Để có vụ mùa thắng lợi trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông
Tính đến thời điểm hiện nay, nông dân huyện Tân Phú Đông đã xuống giống hơn 400 ha lúa hè thu năm 2016, tập trung trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Ngoài ra, tranh thủ thời tiết có mưa trong những ngày qua, bà con nông dân tiếp tục dọn cỏ, làm đất cho vụ sản xuất mới. Bên cạnh cây lúa, nông dân các xã Phú Thạnh, Phú Đông và Tân Phú cũng đã xuống giống, trồng mới hàng trăm ha cây màu thực phẩm như sả, ớt, bắp…
Mô hình trồng ớt trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. |
Nhìn chung, những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, nhất là ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện vừa tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa tập trung chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, làm tốt công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật… trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông nên nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các giống cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với môi trường thổ nhưỡng vùng đất cù lao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xóa thế độc canh cây lúa trong vùng dự án theo mô hình 1 lúa - 1 màu, hoặc 1 lúa - 2 màu, nhằm tăng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là phần lớn diện tích lúa đã xuống giống trong vụ hè thu năm 2016 của bà con nông dân huyện nhà đều không theo khuyến cáo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp huyện. Nguy cơ rủi ro cao do có thể thiếu nước tưới vào thời điểm giữa vụ và cuối vụ, gây thiệt hại đến năng suất và sản lượng lúa như đã từng xảy ra trong các vụ lúa hè thu trước đây trên địa bàn huyện.
Bởi nhìn trên tổng thể thì tình hình sản xuất trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với sản xuất lúa, do bà con nông dân theo tập quán cũ, xuống giống bằng phương pháp sạ khô, gặp khi thời tiết thay đổi, trời nắng nóng, khô hạn thì phèn mặn dễ bộc phát, trong khi thiếu nước ngọt để bơm tưới, làm cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại, mất trắng.
Hàng năm, hệ thống cống trong vùng dự án như các cống Bà Tài, Rạch Mương, Rạch Gốc... đều được vận hành mở lấy nước phục vụ sản xuất vào khoảng giữa tháng 7 dương lịch, khi nước ngoài sông có độ mặn cho phép khoảng 2‰..
Qua đó, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo lịch xuống giống từ giữa đến cuối tháng 7 dương lịch. Thế nhưng, đa số bà con nông dân không tuân thủ mà thường xuống giống lúa vào khoảng mùng 5-5 âm lịch (khoảng giữa tháng 6 dương lịch) bằng phương pháp sạ khô, do thời tiết bất lợi nên lúa phát triển kém. Đặc biệt là ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông không nên xuống giống lúa vụ đông xuân vì không bảo đảm nguồn nước tưới.
Tuy nhiên, do tập quán cũ, vụ đông xuân hàng năm vẫn có diện tích lúa được bà con gieo sạ và tình trạng thất mùa, mất trắng đã xảy ra. Theo ngành Nông nghiệp huyện, trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông chỉ có sản xuất lúa vụ thu đông là tương đối thuận lợi. Toàn vùng có khoảng 2.000 ha, trong điều kiện nguồn nước được bảo đảm, năng suất bình quân đạt từ 4,1 - 4,5 tấn/ha, chất lượng lúa khá cao so với các địa phương khác trong tỉnh.
Riêng về hoa màu các loại, toàn vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông có tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Trong đó, cây bắp có 40 ha được trồng trên nền đất lúa, năng suất thu hoạch bình quân 30.000 trái/ha. Đối với cây ớt, diện tích khoảng 800 ha, tăng hơn 500 ha so với khi mới thành lập huyện.
Năng suất thu hoạch bình quân 13 tấn/ha. Đáng chú ý là cây sả, hiện được xem là cây màu chủ lực trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông, với hơn 850 ha, có nhiều khả năng tiếp tục được mở rộng diện tích trong thời gian tới, bởi do giá bán thường xuyên ổn định.
Thời điểm hiện nay, giá sả vẫn đứng ở mức trên dưới 6.000 đồng/kg. Năng suất thu hoạch bình quân từ 15 - 20 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng sả thu lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, để bảo đảm mùa vụ sản xuất lúa và hoa màu năm 2016 trong vùng dự án Phú Thạnh - Phú Đông, đòi hỏi các cấp, các ngành và bà con nông dân, nhất là những hộ có diện tích đất canh tác trong vùng dự án cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp huyện về lịch thời vụ, cũng như cơ cấu giống lúa, tích cực thực hiện bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, thời tiết tiếp tục có mưa, thuận lợi cho bà con nông dân vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị sản xuất vụ hè thu năm 2016. Dẫu biết rằng, ông bà xưa có dạy “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng tình hình thực tế trước những tác động của biến đổi khí hậu thì sự cần cù, chịu khó của người nông dân huyện nhà cần phải đi đôi với sự tuân thủ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để có được một vụ mùa bội thu.
HỮU DƯ