Thứ Hai, 25/07/2016, 10:23 (GMT+7)
.

2 nông dân xã Mỹ Phước làm giàu từ cây khóm

Câu chuyện về những người đi khai hoang lập nghiệp trên vùng đất mới Tân Phước có rất nhiều, trong đó có 2 nông dân ở xã Mỹ Phước là chú Trương Hùng Minh và chú Đinh Văn Còn đã làm nên cơ nghiệp từ cây khóm.

CHÚ TRƯƠNG HÙNG MINH: Gần 40 năm gắn bó với cây khóm

Năm 1979, rời quê hương Chợ Gạo vào Tân Phước lập nghiệp, chú Trương Hùng Minh làm công nhân cho nông trường, bắt đầu gắn bó với cây khóm. Đến năm 1990, nông trường giải thể, chú Minh nhận trên 5 ha đất trồng khóm.

Chú Minh cho biết: “Hiện tại, chú trồng giống khóm Queen, cho năng suất và chất lượng khá tốt. Khóm trung bình 3 tháng cho thu hoạch 1 lần, từ 7 - 8 tấn/ha, nếu khóm có giá, trừ chi phí nông dân có thể lãi từ 15 - 20 triệu đồng/ha. 

Chú Trương Hùng Minh tưới khóm.
Chú Trương Hùng Minh tưới khóm.

Chú Minh chia sẻ kinh nghiệm trồng khóm: “1 ha khóm bình quân trồng 35.000 cây khóm con. Khóm từ lúc trồng đến thu hoạch mất ít nhất 18 tháng, từ 3 - 5 năm phải trồng mới lại. Ngoài sâu bệnh, chuột là loài phá hại khóm khó có biện pháp ngăn chặn.

Có thời gian đi trồng khóm thuê cho Nông trường, nên chú đã học được một số kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm rút tỉa qua nhiều vụ nên năm nào ruộng khóm của chú cũng cho năng suất cao. Với gần 5 ha, hàng năm cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng”.

Kế bên ruộng khóm bạt ngàn là ngôi nhà khang trang, chú Minh cho biết: “Ngôi nhà này cũng nhờ mấy mùa khóm trúng giá mà nên. Nhờ chịu khó trồng khóm, gia đình chú dần ổn định, cuộc sống khấm khá, 2 con ăn học đến nơi đến chốn, giờ đã có việc làm và lập gia đình”.

CHÚ ĐINH VĂN CÒN: Cây khóm làm nên cơ nghiệp

Từ 1,5 ha đất khai hoang, nhờ siêng năng, chăm chỉ lao động, đến nay chú Đinh Văn Còn đã có trong tay 10 ha đất trồng khóm. Chú Còn cho biết: “Năm 1980, với 1,5 ha đất hoang, bắt đầu cơ nghiệp quả không dễ dàng chút nào.

Lúc đó, thấy nhiều người trồng khóm, chú cũng quyết tâm trồng khóm thay vì trồng tràm. Mày mò nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, chú canh tác 1,5 ha khóm rất hiệu quả. Có những năm khóm rớt giá “thê thảm” nhưng chú vẫn không nản lòng, vẫn quyết tâm bám lấy cây khóm”. Đất không phụ người, sau hơn 30 năm, nhờ cần cù lao động, tích góp chú mua thêm đất, mở rộng diện tích đất trồng khóm. 

Chú Đinh Văn Còn phấn khởi khi giá khóm  từ 7 - 9 ngàn đồng/kg.
Chú Đinh Văn Còn phấn khởi khi giá khóm từ 7 - 9 ngàn đồng/kg.

Vào mùa rộ khóm thường rớt giá.  Sau bao năm trồng khóm, rút được kinh nghiệm này, chú xử lý cây cho trái nghịch vụ, có thể chia ra 4 đợt thu hoạch trong năm. Nhờ rải vụ mà khóm luôn bán được giá cao gấp 3 - 4 lần so với vụ thuận (tháng 4 - 5 âm lịch). Cách xử lý ra trái nghịch vụ của chú Còn rất đơn giản, khi khóm sắp ra hoa thì bón thúc phân NPK, khóm sẽ cho trái muộn 3 - 4 tháng sau.

Chú Còn khoe với chúng tôi: “Năm nay giá khóm tăng cao, giữ mức ổn định từ 7 - 9 ngàn đồng/kg.
Chú vừa thu hoạch hàng chục tấn, lãi hàng trăm triệu đồng”. Với 10 ha đất khóm, chú Còn thường xuyên giải quyết việc làm cho 5 - 10 lao động trong vùng.

P.MAI

.
.
.