Chủ Nhật, 10/07/2016, 06:27 (GMT+7)
.

Hướng tới MDEC-Hậu Giang 2016: Sản xuất nông nghiệp theo CNC

Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã và đang là một xu thế tất yếu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh Tiền Giang cũng đã tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có diện tích, sản lượng lớn và chiếm tỷ trọng cao để thực hiện ứng dụng CNC vào các khâu chính như: Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, phẩm chất tốt; sử dụng các chế phẩm sinh học trong bảo vệ thực vật để diệt trừ sâu hại cây trồng, hạn chế dịch bệnh.

Nhiều mô hình áp dụng CNC

Thời gian qua, hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp luôn bám sát yêu cầu thực tế nền kinh tế thị trường và ngày càng đi vào chiều sâu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cây lúa đã ứng dụng công nghệ sinh học vào việc thanh lọc và phục tráng các giống lúa đặc sản xuất khẩu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật như sử dụng công cụ sạ hàng, kết hợp đồng bộ biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lúa; nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng để quản lý bệnh đốm vằn; thực hiện chương trình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Cơ giới hóa khâu làm đất, bơm tát chiếm 100% diện tích, thu hoạch và sau thu hoạch lúa. Bên cạnh đó, các loại máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, máy cuốn rơm, máy cấy bước đầu áp dụng có hiệu quả, góp phần tăng năng suất, giảm giá thành. Đã ứng dụng công nghệ sinh học thanh lọc và phục tráng giống Nếp Bè bằng kỹ thuật điện di protein để phục vụ cho vùng trồng Nếp Bè ở địa phương.

Nhà vườn ở huyện Tân Phú Đông chăm sóc mãng cầu Xiêm. Ảnh: Hữu Dư
Nhà vườn ở huyện Tân Phú Đông chăm sóc mãng cầu Xiêm. Ảnh: Hữu Dư

Cây ăn trái triển khai ứng dụng KHCN trong chọn giống, sử dụng chế phẩm Sofri Protein để phòng trừ ruồi đục quả và các chế phẩm bảo vệ, phát triển cây trồng. Chương trình phát triển cây khóm với đề tài “Phòng trị bệnh thối rễ, thối noãn bằng biện pháp sử dụng nấm đối kháng Trichoderma spp” và đề tài “Ứng dụng những chủng vi sinh vật có ích trong đất để xử lý phụ phẩm từ cây khóm thành phân hữu cơ sinh học bón cây trồng”. Kết quả các đề tài này được ứng dụng rộng rãi trên vùng khóm Tân Lập.

Cây rau màu thực phẩm được sử dụng giống ưu thế lai F1, màng phủ nông nghiệp, sử dụng phân hữu cơ, sử dụng nấm đối kháng… góp phần đa dạng hóa sản phẩm, năng suất, chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, diện tích trồng rau toàn tỉnh đạt 50.200 ha, trong đó có 62 ha được chứng nhận VietGAP với 40 chủng loại rau các loại, đã triển khai thành công dự án 500 ha rau an toàn (tương đương với 4.000 ha gieo trồng mỗi năm).

Ở lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tập trung nâng cao năng lực trong việc áp dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo nhằm cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống hiện có của địa phương như cải thiện tầm vóc đàn bò địa phương bằng phương pháp lai tạo với các giống bò cao sản thông qua thụ tinh nhân tạo; cải tạo đàn dê địa phương theo hướng chuyên thịt và sữa, nuôi vịt sinh sản an toàn sinh học, nuôi vịt biển...

Kết quả việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật CNC trong sản xuất nông nghiệp đã làm tăng hiệu quả sản xuất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2015 bình quân 5,76%/năm; trong đó trồng trọt tăng 3,8%, chăn nuôi tăng 8,5%, thủy sản tăng 10,5%...

