Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vốn cho ĐBSCL
Nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016), chiều 12-7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL”.
Theo NHNNVN, hoạt động ngân hàng của khu vực ĐBSCL trong những năm qua đạt kết quả khích lệ, huy động vốn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước và chiếm khoảng 7% tổng vốn huy động của nền kinh tế.
Tính đến ngày 30-6-2016, huy động vốn của cả vùng ước đạt trên 350 ngàn tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối năm 2015. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 30-6-2016 đạt gần 400 ngàn tỷ đồng, tăng 3,39% so với cuối năm 2015 và chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế; trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ tại ĐBSCL tăng 10,1% so với cuối năm, chiếm tỷ trọng gần 22% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc và gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực.
Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân trong vùng. Đến nay, 2 triệu lượt khách hàng đang vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với dư nợ 25.972 tỷ đồng, chiếm 17,6% tổng dư nợ cho vay toàn quốc của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tại hội thảo, các tham luận và đại biểu đã trao đổi, thảo luận về chính sách tín dụng và hoạt động ngân hàng tại vùng thời gian qua chưa theo kịp sự phát triển của toàn vùng. ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức về quy hoạch và quản lý quy hoạch; tác động của biến đổi khí hậu và hạn hán, xâm nhập mặn… ảnh hưởng đến sản xuất, sinh kế của người dân và sự phát triển bền vững của toàn vùng.
Thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản, phát triển chuỗi liên kết nông sản còn nhiều bất cập. Vấn đề liên kết vùng được đặt ra nhiều năm qua nhưng vẫn chưa chặt chẽ, làm cho việc tận dụng nguồn lực tại chỗ còn nhiều khó khăn…
Nhiều ý kiến đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cam kết đáp ứng vốn đầy đủ cho doanh nghiệp, thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi; cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; chú trọng tín dụng xanh…
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNNVN khẳng định: “Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai quyết liệt nhiều chính sách tín dụng cho vùng, tạo điều kiện cho ĐBSCL phát triển. Hoạt động ngân hàng tại vùng không ngừng phát triển, mạng lưới tín dụng ngày càng mở rộng. Bên cạnh tín dụng thương mại thì tín dụng chính sách cũng góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo…
Tuy nhiên, thực tế đầu tư tín dụng cho vùng còn đối mặt với khó khăn, thách thức do hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng chịu nhiều tác động; công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đạt hiệu quả cao, chính sách hợp tác, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đồng bộ…
Tại hội thảo, 7 tổ chức tín dụng tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, với số tiền 28.500 tỷ đồng; trong đó 16 hợp đồng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng được ký kết tại hội nghị.
Trong đó, tỉnh Tiền Giang có Công ty TNHH Xăng dầu Hồng Đức ký kết vay vốn 750 tỷ đồng, Công ty Lương thực Tiền Giang ký kết vay 100 tỷ đồng, Công ty TNHH Việt Hưng vay 100 tỷ đồng, Công ty cổ phần Gò Đàng vay 140 tỷ đồng, Công ty dệt may Kang Na vay 66 tỷ đồng, Công ty TNHH Châu Thành ký kết vay 180 tỷ đồng.
SĨ NGUYÊN