Thứ Tư, 13/07/2016, 11:07 (GMT+7)
.
Du lịch Tiền Giang: Làm thế nào để "níu chân" du khách?

Du lịch Thới Sơn: "Thương hiệu" đang dần mai một

Bài 2: Cần khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch sinh thái khu vực phía Tây

Tiền Giang có 3 vùng sinh thái mang nét đặc trưng có thể phát triển du lịch mà không phải tỉnh nào cũng có. Đó là vùng nước ngọt với cây trái, sông rạch phì nhiêu; vùng ngập mặn ven biển khu vực Gò Công và vùng rừng ngập phèn Đồng Tháp Mười.

Tuy nhiên, nhiều năm qua du lịch Tiền Giang vẫn chưa khai thác lợi thế này để thu hút du khách. Thậm chí những điểm du lịch từng tạo nên “thương hiệu” cho Tiền Giang nay đã mất dần vị thế. Làm thế nào để thu hút, giữ chân du khách, cải thiện hình ảnh của du lịch Tiền Giang đang là vấn đề trăn trở đặt ra cho những nhà quản lý.

Đò chèo du lịch, đờn ca tài tử từng tạo nên nét riêng cho du lịch Tiền Giang.
Đò chèo du lịch, đờn ca tài tử từng tạo nên nét riêng cho du lịch Tiền Giang.

Những nét đặc trưng của Thới Sơn từng tạo được thế “thượng phong”trong cuộc cạnh tranh so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nay đã không còn, bởi những “bài bản”này đã được các tỉnh lân cận vận dụng và trở thành đối trọng cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà. Cụ thể như các tour du lịch đò chèo trên sông rạch, tham quan vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử… giờ đây không còn là sản phẩm độc quyền của Thới Sơn.

CHƯA TÌM ĐƯỢC “LỐI ĐI” MỚI

Khu du lịch Thới Sơn, hình thành từ năm 1988 với 0,7 ha; đến nay gần 30 năm, nhưng những điểm du lịch vẫn còn nguyên nét “hoang sơ”của những năm 80 thế kỷ trước. Sau bao dự án “đình đám”chưa thể triển khai, hiện tại cù lao Thới Sơn đã được quy hoạch với quy mô hơn 30 ha với 4 khu chuyên đề: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Khu thể thao dưới nước, Khu đón tiếp đường bộ và Khu du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe.

Riêng những hạng mục của dự án Khu du lịch sinh thái của Công ty CP Du lịch Tiền Giang do ông Hoàng Kiều triển khai trước đây, khi bán cổ phần lại cho bà Hoàng Thùy Linh hiện đang gặp khó khăn do thiếu vốn.

Hiện công ty chỉ mới xây xong cầu vào khu du lịch, bờ kè cặp sông Tiền. Trong khi đó, dự án Khu đón tiếp đường bộ với quy mô 2,7 ha đã có nhà đầu tư Hàn Quốc, nhưng từ năm 2012 đến nay Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Mỹ Tho chỉ mới thỏa thuận đền bù được 0,8 ha, người dân không đồng thuận về giá bồi thường nên dự án đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Riêng dự án Khu du lịch thể thao dưới nước, UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Giải trí Thới Sơn (Hàn Quốc) có quy mô 7,5 ha. Nhà đầu tư đang đề nghị tỉnh, thành phố hỗ trợ trong việc đền bù giải tỏa.

Ông NGUYỄN VĂN CƯỜNG, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM-DL Tiền Giang:

Khu du lịch Thới Sơn chiếm 50% lượng khách du lịch đến Tiền Giang, mỗi ngày nơi đây đón từ 1.500 - 3.000 lượt khách du lịch; được Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 4 khu du lịch cấp Quốc gia của ĐBSCL.

Tuy nhiên, chất lượng một số dịch vụ du lịch nơi đây thời gian qua chậm được cải thiện, nhất là về môi trường vệ sinh, nạn đeo bám, chèo kéo khách, cạnh tranh, ép giá, văn hóa ứng xử của người dân… có nơi, có lúc gây ấn tượng không tốt cho du khách.

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng cốt lõi là thiếu cơ chế quản lý. Vì thế, UBND tỉnh cần ban hành quy chế quản lý đối với Khu du lịch Thới Sơn.

Vì thế, có thể thấy diện tích được thực hiện quy hoạch căn cơ cho du lịch của Thới Sơn vẫn chưa tăng thêm là bao, chủ yếu vẫn là những điểm du lịch tự phát của người dân theo cách gọi xã hội hóa. Vì thế, các tuyến, điểm du lịch tại Thới Sơn đang đi theo lối mòn, chưa thật sự hấp dẫn, mời gọi du khách đến lần hai.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Tiền Giang, hiện Thới Sơn chỉ có Khu du lịch Thới Sơn 1 của Công ty CP Du lịch Tiền Giang là đầu tư tương đối bài bản. Còn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành khác chỉ hợp tác với các hộ dân để khai thác điểm du lịch vườn.

