Thứ Bảy, 09/07/2016, 06:25 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa

Cùng với những định hướng và phát huy lợi thế, Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển thương mại, trong đó chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa đã tạo nên những “gam màu” sáng trong phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, phát triển thương mại của Tiền Giang vẫn còn đối mặt với nhiều tác động của các yếu tố trong và ngoài nước.  

1. Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 25,2%/năm, vượt khá cao so với mục tiêu Nghị quyết đề ra (16 - 18%).

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 910,8 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ, đạt 43,4% so với kế hoạch năm. Kết quả này được ghi nhận từ sự đóng góp rất lớn trong nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp (DN) tỉnh nhà và việc đi vào hoạt động của nhiều dự án đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã phát triển đa dạng các mặt hàng xuất khẩu nên cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh đã có sự thay đổi lớn. Thủy sản, gạo không còn là những mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn mà thay vào đó là các mặt hàng túi xách, may mặc, giày, ống đồng.

Tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản ngày càng giảm. Hàng nông sản giảm từ 17,5% năm 2010, còn khoảng 5% năm 2015; tương tự thủy sản giảm từ 44,8% năm 2010 xuống còn khoảng 16% năm 2015.

Ngược lại, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp tăng từ 29,3% năm 2010 lên gần 80% năm 2015. Túi xách là mặt hàng mới đầu tư sản xuất từ năm 2012 nhưng đến nay đã đứng đầu trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, hàng may mặc xuất khẩu cũng có tốc độ tăng khoảng 18%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và hiện chiếm tỷ trọng khoảng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Sản xuất ống đồng, ngành hàng xuất khẩu mới của tỉnh.
Sản xuất ống đồng, ngành hàng xuất khẩu mới của tỉnh.

Theo Sở Công thương, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng lên khá nhanh, từ 5% năm 2010 tăng lên khoảng 60% năm 2015. Tập trung ở các sản phẩm công nghiệp như: May mặc, ống đồng, túi xách, giày...

Ngược lại, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư trong nước giảm mạnh qua các năm, tập trung vào các DN tư nhân xuất khẩu nông sản, thủy sản của tỉnh, nhất là thủy sản, gạo.

Thị trường xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang hiện nay là 145 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh việc mở rộng thị trường, các DN trong tỉnh cũng đã tăng cường xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, với kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng bình quân 20%/năm, trong đó mức tăng cao nhất là 32% ở thị trường Hoa Kỳ.

2. Chú trọng phát triển thị trường nội địa, Tiền Giang đã mở rộng giao thương với TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn liền với quy hoạch mạng lưới thương mại. Sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, ưu tiên phát triển hệ thống kinh doanh bán lẻ hiện đại, quy hoạch những vị trí có lợi thế thương mại ở đô thị để xây dựng, phát triển các siêu thị, khu thương mại, dịch vụ tại TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, huyện Cái Bè...

Củng cố và phát triển hệ thống các chợ truyền thống, chợ đầu mối về nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh, tạo cầu nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đánh giá của Sở Công thương, thương mại nội địa của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; hệ thống bán buôn, bán lẻ được phát triển rộng khắp. Từ năm 2011 đến năm 2015, tỉnh đã xây mới 25 chợ, với tổng vốn đầu tư 130,43 tỷ đồng (vốn ngân sách: 18 chợ/65,295 tỷ đồng; vốn xã hội hóa:

7 chợ/65,135 tỷ đồng); nâng cấp, sửa chữa 24 chợ, tổng vốn đầu tư 6,44 tỷ đồng từ ngân sách; nâng tổng số chợ của tỉnh hiện có 176 chợ, gồm: 5 chợ hạng 1 (trên 400 điểm kinh doanh), 21 chợ hạng 2 (từ 200 - 400 điểm kinh doanh), 150 chợ hạng 3 (dưới 200 điểm kinh doanh), với tổng cộng hơn 18.200 hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 7 siêu thị.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 tăng 18,9%, thấp hơn mục tiêu đề ra (giai đoạn 2011 - 2015 là 20,5%). Riêng 6 tháng đầu năm 2016 đạt 25.960 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ, đạt 46,8% so với kế hoạch năm.

Kinh tế Nhà nước có tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 cao nhất (tăng 49,9%), kế đến là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 49,7%), kinh tế cá thể (tăng 20,1%), kinh tế tư nhân (tăng 12,3%), còn lại là kinh tế tập thể (tăng 12%).

Về mức đóng góp của các thành phần kinh tế trong tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ và tiêu dùng xã hội thì kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân đóng góp nhiều nhất, trong năm 2015, 2 thành phần kinh tế này chiếm đến 88,3% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Linh, Phó Giám đốc Co.op Mart Mỹ Tho cho biết, thị trường tiêu thụ tại Tiền Giang khá lớn, bởi dân số đông, người dân trong độ tuổi lao động có mức chi tiêu khá mạnh và có thu nhập ngày càng tăng. Hành vi tiêu dùng của người dân dần thay đổi theo xu hướng hiện đại.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốt cũng góp phần quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa… Vì vậy, thị trường bán lẻ tại Tiền Giang vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư khác đến tham gia kinh doanh.

3. Đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa đã tạo nên điểm nhấn trong phát triển thương mại của Tiền Giang. Tuy nhiên, Sở Công thương cũng đã đưa ra dự báo của các yếu tố trong và ngoài nước tác động đến phát triển thương mại của tỉnh trong thời gian tới như:

Quá trình hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết về mở cửa thị trường trong các FTA vừa tạo ra cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vừa tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với thương mại trong nước, trong đó có Tiền Giang.

Những dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài dự báo tăng nhanh sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển ngành Thương mại Tiền Giang khi tham gia phân phối hàng hóa, nguyên liệu trên thị trường.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt thương mại điện tử và internet dần phá vỡ những phương thức kinh doanh truyền thống, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận, mua bán hàng hóa nhanh chóng với chi phí thấp. Xu hướng sáp nhập và mua lại công ty, nhất là các nhà phân phối lớn cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống phân phối của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Dệt may, một trong những ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Dệt may, một trong những ngành hàng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Theo tính toán của Sở Công thương, đến năm 2020 giá trị xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3,4 tỷ USD, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 16,3%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh đến năm 2020 ước đạt 91.500 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 12,4%/năm.

Để đạt được các chỉ tiêu nêu trên cũng như nâng cao khả năng hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, sản phẩm và DN, tỉnh cần tập trung thực hiện các nội dung: Đẩy nhanh mời gọi đầu tư, đưa vào hoạt động các khu công nghiệp Bình Đông, Tân Phước I, Tân Phước II; mở rộng đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, tận dụng tiềm năng về vị trí địa lý của tỉnh; cải thiện môi trường sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục thông tin, tuyên truyền đến các DN về những thông tin mới về tiến trình hội nhập của Việt Nam...

Đối với thị trường nội địa, tỉnh cần phát triển đáp ứng nhu cầu của sản xuất, đời sống, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo đảm cân đối cung - cầu về những mặt hàng trọng yếu cho sản xuất và đời sống.

Đầu tư, mời gọi đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bao gồm các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại với hệ thống chợ truyền thống, hệ thống cửa hàng tiện lợi đảm bảo sự hài hòa, phù hợp quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch của các địa phương và các quy hoạch ngành có liên quan.

Xây dựng và phát triển thương mại nội địa theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế.

HỮU NGHỊ

.
.
.