Thứ Ba, 07/06/2016, 08:09 (GMT+7)
.
Hưởng ứng Tuần lễ Biển đảo Việt Nam 2016:

Kinh tế biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH tỉnh nhà

Với bờ biển có chiều dài 32 km thuộc vùng biển Đông Nam bộ, Tiền Giang có lợi thế rất lớn trong việc phát triển tiềm năng kinh tế biển như khai thác, nuôi trồng hải sản và du lịch sinh thái biển. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã và đang triển khai chiến lược kinh tế biển phù hợp để khai thác tối đa lợi ích kinh tế chính đáng từ biển, cũng như bảo đảm an ninh Quốc gia.

1. Những năm qua, Tiền Giang đã xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình phát triển thủy sản (TS) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015, trên cơ sở cụ thể hóa Chiến lược phát triển TS Việt Nam đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa TS tập trung, năng suất, chất lượng cao (tôm, nghêu) đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp.

Nghề khai thác xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước được hiện đại hóa, phương tiện khai thác được cải hoán có công suất lớn tham gia khai thác, đánh bắt ở các vùng biển xa; góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia và an ninh - quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá không ngừng được đầu tư nâng cấp đã nâng cao hiệu quả khai thác TS...

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 1.205 tàu cá đăng ký với tổng công suất máy 361.598 CV, trong đó có 323 tàu cá công suất nhỏ hơn 90 CV và 882 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đánh bắt được 39.843 tấn hải sản các loại, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước.

Du khách đến mua hải sản ở Khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông).
Du khách đến mua hải sản ở Khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông).

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển TS trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp (DN) chế biến TS XK, trong đó có 11 DN chế biến cá tra XK với sản lượng TS XK hàng năm đạt trên 130.000 tấn. Trị giá mặt hàng TS XK chiếm 34,8% tổng trị giá hàng hóa XK trên địa bàn tỉnh, chiếm 70,6% tổng trị giá XK hàng hóa nông nghiệp - thủy sản.

Nhìn chung, kinh tế TS tỉnh nhà trong những năm qua ổn định, đóng góp vào giá trị sản xuất chung của toàn ngành Nông nghiệp tăng 6,35%/năm, trong đó TS tăng 7,54%/năm. Từ đó, giúp TS Tiền Giang đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp ngày càng cao vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

2. Với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo điều kiện để ngư dân vùng ven biển tỉnh nhà có nhiều ưu thế để phát triển hoạt động nuôi TS ven bờ đã hình thành từ rất lâu và ngày càng phát triển với các đối tượng truyền thống là tôm sú và nghêu, sò huyết. Biển Gò Công với hệ sinh thái rừng ngập mặn là môi trường lý tưởng để loài nhuyễn thể 2 vỏ sinh sôi, phát triển mạnh.

Diện tích nuôi nghêu của tỉnh hiện nay đạt 2.300 ha, diện tích nuôi tôm đạt 4.000 ha, hàng năm thu hoạch khoảng 16.000 tấn tôm, từ 15.000 - 17.000 tấn nghêu chủ yếu cung cấp cho thị trường XK. Nguồn sò huyết, nghêu giống sinh sản tại các cồn bãi trên biển Gò Công là một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương và được ví von như “vàng trắng”.

Theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, nguồn giống tự nhiên sinh sản tại khu vực bãi bồi ở biển Gò Công chủ yếu là nghêu cám và sò giống, mật độ trung bình từ 15 - 20 con/dm2 (có nơi 100 - 150 con/dm2).

2 khu vực tập trung nghêu, sò huyết sinh sản là khu vực cồn ông Mão, ông Liễu (huyện Gò Công Đông) và cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông). Được biết, sò huyết Gò Công được các thương lái đánh giá là giống tốt nhất trong toàn quốc vì tỷ lệ sống cao (80%) cũng như sò thịt nổi tiếng về chất lượng thịt.

3. Về tiềm năng du lịch sinh thái biển, với những đặc trưng của vùng biển cát đen, biển Gò Công có tiềm năng về du lịch biển rất phong phú cần được đầu tư đúng mức để khai thác. Cùng với xu thế phát triển du lịch tỉnh nhà và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lượng khách du lịch đến với biển Gò Công mỗi năm đều tăng.

Trên cơ sở đó, để phát huy tiềm năng phong phú, đa dạng của biển Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông đang tập trung phát triển du lịch theo mô hình du lịch sinh thái ngập mặn kết hợp với văn hóa lịch sử của vùng đất nổi tiếng vốn được mệnh danh là “tứ linh nhân kiệt” từ xa xưa.

Cụ thể, từ năm 1993 tỉnh đã giao cho Công ty CP Du lịch Tiền Giang khai thác Khu du lịch biển Tân Thành ở huyện Gò Công Đông. Công ty đã đầu tư xây dựng các hạng mục công trình giản đơn phù hợp với cảnh quan môi truờng như: Nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, nhà nghỉ mát ven bãi biển, bờ kè chống sạt lở, trồng thêm cây xanh… đã thu hút ngày càng đông khách du lịch đến tham quan, du lịch.

Trong năm 2014, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu của Trung ương và của tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Khu du lịch biển Tân Thành đã xây dựng bờ kè chắn sóng, cầu dẫn ra biển dài 300 m, bãi đỗ xe, trung tâm thông tin du lịch... Khu Du lịch biển Tân Thành đón bình quân trên 50.000 lượt khách/năm.

Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch biển Tân Thành với quy mô 80 ha, hiện có 2 nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác du lịch với quy mô gần 16 ha (Công ty CP Du lịch Tiền Giang 4 ha, Công ty TNHH Vạn Bình An 11,7 ha) nhằm phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển.

Đặc biệt, một tín hiệu vui là sau khi cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động, lượng khách đến Gò Công tham quan, du lịch biển tiếp tục tăng, báo hiệu dần khởi sắc của du lịch vùng biển Gò Công. Trong định hướng tới, cùng việc tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp, phát triển tour du lịch liên kết sản phẩm trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh với vùng biển Gò Công, tỉnh nhà sẽ tăng cường mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang.

Về giải pháp để khai thác tốt những tiềm năng của kinh tế biển trong tương lai, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi:

Xác định kinh tế biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà và góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia và an ninh - quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, thời gian tới địa phương tiếp tục vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ phát triển TS ở địa phương, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển TS theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực khai thác TS theo hướng giảm dần sản lượng khai thác ven bờ, tiếp tục hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu có công suất trên 90CV;

Phát triển đội tàu khai thác xa bờ tham gia khai thác ở các vùng biển xa, gắn khai thác TS với bảo vệ chủ quyền Quốc gia và an ninh - quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc;

Hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc ngư cụ, áp dụng khoa học - công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá như khôi phục, đầu tư phát triển các cơ sở đóng mới, sửa, bảo dưỡng tàu cá;

Đầu tư nâng cấp Cảng cá Mỹ Tho, Cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) kết hợp khu neo đậu tránh trú bão, các bến cá đảm bảo đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho khai thác và bảo quản sản phẩm TS khai thác như các cơ sở sản xuất nước đá, kho lạnh... để có khả năng thu hút tàu cá của nhiều địa phương;

Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân về ghi chép nhật ký khai thác và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong khai thác, sơ chế, bảo quản nguyên liệu TS… đảm bảo yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác và chất lượng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

NGUYỄN HỮU

.
.
.