Thứ Bảy, 09/07/2016, 17:37 (GMT+7)
.

Tiêu thụ lúa gạo sẽ khả quan hơn?

Ông Lâm Anh Tuấn
Ông Lâm Anh Tuấn.

Đánh giá về tình hình tiêu thụ lúa gạo thời gian qua, nhất là xuất khẩu, cũng như nhận định về triển vọng trong thời gian tới, ngày 9-7 ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng:

Tình hình kinh doanh lúa gạo năm 2016 diễn biến phức tạp. Chúng ta phải thừa nhận rằng, năm nay xảy ra hạn mặn dẫn đến thiệt hại nhưng thực sự mà nói, theo số liệu của các ngành chức năng, mức thiệt hại cũng chỉ ở tầm 1 triệu tấn lúa, không có nghĩa là mất trắng nên vẫn còn lượng lớn lúa gạo được thu hoạch cần phải tiêu thụ.

Tuy nhiên, trên bình diện chung do còn những hợp đồng cũ của năm 2015 chuyển sang; trong đó có các hợp đồng của Indonesia, Philippines hơn 600.000 tấn nên tình hình tiêu thụ lúa gạo trong vụ đông xuân vừa qua tương đối thuận lợi. Bởi ngay khi vào chính vụ đã có đầu ra, doanh nghiệp (DN) phải tranh thủ mua vào để kịp giao hàng do hầu hết các hợp đồng đều kết thúc vào cuối tháng 3.

Phóng viên: Nhưng rõ ràng là giá lúa gạo không giữ được lâu, thưa ông?

Ông LÂM ANH TUẤN: Có một thực tế là thông tin về hạn mặn, tình hình xuất khẩu khả quan nhưng không được lý giải một cách rõ ràng đã tạo nên sự ngộ nhận trong DN, người dân dẫn đến tâm lý cho rằng tình hình kinh doanh lúa gạo sẽ quay lại cơn sốt như những năm 2008-2009. Từ đó ai cũng có tâm lý giữ hàng, dự trữ chờ giá tốt hơn để bán.

Đặc điểm của tình hình lúa gạo năm nay là vào vụ đông xuân, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán giá lúa gạo tăng và tăng đến độ vượt qua khỏi giá của các nước trong khu vực đang bán. Chẳng hạn như thời điểm vào tháng 3, tháng 4 giá gạo của Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao hơn cả gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Rõ ràng khi giá gạo cao các DN rất khó bán hàng.

Cụ thể, vào tháng 4, tháng 5, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các hợp đồng mới được ký chủ yếu là nếp, gạo thơm còn gạo thông dụng hầu như không bán được do giá cao. Thực tế này dẫn đến hệ lụy là khi các DN giao hết các hợp đồng đã ký trước đó thì tốc độ xuất hàng giảm hẳn. Chẳng hạn như trong quý II lượng gạo xuất khẩu giảm hơn so với cùng kỳ hàng năm. Nếu tổng kết lại, trong 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu trên 2,6 triệu tấn gạo, tương đương với các năm trước.

Trong khi đó, sau thời kỳ hạn mặn, khi mưa xuống một số vùng đã xuống giống, thậm chí vụ xuân hè đã thu hoạch sớm nên giá gạo có hiện tượng giảm lại. Cách đây khoảng 1 tháng, khi thu hoạch lúa xuân hè, giá gạo rớt rất sâu; trong đó bao gồm cả nguyên nhân là do chất lượng hạt gạo không tốt. Thông thường gạo xuân hè thu hoạch sớm gạo bị đục, thậm chí bị đen do mưa nhiều, chưa kể ẩm độ cao nên hầu như gạo giai đoạn này chỉ bán nội địa.

Tình hình tiêu thụ lúa gạo tới đây được nhận định là thuận lợi.
Tình hình tiêu thụ lúa gạo tới đây được nhận định là thuận lợi.

* Phóng viên: Diễn biến của thị trường lúa gạo tiếp theo sẽ như thế nào?

