Thứ Sáu, 12/08/2016, 14:21 (GMT+7)
.

Nhìn từ các doanh nghiệp may mặc

Câu chuyện đang diễn ra đối với các doanh nghiệp (DN) may mặc trên địa bàn tỉnh có nhiều nét tương đồng với chế biến thủy sản, gạo... Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm.

Một cuộc họp liên quan đến các DN may mặc vừa được Hiệp hội DN Tiền Giang tổ chức mang lại nhiều ý nghĩa, bởi nó đã chỉ ra được những khó khăn, thách thức, kể cả tồn tại, yếu kém mà các DN trong ngành đang gặp phải.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn được đưa ra tại cuộc họp này như: Chi phí sản xuất tăng do tăng lương tối thiểu, do lãi suất vay ngân hàng, số lượng đơn hàng thấp và cả những yếu tố do tác động của hội nhập kinh tế... Song, nguyên nhân cạnh tranh giữa các DN cùng ngành kéo theo giá bán giảm đi từng ngày có lẽ chính là điều đáng lo ngại hơn hẳn.

Nói như chính DN may mặc, cùng gia công một loại sản phẩm nhưng có DN nhận làm 1,8 USD hay 1,5 USD, nhưng cũng có DN lại nhận làm với giá 1 USD. Điều này có thể nói chính DN trong cùng ngành đã phá giá lẫn nhau hay nói đúng hơn là chưa có cái “bắt tay” để cùng nhau phát triển. Nhưng có lẽ, tồn tại này dường như chưa dừng lại trong các DN may mặc trên địa bàn tỉnh.

Câu chuyện của các DN may mặc có nhiều nét tương đồng với DN thủy sản hay gạo xuất khẩu.
Câu chuyện của các DN may mặc có nhiều nét tương đồng với DN thủy sản hay gạo xuất khẩu.

Phải công nhận rằng, trong những năm trở lại đây, ngành Dệt may nói chung và may mặc nói riêng trên địa bàn Tiền Giang đã đạt được những thành tựu đáng kể. Dệt may là một trong những ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh, đóng góp đáng kể vào phát triển công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu (XK), góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thống kê gần đây cho thấy, với trên 50 DN, trong đó có trên 20 DN tham gia XK, năm 2015, ngành Dệt may Tiền Giang XK được 94 triệu sản phẩm, với kim ngạch XK đạt 381 triệu USD, chiếm tỷ trọng 22,1% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh, là ngành có kim ngạch XK lớn thứ hai sau ngành sản xuất túi xách. Ngành Dệt may có sản lượng tăng trung bình hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 là 50,2%/năm; thị trường XK chủ yếu là các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Nhìn chung, các DN XK của tỉnh được đầu tư khá tốt, trang thiết bị công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là các DN còn lại đa số có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp nên khả năng cạnh tranh kém. Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, dù mang lại doanh thu cao nhưng giá trị gia tăng tạo ra từ ngành Dệt may không nhiều do phần lớn nguồn nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu và sản xuất chủ yếu dưới hình thức gia công.

Thực trạng các DN may mặc hiện nay có nhiều nét tương đồng với một số ngành khác trên địa bàn tỉnh. Cụ thể nhất là chế biến XK thủy sản. Một thời, chế biến thủy sản là ngành XK chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị kim ngạch XK của tỉnh. Thế nhưng, những năm gần đây có giai đoạn thủy sản giống như DN may mặc hiện nay.

Thực tế cho thấy, xét về tỷ trọng, nếu như năm 2011, trong tổng giá trị XK của tỉnh, thủy sản chiếm trên 41%, đến 6 tháng đầu năm 2016 kim ngạch XK thủy sản chỉ còn chiếm khoảng 13% (đạt 115 triệu USD trên tổng số hơn 910 triệu USD). Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như sự trỗi dậy của ngành Dệt may, túi xách hay ống đồng XK. Nhưng cũng có một nguyên nhân được đưa ra từ chính các DN trong ngành đó là sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN cùng ngành làm cho giá XK giảm đi rất nhiều, dẫn đến hệ lụy là nhiều DN rơi vào tình cảnh khó khăn.

