Thứ Hai, 08/08/2016, 14:41 (GMT+7)
.

Các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu đang gặp khó

Đó là nhận định chung của Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Tiền Giang và các doanh nghiệp (DN) may mặc xuất khẩu của tỉnh tại cuộc họp vào chiều ngày 5-8. Đơn hàng thiếu, chi phí tăng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh đạt thấp… là những vấn đề mà ngành may mặc, một trong những ngành chủ lực thu về ngoại tệ cho cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng đang gặp phải. Một câu hỏi lớn lúc này là điều gì đang xảy ra với ngành này trong những tháng đầu năm nay?

Chi phí tăng, đơn giá, đơn hàng giảm

Đại diện HHDN tỉnh Tiền Giang cho biết, các DN may mặc xuất khẩu nội địa, trong đó có Tiền Giang đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Nhiều DN nhỏ và vừa có thể phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Do đơn hàng dệt may không dồi dào nên DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với nhau. Lượng đơn hàng của một số DN chỉ đạt bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin từ các DN may mặc xuất khẩu của tỉnh, đối tượng đang trực tiếp chịu những khó khăn thì sẽ càng thấy rõ hơn sự ảm đạm của bức tranh ngành may mặc hiện nay. Các DN may mặc đều cho rằng, đơn hàng giảm là do lượng hàng tồn kho nhiều, sức tiêu dùng của các nước giảm. Trong khi giá xuất khẩu gần như không tăng, thậm chí có xu hướng giảm từ 10 - 15% nhưng các DN vẫn phải làm để tính đủ khấu hao và đủ lương cho lao động.

Các DN may mặc xuất khẩu của tỉnh hiện đang đứng trước nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Các DN may mặc xuất khẩu của tỉnh hiện đang đứng trước nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoan Vinh (huyện Châu Thành) chia sẻ, nếu như mọi năm, tới thời điểm này số lượng đơn hàng của công ty có đủ làm cho cả năm, thì năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Thanh cho biết thêm, từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi tháng công ty xuất khẩu mất đi từ 50 - 60 ngàn sản phẩm. Nếu như trước kia công ty xuất đi khoảng 125 - 135 ngàn sản phẩm mỗi tháng, thì nay chỉ còn khoảng 80 ngàn sản phẩm và phải chịu giá khá thấp nhưng vẫn phải làm, nếu không làm thì khách hàng sẽ tìm đối tác khác.

Chính vì sản xuất, kinh doanh khó khăn đã khiến các DN phải tranh thủ đơn hàng, đơn giá nên đã có sự không đồng bộ về giá gia công sản phẩm giữa các DN trong nước. Chẳng hạn, các DN cùng gia công một loại sản phẩm nhưng có DN nhận làm 1,8 USD (đô la Mỹ) hay 1,5 USD, nhưng cũng có DN lại nhận làm với giá 1 USD. Điều này vô hình chung đã làm cho các DN trong nước tự “đè bẹp” lẫn nhau trong cạnh tranh về giá.

Bà Phạm Thị Dụ, Giám đốc Công ty cổ phần may Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho) thì cho rằng, bức xúc nhất hiện nay của DN chính là chính sách tăng lương tối thiểu hàng năm của Nhà nước. Mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu thì kéo theo chi phí liên tục tăng, đặc biệt là chi phí bảo hiểm xã hội (BHXH) và phí Công đoàn.

Cụ thể là mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu, Tiền Tiến phải mất một khoản tăng thêm 5 tỷ đồng chỉ cho việc đóng BHXH, chứ chưa kể đến các khoản tăng chi phí khác đang tác động đến sản xuất, kinh doanh, trong đó sẽ có giá gia công sản phẩm tăng theo. Điều này làm cho các khách hàng chạy tìm đối tác ở các nước khác có giá gia công rẻ hơn Việt Nam và ở Công ty Tiền Tiến cũng đang trong tình cảnh mất nhiều khách hàng do nguyên nhân này.

Theo bà Phạm Thị Dụ, kim ngạch xuất khẩu của ngành may mặc trong những tháng đầu năm 2016 giảm sút rất nhiều, không muốn nói là rất “bi đát”, khi các DN phải chịu cảnh mất nhiều khách hàng. Doanh thu, lợi nhuận đều giảm, đơn hàng thì không nhiều. “Để kiếm được một đơn hàng vào thời điểm này, chúng tôi phải vật lộn, cạnh tranh khốc liệt không chỉ với DN trong nước mà cả với DN ở các nước khác... rất khó khăn!” - bà Dụ nói.

