Thứ Tư, 20/07/2016, 05:42 (GMT+7)
.

Vĩnh Kim - định hình đô thị bên bờ Sầm Giang

Nằm ở vị trí trung tâm các xã phía Nam của huyện Châu Thành, hoạt động thương mại, dịch vụ ở Vĩnh Kim được hình thành và phát triển rất sớm. Dần theo thời gian, Vĩnh Kim định hình ngày càng rõ dần đô thị trung tâm của khu vực này.

Chợ Giữa Vĩnh Kim đã được doanh nghiệp đầu tư khá quy mô.
Chợ Giữa Vĩnh Kim đã được doanh nghiệp đầu tư khá quy mô.

CHỢ GIỮA HÔM QUA

Từ Quốc lộ 1A, rẽ vào đường tỉnh 876 đi được khoảng 3 - 4 km, chúng ta sẽ bắt gặp những dãy phố nối liền những dãy phố; người, xe qua lại đông đúc, hoạt động buôn bán rất nhộn nhịp. Nơi đó còn có chợ đầu mối trái cây lớn bậc nhất của tỉnh.

Đó là khu vực trung tâm của xã Vĩnh Kim. Hình ảnh “kiêu sa, lộng lẫy” của Vĩnh Kim hôm nay là sự tiếp nối của quá khứ, khai thác hiệu quả vị thế, tiềm năng của khu vực trung tâm tiểu vùng phía Nam Quốc lộ 1A của Châu Thành.

Theo những người cao niên sinh sống ở đây, người dân đến khai hoang, sinh sống, lập làng, lập ấp ở Vĩnh Kim từ rất sớm. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, quanh năm nước ngọt, đất đai màu mỡ nên theo thời gian người dân quần cư về đây ngày càng đông.

Cựu ký giả Trương Hồng Sơn (làm báo trước giải phóng), một người sinh ra và có nhiều năm sống nơi đây (nay đã 84 tuổi) cho biết, trước đây người ta không gọi Vĩnh Kim đâu mà gọi là chợ Giữa. Ngay từ thời Pháp thuộc, chợ Giữa đã hình thành rồi.

Gọi tên là chợ Giữa, bởi thời xưa rất ít chợ, xung quanh khu vực phía Nam chỉ có chợ này thôi. Chợ hoạt động rất nhộn nhịp do thuận lợi cả đường bộ, lẫn đường sông; trường học nơi đây cũng có rất sớm. Lúc đó, nhà nào có cái gì cần trao đổi thì mang ra chợ Giữa bán, rồi mua về những thứ cần thiết phục vụ cho nhu cầu trong nhà.

Còn theo các nghiên cứu về lịch sử Vĩnh Kim, thời khai hoang mở đất, vùng đất này rất hoang vu, toàn chỉ tiếng cọp, voi… nên người dân gọi con rạch đi qua đây là rạch Cọp Gầm, dần dần gọi thành rạch Gầm. Ban đầu, phần lớn người dân đến khai hoang, lập nghiệp có nguồn gốc từ miền Trung vào từ thế kỷ 18.

Sau đó, dân từ các tỉnh lân cận thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đến lập nghiệp theo quan hệ hôn nhân. Nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ nên dân phát triển rất nhanh, khai hoang được mở rộng, dân cư đông đúc dần, từ đó việc trao đổi, mua bán cũng phát triển theo.

Do hình thành làng, ấp từ rất sớm nên nhiều người sống ở các khu vực xung quanh thường đến nơi đây trao đổi, mua bán hàng hóa. Sau khi cây vú sữa được đưa về Vĩnh Kim và phát triển mạnh thành vùng chuyên canh, hoạt động thương mại vùng chợ Giữa càng tấp nập hơn với xuồng, ghe, xe cặp bến để đưa trái cây lên vựa, rồi chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ.

Chính vì thế, ngay từ trước giải phóng, Vĩnh Kim đã có hoạt động thương mại, dịch vụ rất phát triển, thu hút nhiều người dân từ các nơi đến trao đổi mua bán. Từ đó, nơi đây không chỉ là trung tâm về mặt địa lý mà còn là trung tâm thương mại, dịch vụ của khu vực các xã phía Nam huyện Châu Thành.

ĐÔ THỊ NGÀY MAI

Những năm qua, huyện Châu Thành và xã Vĩnh Kim đã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Theo đó, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, dịch vụ. Chợ đầu mối trái cây đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán trái cây trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Lần đầu tư gần nhất cách nay vài năm đã mở rộng quy mô của chợ lên 186 vựa lớn, nhỏ, đưa chợ trở thành đầu mối cung ứng, tiêu thụ trái cây hàng đầu của tỉnh. Chợ Giữa Vĩnh Kim được doanh nghiệp đầu tư quy mô lên đến hàng trăm hộ kinh doanh lớn, nhỏ, nâng đến nay trên địa bàn xã có khoảng 704 hộ, cơ sở kinh doanh lớn, nhỏ với chủ yếu buôn bán trái cây; hàng hóa tiêu dùng; nông sản, thủy sản; kim khí điện máy, trang trí nội thất…

Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, một số ngân hàng đã mở chi nhánh trên địa bàn xã như Ngân hàng NN&PTNT, Sacombank. Tất cả đã góp phần làm nên một Vĩnh Kim nhộn nhịp, sầm uất hiện nay.

Theo số liệu thống kê, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở Vĩnh Kim chiếm gần 70% giá trị sản xuất trên địa bàn, qua đó giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Trong đó, riêng ấp Vĩnh Thạnh có 100% hộ dân sống bằng nghề thương mại, dịch vụ; các ấp còn lại khoảng 20 - 30%.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết, hầu hết các ấp của xã đều có hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, chợ đầu mối trái cây không chỉ giúp Vĩnh Kim thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thương mại, dịch vụ mà còn giúp các vùng khác trong và ngoài tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế chủ yếu của xã là thương mại - dịch vụ, tiếp đến mới là sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế này đang tiếp tục được củng cố và phát triển theo hướng tăng hộ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giảm số hộ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trước vị trí và tiềm năng kinh tế của Vĩnh Kim, huyện Châu Thành đang xúc tiến quy hoạch Vĩnh Kim lên đô thị loại 5 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng thị trấn mới gồm toàn bộ xã Vĩnh Kim và 1 phần của xã Bình Trưng, Đông Hòa. Khi lên đô thị, thị trấn mới sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn chợ đầu mối trái cây, vị thế trung tâm thương mại trung chuyển của huyện Châu Thành và tỉnh.

“Thực hiện định hướng này, huyện và xã đang nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thành các tiêu chí để trở thành đô thị loại V. Trong đó, về phía xã, tiếp tục nâng cấp, mở rộng đường giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ. Còn đối với nông nghiệp, xã tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất an toàn, GAP” - ông Hải cho biết.

TÂN PHÚ

.
.
.