Khẩn trương ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do nghêu chết
Theo báo cáo tình hình nuôi nghêu của Trạm Thủy sản số 2 (Chi cục Thủy sản), hiện nay nghêu nuôi ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) khu vực từ dãy nhà ngang cho đến giáp ranh xã Tân Điền, trong phạm vi từ bờ ra ngoài khơi khoảng 500 m có tình trạng nghêu chết từ 1 - 2% (cả nghêu lớn và nghêu nhỏ); còn trong phạm vi từ 500 - 1.000 m thì nghêu chết rải rác.
Đối với khu vực từ dãy nhà ngang đến Ban quản lý Cồn Bãi nghêu chết rải rác và nghêu chết nhiều vào con nước sình (kém).
Cán bộ ngành Nông nghiệp cùng với địa phương đang khảo sát, lấy mẫu nghêu ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, sau khi nhận được thông tin nghêu chết từ Chi cục Thủy sản, ngày 2-6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu để xét nghiệm; đồng thời chuyển cơ quan Thú y vùng VI (TP. Hồ Chí Minh) để tìm tác nhân gây bệnh.
Qua thu thập thông tin thực tế về vùng nuôi nghêu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y bước đầu nhận định yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân gây chết nghêu những ngày gần đây.
Trước tình hình nghêu chết rải rác và có khả năng diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông chủ động phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng của huyện hỗ trợ Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong việc khẩn trương kiểm tra, lấy mẫu để đánh giá mức độ ô nhiễm nhằm đề ra biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi nghêu và ngân sách của địa phương.
Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục theo dõi và báo cáo tình hình, lấy mẫu nước tăng cường (ngoài việc lấy mẫu quan trắc môi trường định kỳ 2 lần/tháng) tại các điểm ven bờ khu vực có nghêu bị chết khi mực nước thấp để phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định nguyên nhân gây chết nghêu.
THÀNH CÔNG