Ông LÂM ANH TUẤN: Sau thời kỳ giá gạo Việt Nam cao hơn các nước, hiện nay đang có xu thế ngược lại do các nước đã qua vụ thu hoạch nên gạo của Việt Nam đang có lợi thế hơn ở mặt bằng giá. Cụ thể, gạo của Thái Lan, Pakistan hiện trên 400 USD/tấn (gạo 5%) nhưng giá thành gạo mới thu hoạch của Việt Nam hiện chỉ xoay quanh 370 USD/tấn.

Còn triển vọng thị trường sắp tới phải đánh giá trên các yếu tốt tác động. Chẳng hạn, Thái Lan hiện còn khoảng 10 triệu tấn gạo nhưng thực chất, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ còn dưới 50% gạo còn ăn được nhưng tính thương mại cũng rất thấp, chủ yếu bán sang thị trường châu Phi và tiêu thụ nội địa; thị trường các nước trong khu vực lại không chuộng gạo của Thái Lan nhưng lượng gạo mới thu hoạch của Thái Lan hiện rất ít do ảnh hưởng của hạn mặn.

Trong khi đó, Việt Nam đang có lợi thế hơn về lượng gạo mới thu hoạch. Ngoài lượng gạo của vụ đông xuân vừa qua thì Việt Nam đang thu hoạch tiếp vụ hè thu. Bên cạnh đó, Indonesia, Philippines, Malaysia hàng năm đều có nhu cầu nhập khẩu gạo. Giai đoạn đầu năm do giá gạo của Việt Nam cao, một số nước đã chuyển sang mua gạo của Pakistan nay đã quay lại mua gạo của Việt Nam nhưng số lượng chưa nhiều.

Như vậy, tương lai các thị trường mua gạo truyền thống chắc chắn sẽ quay lại mua gạo của Việt Nam vì các nước này cũng bị ảnh hưởng của El nino như Việt Nam. Một điều chắc chắn rằng các nước này đang chờ thời cơ để tìm kiếm mua được gạo với giá tốt nhất. Vấn đề còn lại là ở phía người bán là các DN Việt Nam phải bình tĩnh và có khả năng chịu đựng.

* Phóng viên: Như vậy, giá lúa gạo sẽ tăng?

Ông LÂM ANH TUẤN: Đối với gạo tốt, ngon giá đã nhích lên từ từ. Chẳng hạn giá lúa hè thu khi đầu vụ chỉ khoảng 4.000/kg nay đã ở mức 4.500 đồng/kg. Chắc chắn một điều là từ nay đến cuối năm giá lúa gạo khó có thể giảm. Tuy nhiên, cũng rất khó có khả năng xảy ra sốt giá do các DN cũng không dám bán gạo số lượng lớn với giá thấp mà phải bán theo mặt bằng giá hiện nay.

Chưa kể hiện nay cũng chưa có hợp đồng giá trị lớn được ký kết để dẫn dắt thị trường. Vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng hạt gạo. Nếu những trà lúa nào thu hoạch vào thời điểm mưa bão không xử lý tốt, chắc chắn lượng gạo này không bán được giá tốt do không thể xuất khẩu.

* Phóng viên: Còn tình hình hoạt động của các DN xuất khẩu gạo như thế nào?

Ông LÂM ANH TUẤN: Nhìn chung tình hình kinh doanh lúa gạo của các DN thời gian qua là cực kỳ khó khăn do tình hình sản xuất diễn biến bất thường dẫn đến nhận định sai. Chẳng hạn như ngay từ cuối năm 2015 các tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định giá lúa gạo tăng cao do ảnh hưởng của El nino. Thực tế cho thấy, El nino có ảnh hưởng nhưng mức độ không lớn. Từ đó dẫn đến thị trường lúa gạo biến động lên xuống bất thường nên các DN cũng rất khó khăn khi tính toán đầu ra.

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

KHÁNH LINH (thực hiện)

.
.
.