Thứ Sáu, 15/07/2016, 11:11 (GMT+7)
.
Du lịch Tiền Giang: Làm thế nào để "níu chân" du khách?

Cần khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái khu vực phía Tây

Bài 1: Du lịch Thới Sơn: "Thương hiệu" đang dần mai một

Các huyện phía Tây của tỉnh hiện có tiềm năng du lịch rất lớn.  Thời gian qua, mặc dù du lịch của các địa phương này đang từng bước được khai thác, phát triển, với điểm nhấn là Khu du lịch Cái Bè và Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước) nhưng hiện tại vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng và lợi thế dành cho ngành Công nghiệp “không khói” này.

Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.
Một góc Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè.

Du lịch Cái Bè: còn đó những tiềm năng

Du lịch Cái Bè có điểm nhấn là chợ nổi trên sông, so với chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi Cái Bè có nhiều lợi thế là nằm ở đoạn sông Tiền giáp với 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, đều là những tỉnh trồng nhiều cây ăn trái và rau củ, lại gắn với chợ đầu mối trên bờ rất nhộn nhịp; đồng thời với nét văn hóa buôn bán đặc trưng ở chợ nổi, thứ mà không lẫn vào đâu được, chợ nổi Cái Bè rất có lợi thế trong khai thác du lịch. Tuy nhiên, tất cả những lợi thế đó của chợ nổi Cái Bè vẫn chưa được khai thác tốt mà ngày càng “mai một”, vì hiện nay chợ nổi này đã không còn ghe xuồng mua bán tấp nập, tàu du lịch chở khách tham quan cũng thưa thớt…

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo một số đơn vị tổ chức tour, tuyến du lịch ở Cái Bè, chợ nổi Cái Bè vẫn còn nghèo nàn về sản phẩm du lịch. Bởi du khách chỉ có thể tham quan, thưởng ngoạn đặc sản nhưng chưa có điểm dừng chân ngay tại chợ nổi để có thể ăn uống hay mua sắm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát triển du lịch chợ nổi Cái Bè vẫn chưa được quan tâm. Đó là những vấn đề đặt ra cho ngành Du lịch huyện Cái Bè cũng như tỉnh Tiền Giang, để không phải mất đi một điểm độc đáo như chợ nổi Cái Bè.

Tuy nhiên, nói đến du lịch Cái Bè không chỉ có chợ nổi mà với tiềm năng nổi trội về điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương, ngành Du lịch huyện Cái Bè đã khai thác các dịch vụ du lịch như: Du thuyền trên sông, tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp, vườn cây ăn trái đặc sản, làng nghề truyền thống; trải nghiệm các giá trị di sản văn hóa trong các ngôi nhà cổ (homestay), tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt truyền thống mang bản sắc văn hóa của cư dân vùng sông nước Nam bộ. Những di tích lịch sử - văn hóa có trên địa bàn huyện Cái Bè như: Miếu Hà Dương Thủy Thần, Đình Đông Hòa Hiệp, Đình Ông Lữ, Nhà thờ, Thánh thất Cái Bè cũng là những địa điểm văn hóa tâm linh tín ngưỡng thu hút lượng khách không nhỏ.

Bên cạnh khai thác các tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Cái Bè đã quy hoạch, kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư mô hình tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp, đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, ăn uống, sinh thái cho du khách tại Hòa Khánh, cặp bờ sông Tiền. Đến nay, những khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp với cảnh quan, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn “sao” dọc sông Tiền đã và đang được đưa vào khai thác như: Khu resort Mekong Riverside có tổng vốn đầu tư 62 tỷ đồng, diện tích 7,2 ha, với 34 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 4 sao. Khu nghỉ dưỡng khác là MeKong Lodge, với diện tích 1 ha được xây dựng theo mô hình sinh hoạt đậm nét văn minh miệt vườn…

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có hơn 22 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh tại đây để phục vụ du khách đến Cái Bè tham quan, nghỉ dưỡng. Mỗi năm Cái Bè đón gần 100.000 khách du lịch, trong đó hơn 70% là khách nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm có khoảng 77 ngàn lượt khách du lịch đến Cái Bè, trong đó có khoảng 69 ngàn lượt khách quốc tế.

Hướng mở nào cho du lịch Tân Phước?

Huyện Tân Phước phát triển du lịch, với điểm nhấn là Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (ĐTM) thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, nơi được tỉnh có chủ trương triển khai phát triển du lịch từ nhiều năm nay nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Theo đó, năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, với các hạng mục công trình như: San lấp mặt bằng, đường dẫn vào khu bảo tồn, đường nội bộ, cầu tàu nhỏ, nhà dừng chân, bãi đậu xe... với tổng kinh phí xây dựng 6,5 tỷ đồng.

Các hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010. Thế nhưng, qua hơn 5 năm đưa vào sử dụng, hầu như chưa có đoàn khách du lịch đúng nghĩa nào đặt chân đến đây tham quan.

