Thứ Sáu, 22/07/2016, 05:28 (GMT+7)
.

Vốn tín dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, hoạt động của các Ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnhTiền Giang luôn ổn định và quy mô hoạt động ngày càng được mở rộng như: Vốn huy động, dư nợ cho vay đều có sự tăng trưởng, sản phẩm dịch vụ cung ứng đa dạng cho các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh…

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang.
Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang.

Ngân hàng tập trung vào nông nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Tiền Giang, ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động, huy động vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và cá nhân. Trong đó, các TCTD đặc biệt quan tâm lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như:

Quy định áp dụng trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn là 7%/năm. Đối với chính sách tín dụng nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đi đầu trong việc thực hiện chủ trương trên nhằm hỗ trợ tích cực cho người dân trong khâu thu hoạch, với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình là 101 tỷ đồng.

Đối với chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Đến nay, đã giải ngân đóng mới 32 tàu trên tổng số 41 tàu được UBND tỉnh duyệt, với tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng 218,8 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân đạt 180,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh NHTM Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay với lãi suất cho vay từ 9%/năm trở xuống chiếm 69,8% trên tổng dư nợ. Thực hiện cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ và thực hiện tinh giản thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay đối với các thành phần kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho biết, trong những năm qua, công tác huy động vốn rất thuận lợi và luôn tăng trưởng cao qua các năm và tăng trung bình trên 20% so năm trước, với cuối năm 2015 nguồn vốn huy động đạt 38.086 tỷ đồng, tăng 20,56% so năm 2014, chiếm 14,03% nguồn vốn huy động của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng hàng thứ 2 của 12 tỉnh khu vực ĐBSCL (không tính TP. Cần Thơ).

Bên cạnh hoạt động tín dụng thương mại phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, ngành Ngân hàng còn đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách và công tác an sinh xã hội nhằm góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện đối với hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội tỉnh nhà.

Đến cuối năm 2015, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cho vay với tổng dư nợ đạt 1.779 tỷ đồng, tăng 10,26% so với năm 2014 và chiếm 6,18% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, hệ thống Ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tính riêng từ năm 2014 đến nay, ngành Ngân hàng đã đóng góp tài trợ an sinh xã hội cho tỉnh trên 12 tỷ đồng.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh việc đạt được, ngành Ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Sản xuất theo chuỗi của nông dân chưa nhân rộng mô hình, sự liên kết chưa chặt chẽ, cơ chế chính sách lãi suất cho nhà tiêu thụ sản phẩm chưa khuyến khích người sản xuất.

Tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN) trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu vốn trong sản xuất, vốn tự có thấp, không tích lũy được nên khi có ảnh hưởng của kinh tế đã có nhiều DN phá sản, để lại hậu quả nặng nề cho hoạt động Ngân hàng.

Nợ xấu tuy được kiềm chế mức thấp, nhưng nhiều món nợ còn tiềm ẩn rủi ro (nhất là DN do thiếu tài sản thế chấp), việc xử lý nợ chưa được sự phối hợp hỗ trợ của các ngành chức năng nên nhiều món nợ kéo dài rất lâu vẫn không thu hồi được…

Theo NHNN - Chi nhánh Tiền Giang, tỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư ngân hàng chọn để mở rộng mạng lưới hoạt động của mình. Với nhiều loại hình tổ chức tín dụng đa dạng như NHTM, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Hiện có 25 NHTM đang hoạt động gồm: 6 chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) Nhà nước chi phối; 19 NHTMCP, 1 tổ chức tài chính vi mô, và 16 QTDND với gần 150 điểm giao dịch được phủ khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh.

Để tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trong tỉnh tập trung vốn đầu tư cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ, khởi sự DN.

Chủ động tiếp cận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp DN thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Thực hiện tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn cho DN khi vay vốn ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN Chi nhánh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay nông nghiệp - nông thôn, trong đó trọng tâm là lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, hoa quả để khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong tỉnh.

Tổ chức, triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gắn liền với thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là đối với hộ nghèo để thực hiện được các mục tiêu đề ra của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động các TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, của ngành về hoạt động Ngân hàng.

SĨ NGUYÊN

.
.
.