Thứ Sáu, 03/06/2016, 15:46 (GMT+7)
.

THT khai thác thủy sản: Chỗ dựa cho ngư dân yên tâm bám biển

Trong thời gian qua, qua sự vận động của các ngành, các cấp, trong tỉnh đã có nhiều tổ hợp tác (THT) khai thác thủy sản (TS) lần lượt ra đời để liên kết ngư dân lại với nhau. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả, giúp ngư dân gia tăng sức mạnh, yên tâm vươn khơi đánh bắt TS ở các vùng biển xa làm giàu cho gia đình và xã hội.

Việc ngư dân liên kết với nhau theo hình thức các tổ khai thác còn hỗ trợ nhau trong công tác vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giúp hiệu quả khai thác cao hơn (Ảnh chụp ở Cảng cá Mỹ Tho).
Việc ngư dân liên kết với nhau theo hình thức các tổ khai thác còn hỗ trợ nhau trong công tác vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, giúp hiệu quả khai thác cao hơn (Ảnh chụp ở Cảng cá Mỹ Tho).

Hiệu quả thiết thực

Theo thống kê, Tiền Giang hiện có 1.205 tàu cá đăng ký với tổng công suất máy 361.598 Cv, trong đó có 323 tàu cá công suất nhỏ hơn 90 Cv và 882 tàu cá công suất từ 90 Cv trở lên. Hàng năm, các tàu khai thác thủy sản (TS) của tỉnh khai thác được hơn 90.000 tấn TS phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Mặc dù số lượng tàu trực tiếp khai thác TS trên các vùng biển không nhiều bằng các tỉnh trong khu vực như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau…, nhưng hoạt động khai thác của bà con ngư dân khá hiệu quả.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chi phí hoạt động chuyến biển ngày càng tăng, trong khi nguồn lợi TS ngày càng giảm, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp khiến các tàu cá hoạt động riêng lẻ kém hiệu quả, rủi ro cao. Trong điều kiện khai thác TS khó khăn, để tiếp tục sống được với nghề buộc các đội tàu phải tăng cường thời gian bám biển và giảm tối đa chi phí đánh bắt.

Để làm được điều này, việc liên kết các tàu cá lại với nhau và THT khai thác TS được ngành Nông nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đặt ra; từ đó vận động ngư dân khai thác theo nhóm, tổ đội trên biển và đây là kết quả tất yếu xuất phát từ thực tiễn sản xuất.

Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 36 THT với 278 tàu, gồm 2.431 người đang hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, hầu hết các THT này đều hoạt động khá tốt, số lượng tổ viên ổn định.

Qua thực tế sản xuất cho thấy, việc ngư dân liên kết với nhau theo hình thức các tổ khai thác giúp ngư dân an tâm bám biển, nhất là đối với các tàu khai thác các vùng biển xa, trợ giúp nhau trong sản xuất, tìm kiếm ngư trường, cùng nhau khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. THT khai thác TS còn giúp tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai hay bị sự cố, từ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế sau những chuyến đi biển.

Sự liên kết chắc chắn của tổ khai thác sẽ giúp ngư dân trao đổi, học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật của nhau, cung cấp kịp thời thông tin ngư trường, rút ngắn thời gian đến ngư trường khai thác, kéo dài thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất.

Đồng thời, giảm thất thoát sau thu hoạch, tự làm khâu hậu cần cho nhau, nắm vững thị trường, chủ động tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế; gắn với bảo vệ, hỗ trợ ứng cứu lẫn nhau mỗi khi xảy ra sự cố trên biển…

THT khai thác TS Tiến Phát (thị trấn vàm Láng, huyện Gò Công Đông) được thành lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2010. Đến nay, qua 5 năm hoạt động, mô hình hợp tác khai thác đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho tổ viên.

Ông Trần Văn Rô, Tổ trưởng THT khai thác TS Tiến Phát cho biết, hoạt động của tổ ngày càng thuận lợi, nhất là việc 6 tàu thành viên luân phiên nhau vận chuyển sản phẩm vào bờ và lấy nguyên liệu ra tiếp sức cho các tàu còn lại bám biển đánh cá. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, hiệu quả khai thác cũng cao hơn, ngư dân có lợi nhuận cao hơn.

Ngư dân cần được hỗ trợ nhiều hơn

Hiện nay, ngư dân tham gia các tổ sản xuất trên biển ngoài việc được hưởng những chính sách chung của Trung ương như các chính sách về đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nghề; cung cấp các dịch vụ công ích như thông tin về ngư trường khai thác, thời tiết, khí tượng hải văn, phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn…, các THT khai thác TS còn được hỗ trợ thông tin trong khai thác TS, các trang thiết bị thông tin hàng hải, được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật.

Đặc biệt, các THT khai thác TS được ưu tiên xét giảm thuế nếu bị rủi ro, thiệt hại do thiên tai, sự cố bất khả kháng và các quyền lợi khác theo quy định. Ngoài ra, tỉnh còn ban hành những chính sách riêng đối với các THT khai thác TS như hỗ trợ mỗi tổ sau khi ra mắt 1 máy thông tin liên lạc tầm xa, sóng HF có kết hợp định vị vệ tinh (GPS) VX 1700.

Theo Chi cục Thủy sản, đến nay chi cục đã trao 28 máy thông tin liên lạc tầm xa, sóng HF có kết hợp định vị vệ tinh (GPS) VX 1700 cho 28 THT mới thành lập với giá trị mỗi máy khoảng 28 triệu đồng (một số THT đã có máy thông tin liên lạc theo chính sách khác không được hỗ trợ). Kinh phí thực hiện hỗ trợ được trích từ nguồn kinh phí phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai của tỉnh.

Mặc dù vậy, hiện nay việc vận động thành lập cũng như hoạt động của các THT còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Hội Nghề cá tỉnh, nguyên nhân là do ngư dân ngại các thủ tục phải thông qua chính quyền, ngại làm báo cáo, thiếu chính sách thiết thực để thuyết phục mọi người tham gia như chính sách vay vốn ưu đãi khi tham gia vào THT.

Bên cạnh đó, một số trường hợp tổ trưởng không điều hành được tổ, không nắm bắt được tình hình hoạt động của tổ do trình độ hạn chế, chưa được đào tạo qua công tác điều hành.

Mặt khác, hiện nay chưa có quy chế hoạt động đặc thù đối với các tổ khai thác trên biển nên việc thành lập các tổ sản xuất này còn mang tính hình thức. Trình tự, thủ tục hỗ trợ và thành lập THT còn phức tạp nên khó thực hiện. Các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân khi tham gia THT khai thác TS trên biển chưa đủ thuyết phục, việc vay vốn ưu đãi để tái sản xuất hoặc phát triển sản xuất tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những khó khăn này, thiết nghĩ cơ quan chức năng các cấp cần tổng hợp và tuyên truyền những hiệu quả thiết thực từ việc tham gia THT cho toàn thể ngư dân trong tỉnh; đồng thời vận động tất cả những tàu cá khai thác xa bờ chưa tham gia THT thành lập tổ để cùng hỗ trợ nhau trên biển.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành quy định hướng dẫn thành lập THT khai thác TS trên biển theo hướng đặc thù của ngành TS để phù hợp với thực tế sản xuất hơn và đơn giản hóa các thủ tục trong chính sách hỗ trợ sản xuất khi ngư dân tham gia tổ, nhất là chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất.

THÀNH CÔNG

.
.
.