Thứ Tư, 31/08/2016, 10:21 (GMT+7)
.

Nghiệp đoàn KTHS: Nơi gắn kết ngư dân trong đánh bắt&bảo vệ chủ quyền

Từ năm 2011 đến nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập 4 Nghiệp đoàn Khai thác hải sản (KTHS) ở xã Kiểng Phước, xã Tân Phước, thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) và phường 2 (TP. Mỹ Tho). Hoạt động của các nghiệp đoàn này đang trở thành nơi gắn kết của ngư dân trong khai thác, đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

LĐLĐ tỉnh tặng Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).
LĐLĐ tỉnh tặng Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).

Việc ra đời của các Nghiệp đoàn KTHS với mục tiêu là xây dựng ý thức tương thân, tương trợ, hỗ trợ để ngư dân bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn này đã chăm lo tốt hơn và là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động, chủ yếu là ngư dân khi có xảy ra tranh chấp ngư trường.

Ngư dân Nguyễn Văn Dân, đoàn viên của Nghiệp đoàn KTHS phường 2 (TP. Mỹ Tho) tự tin khẳng định: “Ở đâu ngư dân mình khai thác, đánh bắt thì ở đó là vùng trời, vùng biển của Tổ quốc mình. Do vậy, chỉ cần ngư dân mình đoàn kết bám biển thì chủ quyền biên giới biển, đảo sẽ được giữ vững. Đó là mong muốn chung của tất cả anh em ngư dân khi gia nhập nghiệp đoàn”.

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, từ khi các Nghiệp đoàn KTHS được thành lập thì sự liên kết của các nghiệp đoàn theo vùng, theo ngư trường và ngành nghề KTHS được tăng cường. Công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau giữa các thành viên nghiệp đoàn và với các nghiệp đoàn khác luôn được Ban Chấp hành các Nghiệp đoàn, đoàn viên đưa lên hàng đầu, xem đây là tiêu chí, động cơ để Nghiệp đoàn tự củng cố, kiện toàn công tác tổ chức của mình. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các nghiệp đoàn liên hệ, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình khai thác trên biển.

Ngoài mục đích hỗ trợ, điểm khác biệt của các Nghiệp đoàn KTHS với những mô hình hợp tác hoạt động sản xuất trên biển là tập hợp ngư dân vào tổ chức Công đoàn để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện nay, 100% phương tiện KTHS của các Nghiệp đoàn đều trang bị máy định vị và máy điện tầm xa để hỗ trợ cho việc khai thác và tìm ngư trường mới của các chủ phương tiện. Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng, việc trang bị này đã giúp các phương tiện khai thác biết chính xác hơn về các địa điểm, ngư trường khai thác và việc thông tin về thời tiết, sự tiếp tế hậu cần từ địa phương được đảm bảo hơn; đồng thời có thể thường xuyên liên hệ, trao đổi về các tình huống sự cố xảy ra khi đang khai thác, để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ nhau khi có yêu cầu.

Từ khi thành lập (tháng 12-2011) đến nay, các đoàn viên Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng đã có hơn 3.800 lượt trao đổi thông tin về ngư trường đánh bắt; trên 32 lần các phương tiện khai thác của nghiệp đoàn gặp sự cố và được các chủ phương tiện khai thác là thành viên Nghiệp đoàn KTHS xã Kiểng Phước cứu hộ tàu thuyền.

Hiệu quả hoạt động của các Nghiệp đoàn KTHS đã không chỉ giúp chủ tàu, ngư dân tiếp cận phương pháp đánh bắt tiên tiến mà còn có ý nghĩa hết sức đặc biệt về an ninh chính trị, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo quê hương. Các nghiệp đoàn này còn đại diện, bảo vệ người lao động khi có xảy ra tranh chấp ngư trường; chăm lo tốt hơn cho đời sống người lao động.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có Nghiệp đoàn KTHS chỉ tồn tại hình thức, liên kết lỏng lẻo, không đạt được mục đích như mong muốn. Theo nhìn nhận của Ban Chấp hành Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng, việc vận động, tập hợp ngư dân và công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương của Nhà nước cũng như mục đích, ý nghĩa hoạt động của nghiệp đoàn... chưa được quan tâm đẩy mạnh nên một bộ phận ngư dân còn e dè, băn khoăn khi tham gia vào nghiệp đoàn. Mặt khác, lực lượng lao động trên từng tàu cũng thường xuyên biến động... Những hạn chế này đã làm cho hiệu quả hoạt động của nghiệp đoàn không cao.

Một buổi sinh hoạt của Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).
Một buổi sinh hoạt của Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).

Là một trong những chủ tàu đầu tiên tích cực tham gia xây dựng Nghiệp đoàn KTHS thị trấn Vàm Láng, ông Phạm Văn Lớn (ở khu phố Lăng Ba, thị trấn Vàm Láng), khẳng định: “Việc thành lập Nghiệp đoàn KTHS là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng chung của bà con ngư dân. Tuy nhiên, đã thành lập nghiệp đoàn thì phải hoạt động đúng thực chất, chứ không nên vào nghiệp đoàn cho có lệ. Từ thực tế ấy, các tổ chức Công đoàn cấp trên cần xem xét kỹ quy mô của nghiệp đoàn hiện nay để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế”.

Theo ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, Nghiệp đoàn KTHS là một mô hình mới, chưa có kinh nghiệm cả về mô hình tổ chức lẫn phương thức hoạt động. Do đó, để mô hình Nghiệp đoàn KTHS trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, ông Trương Văn Hiền đề nghị, mỗi đoàn viên phải nắm chắc những quy định về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình khi gia nhập nghiệp đoàn. Qua đó, các đoàn viên sẽ tích cực tham gia các hoạt động và chấp hành tốt các quy định của nghiệp đoàn, kể cả khi tham gia hoạt động trên biển cũng như khi về sinh sống tại gia đình.

Đối với Ban Chấp hành của các nghiệp đoàn cần có sự phân công cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên nghiên cứu tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để có những nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp.

Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cung cấp tài liệu quy định có liên quan đến ngành nghề khai thác hải sản xa bờ, trang bị đến mỗi tàu để sinh hoạt trong đoàn viên; đồng thời, xây dựng tiêu chí phát động thi đua để kịp thời biểu dương, khen thưởng cho tập thể tàu và cá nhân đoàn viên có thành tích tốt.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.