng. Thời gian qua, dịch bệnh hoành hành, hết bệnh thán thư đến bệnh đốm nâu; rồi bị vàng, cháy cành ở đầu trụ.

Gia đình đã thuê công lao động phun nhiều loại thuốc, cắt bỏ những cành nhiễm bệnh. Nghe loại thuốc nào hay là chạy đi mua về phun ngay, nhưng vẫn không thuyên giảm. Đến mùa thu hoạch, thanh long của gia đình bị thương lái loại bỏ 4/5 số lượng. Bệnh ngày càng lây lan nhanh, trồng thua lỗ nên gia đình chặt bỏ toàn bộ diện tích để chuẩn bị trồng lại.

Gần đó, ông Nguyễn Minh Trung cũng có hơn 250 trụ thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu, vàng, cháy cành ở đầu trụ trên toàn bộ diện tích. Gia đình ông tính phá bỏ trồng lại thanh long ruột đỏ, nhưng vì không đủ tiền để tái đầu tư vườn mới nên để lại. Ông Trung cho biết, trồng mới phải mất 2 năm thanh long mới bắt đầu cho trái, trong khi 2 năm này gia đình phải đầu tư khá nhiều chi phí…

Xã Quơn Long là nơi trồng thanh long nhiều nhất tỉnh. Đến đâu, nông dân cũng than: Bây giờ trồng thanh long sao khó “ăn” quá! Dịch bệnh xảy ra liên miên và rộng khắp. Chi phí sản xuất ngày một tăng cao, trong khi thu nhập ngày dần đi xuống.

Bà Lê Thị Kim Phụng, ấp Quang Thọ cũng vừa đốn bỏ 450 trụ thanh long ruột trắng để chuyển sang cây trồng khác. Bà Phụng cho biết, trồng thanh long lúc đầu mới có “ăn”, chứ bây giờ nhà nhà đều trồng, dịch bệnh tràn lan; không có loại thuốc đặc trị. Mỗi tuần, gia đình phải tốn từ 400.000 - 500.000 đồng tiền thuốc phun xịt, bệnh cũng không hết. Đến khi bán, giá cả quá thấp, bị thua lỗ nhiều nên gia đình quyết định đốn bỏ để chuyển sang cây trồng khác.   

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay diện tích thanh long bị nhiễm bệnh thán thư khoảng 90 ha, tỷ lệ bệnh từ 3 - 5%. Bệnh thối cành khoảng 200 ha, tỷ lệ bệnh 5 - 10%. Bệnh đốm nâu, diện tích nhiễm bệnh chỉ 70 ha, tỷ lệ bệnh từ 5 - 10% là 55 ha, tỷ lệ bệnh từ 11 - 20% là 15 ha.

Bên cạnh đó, một số diện tích thanh long bị vàng, cháy cành ở đầu trụ (cháy nắng) do nắng nóng kéo dài, bức xạ mặt trời mạnh như: Thanh long dưới 5 năm tuổi chiếm khoảng 40% diện tích, thanh long trên 5 năm tuổi chiếm khoảng 60% diện tích.

Trao đổi về vấn đề người dân trồng thanh long phản ánh tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho rằng: “Có gì đâu! Diện tích mấy ngàn ha mà dịch bệnh xảy ra như vậy thì đâu có vấn đề gì”.

Khi đặt vấn đề thanh long bị vàng, cháy cành ở đầu trụ (cháy nắng) chiếm một diện tích khá lớn thì ông Hòa nói: “Trời nắng, nó bị vậy chứ sao”. Vậy, ngành NN&PTNT huyện Chợ Gạo có khuyến cáo hay hướng dẫn gì chưa? ông Hòa cho biết: “Hướng dẫn cách chăm sóc, chứ bệnh này đâu có trị khỏi”.

Ông Nguyễn Nam Chinh, xã Tân Thuận Bình cũng có gần 0,3 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu. Ông đang cắt bỏ những nhánh nhiễm bệnh.
Ông Nguyễn Nam Chinh, xã Tân Thuận Bình cũng có gần 0,3 ha thanh long nhiễm bệnh đốm nâu. Ông đang cắt bỏ những nhánh nhiễm bệnh.

Ông Võ Văn Men, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng cho biết: “Hiện nay, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chợ Gạo báo cáo lên thì chưa thấy vấn đề gì. Chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch tập huấn cho nông dân đầu mùa mưa.

Bệnh thán thư có quanh năm. Bệnh đốm nâu cũng được ngành chức năng quan tâm vì đầu mùa mưa thì bệnh này thường phát triển. Riêng bệnh vàng, cháy cành ở đầu trụ do nắng gắt nên khi mưa xuống thì diện tích này giảm xuống. Chúng tôi cũng có khuyến cáo người dân phủ rơm lên đầu trụ để tránh ánh nắng gay gắt trực tiếp chiếu vào. Hiện nay, các loại bệnh này chưa có thuốc đặc trị mà chỉ phòng ngừa”.  

Huyện Chợ Gạo có khoảng 5.000 ha thanh long, tập trung ở các xã: Quơn Long, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình… Ngành chức năng đang tính đến phương án tăng lên 7.000 ha vào năm 2020, thậm chí 10.000 ha (nếu có thể). Với tình hình này, nếu tăng diện tích, không có thuốc đặc trị các loại bệnh và thiếu kiểm soát thì dịch bệnh ngày càng lây lan thêm.

SĨ NGUYÊN

.
.
.