Thứ Tư, 13/07/2016, 11:04 (GMT+7)
.

Để ĐBSCL phát triển bền vững

“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng ở nước ta hiện nay. Vì vậy, để chủ động hội nhập và phát triển bền vững thì vùng ĐBSCL phải sở hữu được những “con thuyền lớn” đủ sức đương đầu với “sóng to, gió lớn”, hay nói cách khác là để tận dụng hết cơ hội và hóa giải tốt những thách thức…” - Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển diễn ra sáng 12-7 tại tỉnh Hậu Giang.

Nhiều khó khăn đặt ra

Hàng năm, ĐBSCL đóng góp 15% GDP của cả nước, là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, cung ứng 1/5 sản lượng thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, vùng ĐBSCL còn thiếu sự liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển; chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của ĐBSCL; sức cạnh tranh về dịch vụ hàng hóa còn chưa cao; chưa tạo dựng được thương hiệu có uy tín; chưa tạo được giá trị gia tăng; cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu…

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ bức xúc: “Suốt một thời gian dài, chúng ta tập trung tăng sản lượng lúa nhưng việc tăng lợi tức cho nhà nông thì lại chưa có. Tình trạng được mùa mất giá cứ luôn diễn ra, nông dân trồng rồi chặt, hàng hóa ứ đọng. Người nông dân tự quyết định nuôi trồng cây, con nào dễ bán cho thương lái vì rất ít doanh nghiệp (DN) đến hợp tác, thu mua cho nông dân.

Còn doanh nghiệp thì mua hàng trôi nổi của thương lái, tìm ai bán rẻ nhất thì mua. Đã có chuyện DN chơi ép, nông dân thì bẻ kèo, dẫn đến mất lòng tin lẫn nhau. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa chuẩn bị cho nông dân và DN cải tiến năng lực cạnh tranh, mà chỉ lo thương thuyết và ký kết các hiệp ước hội nhập kinh tế thế giới, tự do thương mại”.

Một điểm nghẽn lớn nhất, kiềm hãm sự phát triển của ĐBSCL nhiều năm qua là thiếu sự liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh, thành; thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển, chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của ĐBSCL; sức cạnh tranh về dịch vụ hàng hóa còn chưa cao; chưa tạo dựng được thương hiệu có uy tín, chưa tạo được giá trị gia tăng; cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu… 

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản ĐBSCL vẫn chậm và chưa nhiều; việc kiểm tra dư lượng kháng sinh, thực phẩm bẩn… vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Điều này đã dẫn đến mối lo khi nông sản các nước đang nhập khẩu và cạnh tranh với nông sản nội địa.

Nếu không chuẩn bị tốt, nông sản ĐBSCL sẽ bị thua ngay trên sân nhà, do năng lực cạnh tranh của sản phẩm các nước luôn được xếp vào hàng cao trên thế giới. Thêm vào đó những rào cản dưới dạng kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ sẽ là một thách thức lớn, ngăn chặn khả năng xuất khẩu của nông sản ĐBSCL, thậm chí còn rủi ro hơn nhiều so với thuế quan.

“Những quy định của TPP về quy tắc ứng xử sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Thủy, hải sản; còn về môi trường, có những yêu cầu cam kết cấm trợ cấp đánh bắt thủy hải sản có thể gây bất lợi đối với chính sách phát triển của vùng này” - TS. Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV đưa ví dụ.

Thực trạng lượng lúa tồn đọng, xuống giá mỗi khi vụ mùa đến luôn diễn ra.
Thực trạng lượng lúa tồn đọng, xuống giá mỗi khi vụ mùa đến luôn diễn ra.

Thay đổi tư duy về lợi thế

Nông nghiệp ĐBSCL đang trong tiến trình tái cơ cấu. Đây là một quá trình khó khăn và phức tạp, đòi hỏi không chỉ là “sự chuyển đổi lớn” của ngành Nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, mà còn cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và DN.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) cho rằng: “Người nông dân phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tư duy về lợi thế cần được thể hiện trong một chiến lược Quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn, chứ không thể quẩn quanh trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua”.

Hiến kế cho khu vực ĐBSCL, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng: “Cả 3 khu vực kinh tế của Việt Nam nhất là khu vực nông nghiệp đều chưa sẵn sàng hội nhập quốc tế. Trong thế giới thương mại, điều xảy ra đầu tiên là tự do thương mại, các nước thành viên bán hàng tự do không bị đánh thuế. Người tiêu dùng sẽ không chú ý chuyện “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà chỉ chọn mua hàng tốt nhất với giá rẻ nhất.

Do vậy, nếu chúng ta sản xuất hàng chất lượng thấp mà giá thành lại cao hơn thì chắc chắn sẽ thua trên sân nhà. Người nông dân phải đổi mới, nếu không thì nông dân nhỏ sẽ bị đào thải. Vì vậy, nông dân muốn đứng vững trong giai đoạn mới họ cần liên kết lại với nhau, có khả năng thích nghi với hệ thống sản xuất hiện đại, giảm chi phí, hạ giá thành.

Ngành chức năng phải hỗ trợ chính sách ưu tiên, khuyến khích DN đầu tư, liên kết với các hợp tác xã tại vùng nguyên liệu, có phương án tháo lui cho những nông dân nhỏ không trụ được, đào tạo họ lão luyện trong quy trình GAP”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị: “Vùng ĐBSCL tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đẩy mạnh liên kết vùng chống chọi với biến đổi khí hậu. Chính phủ chỉ tập trung vào những công trình mang tính chất vùng, còn các dự án khác cần kêu gọi BOT. Tỉnh nào cũng kêu gọi xây dựng các trung tâm giống, kiểm dịch… thì quá lãng phí.

Bên cạnh đó, cần kết nối sản phẩm, kết nối chuỗi giá trị, Nhà nước không thể lo mà chỉ tạo cơ chế chính sách… Đặc biệt, phải giải bài toán thị trường, vì sao mất cân xứng nhiều người mua, ít người bán hay ngược lại. Để làm được điều đó cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả; phải được triển khai ngay từ bây giờ không thể chần chừ. Có như vậy mới đưa ĐBSCL chủ động hội nhập quốc tế, phát triển cao hơn, nhanh hơn, an toàn hơn và bền vững hơn”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.