Thứ Hai, 15/08/2016, 16:23 (GMT+7)
.

Diện tích rừng huyện Tân Phước giảm mạnh

Do giá trị kinh tế không cao, thời gian canh tác dài nên người dân Tân Phước không còn mặn mà với việc trồng rừng nữa mà chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, đe dọa mất trắng diện tích rừng.

Theo chân ông Ngô Tài Lắm, cán bộ địa chính xã Tân Hòa Đông, chúng tôi có chuyến khảo sát thực tế tình hình trồng rừng trên địa bàn xã. Nhưng thay vì được nhìn thấy những cánh rừng bạt ngàn thì những gì chúng tôi quan sát được là những cánh đồng khóm, khoai mỡ rộng lớn xanh tốt.

Ông Lắm cho biết: “Cách đây hơn 10 năm rừng còn nhiều lắm, đi đâu cũng thấy toàn là tràm, bạch đàn. Nhưng từ khi có hệ thống đê bao khép kín, canh tác nông nghiệp thuận lợi hơn, người dân dần chuyển sang những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn nên diện tích rừng giảm mạnh. Cụ thể, diện tích rừng năm 2014 của xã là 193 ha, đến 6 tháng đầu năm 2016 chỉ còn gần 93 ha”.

Theo ông Lắm, do trồng rừng phải từ 6 - 7  năm mới cho thu hoạch, thu nhập bình quân chỉ 100 triệu đồng/ha nên nông dân không còn mặn mà với rừng nữa, mà chuyển sang các loại cây trồng khác cho thu hoạch nhanh và giá bán cao hơn, đơn cử như cây khóm, khoai mỡ...

Do giá trị kinh tế không cao, diện tích rừng tràm của huyện Tân Phước đang dần thay thế bởi những cánh đồng khóm.
Do giá trị kinh tế không cao, diện tích rừng tràm của huyện Tân Phước đang dần thay thế bởi những cánh đồng khóm.

Để hiểu sâu hơn nguyên nhân trên, chúng tôi bắt chuyện với nông dân Lê Văn Đực, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông. Ông Đực cho biết:

“Trồng rừng cực lắm, nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu, giá cả lại bấp bênh, thời gian chờ thu hoạch dài tới  6 - 7 năm. Có năm giá tràm giảm sâu, thu nhập chỉ 40 triệu đồng/ha, cho nên kinh tế gia đình rất khó khăn, trong thời gian chờ thu hoạch tôi và vợ phải đi làm thuê ở nhiều nơi để trang trải cuộc sống gia đình. Từ khi có hệ thống đê bao, không còn ngập lũ nữa, tôi chuyển toàn bộ 3,5 ha tràm sang trồng khóm, với thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm, gấp 5 lần cây tràm, kinh tế gia đình tôi dần ổn định”.

Đó là trường hợp của ông Đực, còn đối với những hộ có diện tích rừng lớn hơn thì nông dân chỉ chuyển đổi một phần diện tích để lấy ngắn nuôi dài, tiếp tục canh tác cây tràm như nông dân Nguyễn Ngọc Tân (ấp Tân Thuận).

Ông Tân cho biết: “Tôi có 10 ha trồng tràm, do những năm gần đây giá tràm thấp, thu nhập không ổn định, tôi chuyển đổi 3,5 ha sang trồng khóm để có thu nhập trong lúc chờ tràm đạt chất lượng để bán”.

Diện tích rừng của xã Thạnh Mỹ cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Tất Linh, cán bộ nông nghiệp xã Thạnh Mỹ cho biết:

“Từ lúc có đê bao đến nay diện tích rừng của xã liên tục giảm, cụ thể qua các năm như sau: Năm 2014: 220 ha, năm 2015: 140 ha, 6 tháng đầu năm 2016: 100 ha. Các loại cây chủ yếu được nông dân trồng sau khi chuyển đổi rừng là khóm, thanh long, khoai mỡ… vì thời gian cho thu hoạch nhanh, giá trị kinh tế cao hơn cây tràm”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phước, tính đến ngày 1-8, tổng diện tích rừng của huyện là 1.491,68 ha, so với cuối năm 2015 giảm 207,32 ha. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước cho biết:

“Những năm 2000, diện tích trồng rừng của huyện rất lớn, hơn 10.000 ha. Nhưng do giá cây tràm bấp bênh, thu nhập không ổn định, thời gian canh tác dài nên người dân ào ạt chuyển sang trồng các loại cây khác, làm diện tích rừng giảm mạnh.

Nhất là sau khi huyện chuyển đổi 2.035 ha rừng sản xuất không hiệu quả, xây dựng hoàn thành hệ thống ô đê bao khép kín ngăn lũ vào tháng 8-2013, tạo điều kiện thuận lợi trồng các loại cây ăn trái, hoa màu. Với giá khóm, thanh long, khoai mỡ những năm gần đây luôn ở mức cao, dự đoán trong những năm tới diện tích cây tràm sẽ tiếp tục giảm và có nguy cơ mất trắng.

Đối với những diện tích rừng đã mất, Phòng NN&PTNT không thể xây dựng phương án trồng rừng thay thế do đất rừng được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ dân và không có quỹ đất để trồng rừng nên ngành không thể triển khai dự án được.

Công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và lợi ích của trồng rừng được Phòng NN&PTNT chú trọng lồng ghép vào các buổi tập huấn trồng rừng, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng hàng năm, nhưng không có hiệu quả, do việc trồng rừng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế của người dân.

Hàng năm, Phòng NN&PTNT sử dụng vốn “Vì sự nghiệp nông nghiệp” của Phòng để trồng rừng dọc theo các tuyến đê trọng điểm để chống xói mòn đê, tạo cảnh quan môi trường sinh thái và nâng cao ý thức của người dân về những lợi ích của rừng, đạt 90%  diện tích, nhưng 2 năm gần đây không thể tiếp tục triển khai do nguồn vốn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, Phòng sẽ đề nghị với UBND huyện Tân Phước và Ban Chỉ huy PCCC rừng tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ và phát triển rừng, nhất là diện tích rừng ở các tuyến đê bao.

PHAN THẮNG

.
.
.