Huyện Cai Lậy: Phát huy lợi thế cây ăn trái chủ lực
Cây sầu riêng có mặt trên đất Cai Lậy từ thời xa xưa. Tuy nhiên, loại cây ăn trái đặc sản này mới phát triển mạnh mấy mươi năm nay. Hiện tại, sầu riêng là cây kinh tế chủ lực mang đến cuộc sống sung túc cho nông dân miệt vườn Cai Lậy.
CÂY TRỒNG KINH TẾ
Ở 10 xã khu vực phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy, vườn cây ăn trái chuyên canh xum xuê đơm hoa, kết trái. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã cải tạo gần 3.000 ha vườn tạp, chuyển đổi các giống có chất lượng thấp sang các giống có giá trị kinh tế cao. Hiện Cai Lậy có 14.240 ha cây ăn trái cho sản lượng trên 250.000 tấn. Cây trồng chủ lực là sầu riêng với 7.600 ha, chiếm 53,37% diện tích cây ăn trái toàn huyện và chiếm 84% diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh.
Sầu riêng rời nhà vườn ra thị trường. |
Hơn 70% diện tích sầu riêng của huyện Cai Lậy áp dụng kỹ thuật rải vụ cho trái quanh năm, giúp nhà vườn bán giá rất cao, tăng lợi nhuận, giúp giảm áp lực giảm giá đối với sầu riêng khi vào chính vụ. Từ thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm năm 2010 thì nay đã tăng lên thu nhập bình quân từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, giúp cho nông dân các xã Nam lộ của huyện nâng cao mức sống, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ nét.
Nhân dân các xã Long Trung, Long Tiên, Tam Bình, Ngũ Hiệp, Hội Xuân... đã chuyển đổi thành công trong sản xuất nông nghiệp. Cây sầu riêng đã làm bộ mặt nông thôn của các xã này thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên.
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của các xã này đạt cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân của toàn huyện. Số hộ dân trở nên giàu có với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ huê lợi sầu riêng là không hiếm ở đất Cai Lậy. Có của ăn, của để, nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của địa phương như đóng góp hàng tỷ đồng mỗi năm để xây dựng đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường trong xóm ấp…
Ông Đỗ Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết, toàn xã có khoảng 1.400 ha sầu riêng trong tổng số khoảng 1.655 ha đất nông nghiệp. Những năm gần đây, hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng rất cao nên đã mang lại đời sống sung túc cho nông dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ít, chủ yếu là nghèo do nguyên nhân bệnh tật, không có người lao động và thiếu đất sản xuất. Còn lại hộ gia đình có từ 2 công đất trồng sầu riêng trở lên thì sẽ khá.
SẼ TẬP TRUNG ĐẦU TƯ
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bằng cho biết, trong 10 năm tới, nông nghiệp vẫn là thế mạnh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong quy hoạch phát triển kinh tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, huyện tập trung các giải pháp ổn định vùng chuyên canh sầu riêng vì đây là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao của huyện.
Biện pháp kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa trái mùa. |
Trong đợt hạn và xâm nhập mặn vừa qua, huyện đã tập trung các giải pháp ứng phó mặn để hạn chế tác hại tới mức thấp nhất có thể vì cây sầu riêng rất mẫn cảm với mặn, nếu không kịp thời ngăn mặn sẽ làm thiệt hại lớn đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
Huyện đã tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân áp dụng để khi hạn mặn xảy ra, nhằm giúp cây sầu riêng không bị suy kiệt. Trong điều kiện khẩn cấp vừa qua, huyện chi ngân sách mua máy đo độ mặn và sẽ tiếp tục trang bị cho các xã vùng cây ăn trái, thông báo cho người dân hàng ngày và người dân có thể mang mẫu nước trong mương vườn đến để đo độ mặn.
Theo ông Bằng, trong thời gian tới, huyện Cai Lậy tập trung thực hiện việc hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, trong đó định hướng cho người dân chủ động nạo vét mương vườn trữ ngọt ngăn mặn; đồng thời tiến hành đầu tư hệ thống cống đập ngăn mặn.
Trong điều kiện hệ thống cống đập của huyện chưa hoàn chỉnh, huyện vận động nhân dân đóng góp chi phí làm mặt cống trữ ngọt đối với những cống tròn ngăn lũ có sẵn. Đối với hệ thống cống hở thì thực hiện giải pháp ngăn mặn tạm thời, sau này sẽ phát triển thành cống ngăn mặn, ngăn lũ và trữ ngọt.
Đối với công trình do Trung ương đầu tư, trên địa bàn huyện còn 21 cống vừa ngăn lũ, ngăn mặn và trữ ngọt đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái trong khu ô bao Đông Ba Rài, Tây Ba Rài, Hội Xuân, Phú An.
Hiện tại huyện còn gặp khó khăn trong việc bảo vệ vườn cây ăn trái ở các xã Ngũ Hiệp, Tân Phong. Riêng Ngũ Hiệp đã có hệ thống đê bao hoàn chỉnh quanh xã, vừa ngăn lũ vừa làm đường giao thông nông thôn (huyện lộ 70) nhưng chưa có hệ thống cống tại các sông, rạch lớn; xã Tân Phong thì chưa xây dựng được hệ thống đê bao và cống đập hoàn chỉnh để có thể vừa ngăn mặn vừa ngăn lũ.
Nếu tình hình xâm nhập mặn nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng lớn trực tiếp đến các xã này. Trong khi đó điều kiện ngân sách địa phương hạn hẹp, kinh phí đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi này lại rất lớn nên huyện gặp khó khăn.
THỦY HÀ