Thứ Sáu, 03/06/2016, 15:44 (GMT+7)
.

Nhìn từ lợi nhuận của người trồng lúa

Tại hội thảo Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam năm 2016 được tổ chức vào ngày 27-5, TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cho rằng, trong khi nông dân các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Ấn Độ có lợi nhuận khoảng 0,2 - 0,3 USD/kg lúa; nông dân Việt Nam có lợi nhuận rất thấp, chỉ chưa đầy 0,1 USD/kg lúa. 

Trong khi đó, hiện có khoảng 85% hộ trồng lúa ở Việt Nam trồng diện tích dưới 0,5 ha/hộ. Ngay tại vùng chuyên canh lúa lớn nhất cũng có xấp xỉ 40% hộ trồng lúa diện tích dưới 0,5 ha. Đặc biệt, nếu tính cùng xuất khẩu đi Philippines, chi phí từ Việt Nam cao gần gấp 2,5 lần so với Thái Lan (Việt Nam tốn 27 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ tốn 12 USD).

Thu nhập của người làm ra hạt gạo hiện còn rất thấp.					 				           Ảnh: TƯ LIỆU
Thu nhập của người làm ra hạt gạo hiện còn rất thấp. Ảnh: TƯ LIỆU

Con số trên nói lên điều gì? Tất nhiên, điều trước tiên là phản ánh đời sống người nông dân, nhất là người trồng lúa còn rất nhiều khó khăn và dường như chưa được cải thiện hơn. Ngay trên địa bàn tỉnh, thu nhập của người trồng lúa cũng nằm trong diện thấp so với ngành nghề khác.

Một khảo sát gần đây cho thấy rằng, nếu tính sản xuất lúa bình quân 0,5 ha/hộ, với 4 nhân khẩu, thu nhập bình quân của 1 người trồng lúa vào năm 2010 chỉ khoảng 2,708 triệu đồng/năm (tức 225.666 đồng/tháng); năm 2011 tăng lên 4,598 triệu đồng/năm (tức 383.166 đồng/tháng); năm 2012 giảm còn 3,525 triệu đồng/năm (tức 293.800 đồng/tháng) và năm 2013 đạt 3,906 triệu đồng/năm (tức 325.500 đồng/tháng).

Với mức thu như thế chỉ bằng khoảng 20% mức thu nhập bình quân của các ngành nghề khác so với cùng thời điểm. Trong 2 năm gần đây, tuy chưa có con số khảo sát chính thức, nhưng do tác động của biến đổi khí hậu, của thị trường xuất khẩu, thu nhập của những người làm ra hạt gạo có lẽ cũng không mấy khả quan hơn.

Thu nhập của người làm ra hạt gạo hiện còn rất thấp.
Thu nhập của người làm ra hạt gạo hiện còn rất thấp.

Thực trạng về hạt gạo và thu nhập của những người làm ra nó đã được mổ xẻ, phân tích rất nhiều lần, nhưng dường như muốn cải thiện là điều không dễ dàng. Khi đề cập đến vấn đề thu nhập của người trồng lúa, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã phỏng tính, năng suất lúa bình quân 3 vụ trong năm của tỉnh tối đa cũng chỉ đạt 18 tấn trên mỗi ha.

Như vậy, nếu giá bán lúa bình quân 5.000 đồng/kg, 1 ha lúa người nông dân cũng chỉ thu được tối đa 90 triệu đồng mỗi năm; tạm tính cho nông dân lãi 50%, sẽ thu được 45 triệu đồng cho mỗi ha. Một hộ gia đình bình quân có 4 thành viên và chỉ có diện tích sản xuất lúa bình quân 0,5 ha, lợi nhuận thu được từ trồng lúa cũng chỉ được 22,5 triệu đồng mỗi năm, tức thu nhập một người mỗi tháng cũng chỉ có 468.750 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế những năm trở lại đây, lợi nhuận của người trồng lúa rất khó đạt đến 50% so với giá lúa bán ra.

Quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý đề nghị của Bộ NN&PTNT gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án quy định tại Khoản 5 Mục III Điều 1 Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ thành 1 dự án chung:

Dự án Quản lý và Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam; gồm 5 hợp phần:

Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo Quốc gia; phát triển thương hiệu gạo Quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế;

Quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng; xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu Đề án là đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đến năm 2030, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và đặc sản.

Theo đề án, thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại...    

            THẾ ANH

Thu nhập của người trồng lúa trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng không còn là câu chuyện mới nhưng nó dường như chưa có nhiều thay đổi.

Bởi lẽ, “vòng quay” làm ra hạt gạo vẫn cứ đều đều chạy, vụ này qua vụ khác, năm này qua năm khác. Có thay đổi chăng là đúng dịp “trúng mùa trúng giá” thu nhập của người làm lúa mới được cải thiện chút ít.

Trước bức tranh về thu nhập của người trồng lúa nói riêng và của ngành Nông nghiệp nói chung, có lẽ chưa bao giờ việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được đặt ra mang tính cấp bách như hiện nay.

Việc thay đổi ngành Nông nghiệp đã không ít lần được đặt ra ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng lần này kịch bản về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được đưa ra từ Trung ương xuống các địa phương.

Chưa biết kết quả của kịch bản này đạt được như thế nào nhưng dẫu sao ngành Nông nghiệp cũng đã và đang được nhìn nhận lại đúng với vị trí, vai trò và những giá trị mà nó có thể mang lại.

Tiền Giang, một trong những tỉnh thuần nông nghiệp trong khu vực ĐBSCL, sẽ thay đổi ngành Nông nghiệp như thế nào trong kịch bản tái cơ cấu chung của cả nước?

Theo phân tích của các chuyên gia, Tiền Giang có nhiều lợi thế ở một số nhóm ngành so với các địa phương khác, việc thay đổi ngành Nông nghiệp nên bắt đầu từ đó. Đó là trái cây, thủy sản xuất khẩu, lúa gạo…

So với các tỉnh, các nhóm ngành hàng này Tiền Giang luôn chiếm ưu thế rất lớn ở cả 2 khía cạnh sản xuất và chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng nằm trong bức tranh chung của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, dù có lợi thế nhưng ngành Nông nghiệp của Tiền Giang nhiều năm qua cũng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế vốn có của nó.

Tất nhiên, muốn thay đổi một cách căn cơ cũng không phải là điều đơn giản và cần quá trình lâu dài. Bởi ngành Nông nghiệp vốn đã trì trệ, xé lẻ quá lâu, chưa kể muốn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng không phải là điều đơn giản.

THẾ ANH

.
.
.