Thứ Hai, 18/07/2016, 14:01 (GMT+7)
.

ĐBSCL: Vựa thực phẩm trong cơn khủng hoảng

Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hàng trăm ngàn hộ dân có thể sẽ bị đói do mất nguồn lương thực. Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo chiều 13-7 tại tỉnh Hậu Giang về các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh phải thốt lên: “ĐBSCL: Vựa thực phẩm trong cơn khủng hoảng”.

Hiểm họa trước mắt   

Từ năm 2014 đến nay, tác động của El Nino đã kéo mùa khô dài hơn, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm. Từ năm 2015, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến mặn trên sông xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất gần 90 km.

Nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL bị mất trắng trong đợt hạn, mặn vừa qua.
Nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL bị mất trắng trong đợt hạn, mặn vừa qua.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân vùng ĐBSCL. Các tỉnh ven biển như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… có nhiều diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Tổng diện tích bị thiệt hại gần 127.000 ha, trong đó gần 79.000 ha bị thiệt hại trên 70% năng suất, trên 45.000 ha thiệt hại từ 30 - 70% năng suất, gần 3.000 ha thiệt hại dưới 30% năng suất. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu và Bến Tre.

Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hạn hán, xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt tại một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa có công trình cấp nước, tập trung ở các khu vực cửa sông, cửa biển như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang…

Hiện có khoảng 250.000 hộ gia đình bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong tương lai, xâm nhập mặn còn lấn sâu vào đất liền khoảng 70 km trên sông Cửu Long, 125 km trên sông Vàm Cỏ Tây và xa hơn là mặn xâm nhập khoảng 75 km trên sông Cửu Long, khoảng 130 km trên sông Vàm Cỏ Tây. Nếu tình trạng hiện nay không được cải thiện thì trong 20 - 30 năm tới hạn, mặn sẽ “ăn” phân nửa ĐBSCL.

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL, các ưu đãi về thiên nhiên cũng mang đến những rào cản không nhỏ về đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Những hạn chế chính của điều kiện tự nhiên là ảnh hưởng của lũ trên diện tích 1,9 triệu ha ở vùng đầu nguồn, mặn xâm nhập trên diện tích khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ha ở vùng ven biển; đến phèn và sự lan truyền nước chua trên diện tích 1 triệu ha ở những vùng trũng; thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt trên diện tích khoảng 2,1 triệu ha ở những vùng xa sông, gần biển.

Cần có giải pháp cấp bách

Trước thực trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ĐBSCL rất cần những giải pháp chủ động phù hợp và kịp thời. Tiến sĩ Tô Quang Toản, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất: “Chúng ta cần rà soát lại quy hoạch lũ ở ĐBSCL, ưu tiên xây các cống ngăn mặn cặp sông Tiền, sông Hậu để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm; liên kết các hệ thống thủy lợi nhỏ lẻ thành các hệ thống lớn hơn, bố trí các trạm bơm vừa và nhỏ ở các vùng ven biển…”.

Giải quyết các vấn đề thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bà Nguyễn Thu Phương, Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng cần phải xây dựng và triển khai ngay việc thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Kông;

Tập trung điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu; phải thành lập Ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.

Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cần phải đặt trong mối quan hệ tổng thể chung toàn vùng, liên vùng và đảm bảo tính thích ứng với điều kiện khí hậu, nước biển dâng.

Theo các chuyên gia, vấn đề cấp bách hiện nay là cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhất là quy hoạch về thủy lợi, cấp nước, giao thông thủy, nông nghiệp…

Việc rà soát, bổ sung phải trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo các kịch bản đã được công bố.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, một chuyên gia về tài nguyên nước kiến nghị: “Đã đến lúc 6 nước trong lưu vực phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực trên tinh thần hợp tác để cùng phát triển.

Để quản lý tốt nguồn nước sông Mê Kông và các rủi ro từ biến đổi khí hậu, việc chia sẻ các số liệu thủy văn, cơ chế vận hành của chuỗi đập thủy điện giữa các nước trong lưu vực phải là một yêu cầu mang tính bắt buộc. Ngoài ra, mọi dự án khai thác nguồn nước sông Mê Kông cần được thuyết minh đánh giá tác động lên môi trường của toàn lưu vực trong ngắn, trung và dài hạn. 

SĨ NGUYÊN

.
.
.