Cụ thể nhất là đối với con cá tra XK. Giám đốc một DN trong ngành đã nhiều lần nói rằng, ngoài khó khăn về đầu ra do khủng hoảng kinh tế, tình trạng thiếu vốn lưu động cục bộ, còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong nước. Chính các DN làm ăn theo kiểu “chụp giựt”, không đảm bảo chất lượng sản phẩm, lại đua nhau hạ giá để lôi kéo khách hàng tiêu thụ đã làm cho hàng thủy sản XK của Việt Nam liên tục bị mất giá.

Còn theo thống kê gần đây của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) về tình hình XK thủy sản của Việt Nam nói chung và đối với con cá tra nói riêng làm cho nhiều người phải giật mình. Nếu như vào những năm 1997 - 1998, giá cá tra XK của Việt Nam bình quân vào khoảng 4,93 USD/kg; trong khi đó, hiện một số DN chế biến thủy sản XK trong nước lại chào bán cá tra tại Mỹ chỉ còn 1,8 - 2,5 USD/kg. Đáng nói là giá bán cá giảm mạnh trong khi chi phí (thức ăn, nhân công, thuốc thú y…) ngày càng tăng.

XK gạo cũng không ít lần nằm trong bức tranh chung như thế. Trong nhiều năm, gạo luôn đem về hàng trăm triệu USD và đứng thứ hai trong các nhóm ngành XK của tỉnh. Thế nhưng, gạo nhanh chóng bị thay thế vị trí bằng những nhóm ngành hàng khác do chịu quá nhiều yếu tố tác động, kể các các yếu tố từ thị trường tiêu thụ và cơ chế chính sách.

Trên bình diện chung, kim ngạch XK gạo từ chỗ chiếm khoảng 19% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh vào năm 2011 nhưng đến 6 tháng đầu năm 2016 chỉ còn chiếm khoảng 4,4% (đạt 39,9 triệu USD trong tổng số hơn 910 triệu USD).

Từ câu chuyện của các DN may mặc, thủy sản, gạo có thể cho thấy một thực tế rằng, mặc dù tổng giá trị XK của tỉnh hàng năm đều tăng rất nhanh, nhưng theo đánh giá, phân tích của các chuyên gia, sự tăng lên của giá trị XK dường như đang dàn “hàng ngang”, tăng theo chiều rộng và tập trung chủ yếu vào các DN mới đầu tư và có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi những sản phẩm có lợi thế của tỉnh thì giá trị XK lại liên tục giảm. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này có lẽ đang được phản ánh từ chính các DN may mặc.

Câu chuyện hội nhập kinh tế đang được bàn luận một cách sôi nổi. Tất nhiên, với xu thế hội nhập và tự do hóa thương mại, các ngành sản xuất của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và cả thách thức. Các sản phẩm dệt may, thủy sản, gạo... cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện cũng có góc nhìn khác lạc quan hơn.

Tại Hội nghị phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia được tổ chức gần đây, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cho rằng các DN cũng không nên quá lo lắng về hội nhập kinh tế quốc tế bởi đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện xóa bỏ thuế quan cũng như mở cửa thị trường, dịch vụ khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU hay Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thật ra, Việt Nam đã tham gia vào sân chơi chung của thị trường thế giới đã hơn 20 năm, kể từ khi tham gia vào khối ASEAN năm 1995, tiếp theo đó là ký Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ vào năm 2000, tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006 và hàng loạt các hiệp định thương mại với các đối tác khác. Kết quả rõ ràng nhất là hội nhập đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh và tất nhiên cũng sẽ tạo ra những thách thức.

Cái chính yếu còn lại, theo chúng tôi có lẽ bắt đầu từ chính các DN cùng ngành. Nói như giám đốc một DN may mặc, về lâu dài, tỉnh cần thành lập Hiệp hội Dệt may Tiền Giang để các DN cùng ngành cùng nhau gom lại xây dựng quy chế hoạt động chung, nhằm tránh tình trạng DN cạnh tranh không lành mạnh về giá cả, sản lượng và nguồn lực lao động.

Từ đó DN mới có sân chơi rộng, đoàn kết nhằm mang lại những kết quả lớn hơn cho ngành Dệt may của tỉnh. Điều này có lẽ sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn là cứ lo ngại về tác động của tiến trình hội nhập kinh tế đã và đang diễn ra như một xu thế tất yếu.

THẾ ANH

.
.
.