Vào mùa cao điểm, du lịch tại Thới Sơn quá tải, tình trạng buôn bán tại đây tự phát nên chưa nền nếp, vệ sinh môi trường nhếch nhác, tình trạng cò du lịch gây phản cảm chưa được chấn chỉnh.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng như cầu tàu, tuyến kinh đò chèo, đường nội bộ kết nối các điểm du lịch chưa hoàn chỉnh, nhất là khu du lịch Thới Sơn 4, Thới Sơn 5; tất cả đã ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Thới Sơn.

CÁC DOANH NGHIỆP LỮ HÀNH NÓI GÌ?

Du lịch cù lao Thới Sơn đang dậm chân tại chỗ giải pháp nào để vực dậy, khôi phục lại cái gọi là văn minh miệt vườn của cù lao này đang là vấn đề cấp thiết đặt ra. Phát triển du lịch Thới Sơn theo hướng nào để khả thi, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, phù hợp với sinh thái sông nước Nam bộ và xứng tầm là khu du lịch Quốc gia theo phê duyệt của Chính phủ?

Theo ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Exotic Việt Nam, du lịch tại cù lao Thới Sơn hiện chưa có sự gắn kết thực sự của chính quyền - người dân và DN. Người dân chưa thực sự là hạt nhân của du lịch cộng đồng, cụ thể người dân chưa có tiếng nói trong các dự án quy hoạch du lịch, chưa được động viên và hướng dẫn làm giàu từ tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẵn có của mình, sự phân chia lợi nhuận trong cộng đồng chưa đồng đều.

Hiện nay, sự làm giàu của người dân thường được các nhà quản lý và các công ty du lịch đánh giá là phát triển vô tổ chức, làm xấu đi môi trường du lịch. Ông Phương cho rằng, Thới Sơn nên phát triển theo hướng du lịch cộng đồng, bởi nó phù hợp với xu thế phát triển của du lịch thế giới và phát huy được thế mạnh đặc thù của du lịch Tiền Giang, đó là vị trí địa lý, cuộc sống đời thường của người dân và cảnh quan sông nước Mê Kông.

Không nên quy hoạch theo hướng “Đầm Sen hóa” hay bê tông hóa cù lao Thới Sơn. Ngoài ra, các chương trình du lịch hiện nay tại Thới Sơn ngày càng kém chất lượng vì hầu hết các DN du lịch tại địa phương không lấy chất lượng làm tiêu chí cạnh tranh mà chỉ đua nhau cạnh tranh về giá. 

Lãnh đạo Công ty Du lịch Việt Phong:

Các doanh nghiệp lữ hành hiện nay chủ yếu cạnh tranh về giá tour, điều này làm giảm chất lượng dịch vụ và sản phẩm chậm phát triển, lợi nhuận không cao dù đông du khách.

Địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN lữ hành đầu tư kinh doanh và kéo du khách đến tỉnh; cụ thể: Giới thiệu các cơ sở liên kết, hợp tác về mặt bằng, đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính…

Muốn đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cần có sự phối hợp của nhiều ngành, Nhà nước, DN và cộng đồng dân cư. Trong đó vai trò quản lý của Nhà nước rất quan trọng.

Trong khi đó, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thiên niên kỷ cho rằng, cù lao Thới Sơn, cũng như giữa các cù lao trên sông Tiền, những sản phẩm, dịch vụ du lịch đều trùng lắp, tạo cảm giác nhàm chán, nên khó thu hút thêm du khách.

DN tham gia khai thác trên cù lao Thới Sơn nhiều nhưng đầu tư thiếu chiều sâu khi quy mô còn hạn chế. Một số DN phát triển tự phát, mang tính “ăn xổi ở thì”và tính liên kết giữa các DN gần như không có.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thới Sơn, cần quy hoạch, sắp xếp lại các điểm tham quan, mua bán, đội ngũ đò chèo, đờn ca tài tử sao cho bài bản, chuyên nghiệp hơn, để hạn chế việc xin tiền bo của du khách. Cải thiện vấn đề môi trường, đầu tư nâng cấp hệ thống đường sá, trồng nhiều vườn cây ăn trái phục vụ du khách.

Trong khi đó, theo Sở VH-TT&DL Tiền Giang, để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các DN tham gia đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là với các dự án du lịch cộng đồng. Cụ thể hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong 2 dự án: Khu đón tiếp đường bộ và Khu du lịch thể thao dưới nước.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, có biện pháp chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh du lịch theo đúng quy định của pháp luật. Huy động các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối giữa các khu, điểm du lịch. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng cho du lịch Thới Sơn nói riêng và Tiền Giang nói chung.

DUY SƠN
(còn tiếp)

.
.
.