Có nhiều nguyên nhân chưa thể khai thác du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM nhưng theo ông Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM, để công tác du lịch được triển khai ở khu bảo tồn thì cần có kế hoạch xây dựng các đài quan sát chim từ xa, chứ không thể chèo xuồng tiếp cận gần nơi sinh sống của các loài chim, vì thế chim sẽ dễ bị động mà bay đi.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim cũng như các loài sinh vật khác và gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tồn tại đã lâu mà những người làm công tác bảo tồn sinh thái và làm du lịch vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong khai thác du lịch ở khu bảo tồn sinh thái này.

Tuy nhiên, với tiềm năng phát triển du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM là rất lớn, nhất là phát triển thành khu tham quan, nghỉ dưỡng với nhiều hạng mục vui chơi, giải trí truyền thống dân gian và chỉ đầu tư ở mức độ vừa phải, phù hợp cảnh quan thiên nhiên nên trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành Du lịch của tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 ở khu bảo tồn này, với các hạng mục công trình: Đường nội bộ, nhà nghỉ mát, đài quan sát..., vốn đầu tư dự kiến 4,5 tỷ đồng.

Khi hoàn thành với điểm nhấn là Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM cùng hạ tầng giao thông thuận lợi và khu tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác vừa khánh thành, sẽ mở ra tour, tuyến du lịch mới.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang cho biết, tour, tuyến du lịch mới tại Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM  là tuyến du lịch đang có nhiều khách hàng của công ty yêu cầu được tham quan, khảo sát. Do đó, công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh để có chủ trương cho phép khai thác du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM.

Theo Công văn 2730/UBND-VHXH ngày 22-6-2016 của UBND tỉnh về việc khai thác tour du lịch tại Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM kết hợp du lịch tâm linh thì UBND tỉnh đã chấp thuận về chủ trương cho Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang liên kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở tour khai thác du lịch tại Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM gắn với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác để phục vụ khách du lịch.

Với chủ trương này, hy vọng sẽ mở ra nhiều tour, tuyến du lịch đến với huyện Tân Phước như: Trên đường đến với Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM du khách sẽ được tham quan Làng nghề dệt chiếu Long Định, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, các cánh đồng trồng khóm, vườn thanh long, Khu nghỉ dưỡng Bảo Đăng. Đây sẽ là những trải nghiệm khó quên của nhiều du khách.

PHƯƠNG NGHI

Cần thay đổi tư duy về phát triển du lịch

Đó là phát biểu của ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị Tổng kết 5 năm hoạt động du lịch Tiền Giang (2011 - 2015) do UBND tỉnh tổ chức ngày 14-7. Hội nghị, ngoài các sở, ngành còn có sự tham gia của 30 doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt vấn đề là cần xem lại định hướng phát triển du lịch của tỉnh thời gian qua có khả thi không mà du lịch Tiền Giang vẫn chưa khởi sắc.

Cụ thể cù lao Thới Sơn là khởi đầu cho du lịch sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng hiện nay đã chựng lại so với các tỉnh. Các DN kinh doanh du lịch của Tiền Giang chưa thực sự phát triển cũng là một nguyên nhân để du lịch Tiền Giang chưa thể khởi sắc. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ củng cố lại du lịch Thới Sơn, đầu tư cho du lịch Cái Bè để tạo “điểm nhấn” mới và tổ chức gắn kết du lịch với các di tích lịch sự chặt chẽ hơn.

Trước đó, trong báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, du khách đến Tiền Giang trong 5 năm qua tăng bình quân gần 10%/năm; Tiền Giang dẫn đầu lượng du khách quốc tế trong khu vực ĐBSCL và đứng thứ 5/13 tỉnh ĐBSCL về thu hút khách nội địa, nhưng hiệu quả mang lại từ du lịch chưa cao.

Ý kiến đóng góp của các đại biểu, DN xoay quanh các vấn đề: Làm thế nào để duy trì chợ nổi Cái Bè, việc chống sạt lở biển Tân Thành, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng du lịch, củng cố lại hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch và Hiệp hội Du lịch Tiền Giang; chấn chỉnh hoạt động mua bán và công tác quy hoạch của khu du lịch Thới Sơn…

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tính toán kế hoạch đầu tư hạ tầng du lịch, cụ thể như đầu tư về bến bãi đón du khách tại các điểm du lịch sông nước như Mỹ Tho, Cái Bè.

Cần có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, DN để duy trì hoạt động của chợ nổi Cái Bè, bởi xu hướng mai một chợ nổi là quy luật tất yếu. Riêng du lịch Thới Sơn sẽ có 1 hội nghị chuyên đề để tìm giải pháp củng cố lại điểm du lịch này theo hướng sẽ gắn cù lao Thới Sơn với Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút và Trại rắn Đồng Tâm, bởi đây là những “điểm nhấn” đặc trưng chỉ có ở Tiền Giang.

DUY SƠN

 

.
.
.