Tăng trưởng đạt thấp

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 12,67 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng trưởng kỳ vọng và chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của ngành dệt may trong 10 năm qua.

Đáng chú ý, sự tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do sự đóng góp của các DN FDI, trong khi các DN dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Trước những khó khăn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra là 30 tỷ USD.

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang tháng 7-2016,  hàng dệt may xuất khẩu của tỉnh trong tháng 7 đạt 2.815 ngàn sản phẩm, giảm 3,8% so tháng trước; giá trị đạt 35,5 triệu USD. Trong 7 tháng năm 2016, cả tỉnh xuất khẩu được 33.336 ngàn sản phẩm, giảm 32,1% về trị giá và đạt 200,3 triệu USD, tăng 0,3% so cùng kỳ.

DN may mặc xuất khẩu của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, khi đơn hàng không còn dồi dào như trước, hàng loạt khách hàng quen thuộc đã chuyển đơn hàng sang các nước khác và đang phải chịu áp lực cạnh tranh hạ giá thành sản phẩm.

Đâu là nguyên nhân khiến ngành dệt may của cả nước nói chung và ngành may mặc xuất khẩu của tỉnh nói riêng phải lao đao tới vậy? Theo các chuyên gia ngành dệt may, nguyên nhân là do ngành dệt may đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nước đối thủ như:

Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka. Ấn Độ đang tập trung nguồn lực cũng như chính sách từ phía Nhà nước để phát triển ngành dệt may. Campuchia, Myanmar... được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU. Ngay tại Trung Quốc, trước bối cảnh hàng loạt DN dệt may ngừng hoạt động, nước này đã giảm tỷ lệ đóng BHXH từ 22% xuống còn 18% (Việt Nam là 22%). Đặc biệt, đa số các nước kể trên đều có chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Việt Nam và cũng không quy định tiền lương tối thiểu tăng theo hàng năm.

Trong cuộc họp với HHDN tỉnh vào chiều ngày 5-8, các DN may mặc xuất khẩu của tỉnh đã có một số kiến nghị cần được hỗ trợ như:

Nhà nước cần xem xét giãn thời gian điều chỉnh lương tối thiểu, để các chi phí đầu vào của DN được ổn định cho mục tiêu sản xuất dài hạn; có chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn ngân hàng cho các DN ngành may mặc; xem xét điều chỉnh lại chính sách BHXH, Công đoàn; hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Sớm quy hoạch, hình thành vùng cung cấp nguyên, phụ liệu cho ngành may mặc Việt Nam; thành lập tổ chức Hiệp hội DN may mặc...

Bên cạnh yếu tố bên ngoài, chính sách trong nước cũng không “nuôi dưỡng” mà lại gây áp lực tới DN như việc tăng lương tối thiểu và một số quy định kiểm tra chuyên ngành khôngg hợp lý.

Theo phân tích của các DN may mặc xuất khẩu trong tỉnh cho thấy, 3 yếu tố khiến hàng dệt may nói riêng và nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung không thể cạnh tranh với các nước là chính sách tỷ giá cố định, tiền lương tối thiểu và lãi vay ngân hàng.

Cụ thể, lãi vay ngân hàng trong nước từ 8 - 10%/năm, cao gấp 2 đến 3 lần so với các nước đối thủ khác, hay tiền lương tối thiểu liên tục tăng bình quân từ 12 - 15%/năm cũng khiến chi phí sản xuất của DN tăng chóng mặt.

Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá của Việt Nam ổn định và neo vào đồng tiền mạnh là đô la Mỹ, trong khi các đồng tiền khác ở những thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam như: Euro, yen Nhật, nhân dân tệ... đã điều chỉnh giảm rất mạnh. Cùng với đó, đồng tiền các nước xuất khẩu cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như: Ấn Độ, Bangladesh... cũng giảm từ 10 - 20%.

Theo tính toán của các DN may mặc xuất khẩu trong tỉnh, nếu cộng cả 3 yếu tố trên thì hàng dệt may của Việt Nam đã đắt hơn các nước từ 20 - 30%. Điều này đã khiến DN dệt may Việt Nam không thể cạnh tranh được, đơn hàng theo đó chuyển sang các nước khác. Đó là chưa kể đến tình trạng lao động trong các DN may mặc thường xuyên bị xáo trộn làm cho DN mất ổn định trong sản xuất.

Chính vì những khó khăn kể trên, đã có nhiều DN trong ngành may mặc phải dừng hoài bão mở rộng sản xuất để đón đầu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thậm chí thu hẹp hoạt động.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.