Kinh tế ổn định nhờ gắn bó với cây chôm chôm
Ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, có nhiều nông dân khá giả nhờ trồng và gắn bó với cây chôm chôm. Trong số này phải kể đến ông Nguyễn Thanh Tòng, ở ấp Tân Luông A.
Ghé thăm 1,2 ha chôm chôm Java hơn 30 năm tuổi, đang vào vụ thu hoạch, trái trĩu cành của ông Nguyễn Thanh Tòng mới thấy được sự cần cù lao động và quá trình phấn đấu như thế nào của gia đình ông để có được thành quả này.
Ông Tòng thu hoạch chôm chôm. |
Ông Tòng cho biết, chôm chôm Java cho năng suất cao, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và giá trị kinh tế cao. Thông thường, chôm chôm trồng khoảng 4 năm tuổi trở đi bắt đầu cho thu hoạch ổn định, khi cây lớn có thể thu hoạch đạt từ 250 kg - 300 kg/cây.
Để cây ra hoa sớm hơn thời vụ bán được giá cao, ông Tòng tiến hành xử lý xiết nước, sau thời gian xiết nước đến thời kỳ chăm sóc hoa, tỉa và chăm sóc trái, có chế độ bón phân nuôi trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý để phòng trị sâu bệnh gây hại trên hoa, trên trái và sâu đục thân. Sau thu hoạch phải vệ sinh vườn, tỉa bỏ những cành vừa thu hoạch xong để cây ra đọt non, hạn chế chiều cao của cây, chuẩn bị cho chôm chôm vụ sau.
Ông Tòng chia sẻ: “Sau khi thu hoạch cần bón nhiều phân chuồng ủ hoai để duy trì tuổi thọ cho cây; đồng thời cân đối đủ lượng phân urê, kali và lân để cây đủ dinh dưỡng nuôi đọt non. Cây nào đậu quá nhiều trái cần bẻ bỏ bớt 30% trái trên đọt, chỉ giữ lại 70% lượng trái, để có trái to, đẹp và bán được giá cao. Sau khi đậu trái 30 ngày bón 0,5 kg phân 1 cây. Sau đó bón tiếp lần 2, lần 3, mỗi lần cách nhau 30 ngày, cũng với lượng phân như vậy.
Ngoài ra, phải tăng cường xịt thuốc ngừa phấn trắng 2 lần khi bông bung chà và khi trái vừa có cơm. Xịt thuốc trừ sâu 3 lần khi trái có hạt, có cơm và khi hoa cà”. Chính cách làm khoa học này, với 1,2 ha, hàng năm vườn chôm chôm gia đình ông Tòng đều cho năng suất cao. Hiện tại ông bán chôm chôm Java với giá 10.000 - 13.000 đồng/kg; vụ này sau khi trừ các chi phí, gia đình ông Tòng thu hơn 150 triệu đồng.
Để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm để thị trường chấp nhận, ông Tòng tham gia vào Tổ hợp tác (THT) sản xuất chôm chôm Tân Phong. Tại đây, ông Tòng cùng nhiều bà con khác được hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có việc ghi chép nhật ký, làm sổ sách theo dõi, phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất an toàn, an toàn lao động và bảo hộ lao động…
Ngoài ra, khi tham gia THT, ông Tòng có thêm cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với cây chôm chôm, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm của trái chôm chôm.
Không chạy theo “điệp khúc đốn - trồng”, ông Nguyễn Thanh Tòng đã vươn lên làm giàu chính đáng trên vùng đất cù lao, có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều năm liền gia đình ông Tòng được tuyên dương Gia đình Văn hóa tiêu biểu, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Ông đã góp phần giới thiệu cũng như khẳng định thương hiệu chôm chôm VetGAP Tân Phong, góp thêm vào sự đa dạng của những mô hình làm ăn hiệu quả ở nông thôn Cai Lậy hiện nay.
MINH TOÀN