Ngành Nông nghiệp cũng cho biết, việc xây dựng và ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã tạo hiệu ứng bước đầu, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì những kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN nêu trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn ở bước khởi đầu và việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, kỹ thuật áp dụng không đồng đều, tỷ lệ ứng dụng CNC còn ở mức thấp, rải rác, dưới dạng mô hình, mới ứng dụng từng phần, chưa đồng bộ thành một hệ thống đối với từng loại cây trồng, vật nuôi; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp CNC còn quá ít và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế…

Nông nghiệp CNC là xu thế

Để đưa nền nông nghiệp CNC ngày càng phát triển bền vững, Tiền Giang sẽ cập nhật các mô hình đã có, đạt giá trị cao trên 500 triệu đồng/ha/năm; các mô hình sản xuất tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, các giống cây trồng, vật nuôi mới áp dụng công nghệ sinh học; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch... để chuyển giao cho nông dân nhân rộng.

Xác định các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển nhóm cây chủ lực như: Lúa chất lượng cao, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long, heo lai kinh tế, tôm, nghêu, cá... Đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác chịu nhiệt, chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn, ngập úng.

Xác định việc phát triển, ứng dụng CNC là vấn đề cần thiết, là chìa khóa để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách về thiếu đất sản xuất và nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 6-12-2011 về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 82/KH-UBND ngày 22-6-2012 về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghệ sinh học và đã lập Đề án Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô 201 ha, đang trình Chính phủ phê duyệt. Đây là Khu nông nghiệp ứng dụng CNC đầu tiên thành lập ở vùng phía Bắc sông Tiền, sẽ tạo động lực cho nông nghiệp của tỉnh từng bước tiến lên sản xuất nông nghiệp CNC.

Sở NN&PTNT cho biết, ngành cũng tập trung phát triển khu, vùng, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC tại Tiền Giang, làm tiền đề hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất nông nghiệp cho vùng Bắc sông Tiền.

Phát triển thị trường, từng bước hình thành, phát triển các dịch vụ ứng dụng CNC phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm.

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao ứng dụng nông nghiệp CNC; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tại khu phát triển công nghệ sinh học, các vùng nông nghiệp CNC, các doanh nghiệp ứng dụng CNC.

Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách để thu hút các dự án ứng dụng CNC đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phải thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người nông dân biết thế nào là nông nghiệp ứng dụng CNC; hiểu được việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là một tất yếu, khách quan trong thời kỳ hội nhập, trong bối cảnh biến đối khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng người sản xuất hàng hóa nông sản buộc phải thực hiện và phải thực hiện thật tốt mới có thể tồn tại và có cơ hội phát triển.

SĨ NGUYÊN

Tham gia 6 gian hàng tại Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL

Ngày 4-7, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tiền Giang cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016), tỉnh Tiền Giang tham gia Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL với 6 gian hàng.

Trong các gian hàng này, Tiền Giang sẽ tập trung giới thiệu tài liệu danh mục các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh, DVD tiềm năng và cơ hội đầu tư, danh bạ doanh nghiệp, ấn phẩm, DVD về du lịch Tiền Giang...

Giới thiệu những thành tựu của tỉnh trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; các hình ảnh, số liệu về công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn. Trưng bày các sản phẩm công nghiệp như: Máy móc ngành công nghiệp - xây dựng của doanh nghiệp tư nhân Chánh Tân Đức, đèn Led của Công ty cổ phần Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal, máy xịt thuốc của Công ty TNHH Phát Minh...

Ngoài ra, tỉnh cũng trưng bày các loại trái cây đặc sản của tỉnh như: Xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Ngũ Hiệp, khóm Tân Lập... Các sản phẩm chế biến như: Gạo của Công ty Lương thực Tiền Giang, bánh tráng, bánh hủ tiếu, bánh phở của Công ty TNHH sản xuất chế biến nông - thủy sản xuất khẩu Thuận Phong, trái cây đóng hộp của Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang… Giới thiệu ẩm thực Tiền Giang của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Làng Việt.

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tiền Giang, Tiền Giang tham gia Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL 2016 nhằm khẳng định những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Giới thiệu và quảng bá những thành tựu về công nghiệp, nông nghiệp của địa phương. Giới thiệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư; thương mại và du lịch của tỉnh đến khách tham quan trong và ngoài nước.

 

.
.
.