Thứ Sáu, 26/08/2016, 14:14 (GMT+7)
.

Phát triển bền vững cây thanh long

Tiền Giang xác định thanh long là 1 trong 7 chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh, được trồng nhiều tại các huyện: Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây... với hơn 5.000 ha. Hiện tại, các ngành chức năng của tỉnh đang tập trung kêu gọi các nhà đầu tư cũng như có các giải pháp khoa học để cây thanh long phát triển bền vững, khẳng định vị thế của trái thanh long trong quá trình hội nhập.

Bạt ngàn thanh long Chợ Gạo.
Bạt ngàn thanh long Chợ Gạo.

DIỆN TÍCH TĂNG NHANH

Nếu như trước đây, thanh long chỉ được xem là cây “xóa đói, giảm nghèo” thì hiện nay đã trở thành cây “làm giàu” của nhiều nông hộ. Không chỉ vậy, loại cây trồng này còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều người. Chính vì cho hiệu quả kinh tế cao nên diện tích thanh long tăng nhanh, hiện có 5.000 ha.

Huyện Chợ Gạo được biết đến với vùng chuyên canh thanh long nhiều nhất của tỉnh với 4.561 ha (trong đó có 1.200 ha thanh long ruột đỏ, 3.200 ha đang cho thu hoạch), sản lượng đạt 95.000 tấn/năm. Hầu hết hộ dân ở các xã: Quơn Long, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa... đều khá, giàu nhờ trồng và xử lý thanh long nghịch vụ.

Ông Trần Văn Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chợ Gạo cho biết, bình quân mỗi năm 1 ha sản xuất 2 vụ nghịch, 1 vụ thuận, năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng, cao gấp 7 - 8 lần so với cây lúa. Chính vì thế, có nhiều diện tích trồng lúa đã được thay thế bằng thanh long.

Ông Phạm Văn Quới, xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo) cho biết, trước đây 1,2 ha đất nhà trồng lúa hiệu quả kinh tế không cao nên ông chuyển sang trồng thanh long. Nhờ biết cách chăm sóc, xử lý đúng kỹ thuật nên thanh long bán được giá cao. Bình quân mỗi ha thanh long, gia đình ông thu lãi 300 triệu đồng/năm. “Không riêng nhà tôi, mà bà con trong xã này đều giàu lên từ thanh long, ai cũng vui lắm” - ông Quới  cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Long, xã Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo) đang cùng vợ nhổ cỏ vườn thanh long của gia đình cho biết: “Vườn thanh long của tôi mới trồng gần 1 năm, thay thế cho diện tích trồng nếp bè trước đây. Thấy giá thanh long cao, người dân đổ xô trồng thanh long nên tôi cũng làm theo. Hiện nay, còn rất nhiều người đang chuẩn bị đổ trụ trồng thanh long. Nhiều nhà cao tầng, biệt thự mini cũng được xây dựng nhờ trúng giá thanh long. Mong gia đình tôi cũng được “đổi đời” nhờ cây thanh long”.

Tại huyện Tân Phước trước đây chỉ biết đến cây khóm nhưng vài năm trở lại đây thì cây thanh long bắt đầu bén rễ. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã vào đây đầu tư trồng thanh long với diện tích lớn. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, đến nay diện tích thanh long trên địa bàn huyện đã tăng lên 270 ha, trong đó phần lớn là thanh long ruột đỏ. Hiện cây trồng này đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều diện tích đã được lên liếp, mô, cắm trụ xi măng chuẩn bị khi điều kiện thuận lợi sẽ cắm hom trồng thanh long.
    
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Hiện tại, huyện Chợ Gạo đã có 59 cơ sở thu mua thanh long cho bà con nông dân với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Một số cơ sở đã liên kết, đưa trái thanh long “xuất ngoại” sang thị trường châu Âu và Trung Quốc (khoảng 2/3 sản lượng xuất khẩu). Nếu giá thanh long khi xông đèn đạt khoảng 5.000 đồng/kg thì người trồng bắt đầu có lãi.

Hiện tại, thanh long ruột đỏ được các cơ sở thu mua với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg; ruột trắng giá 8.000 - 11.000 đồng/kg, đảm bảo người trồng có lãi. Những lúc cao điểm, giá thanh long ruột đỏ khoảng 50.000 đồng/kg; ruột trắng hơn 20.000 đồng/kg.

Công nhân Trang trại thanh long Cát Tường (huyện Tân Phước) phân loại, đóng gói thanh long.
Công nhân Trang trại thanh long Cát Tường (huyện Tân Phước) phân loại, đóng gói thanh long.

Hiện tại Hợp tác xã Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) bước đầu đã bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trồng thanh long VietGAP với khoảng vài chục ha. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, toàn huyện có 220 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

Đây là hình thức sản xuất giúp các doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu sạch, phục vụ cho xuất khẩu; đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích thiết thực trong việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, tạo sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ, hướng đến thị trường xuất khẩu ổn định hơn cho trái thanh long Việt Nam.

Lý giải về việc thanh long bán trôi nổi trên thị trường hiện nay với giá vài ngàn đồng/kg, ông Trần Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho biết: “Những trái thanh long không đạt tiêu chuẩn đóng gói (rớt loại, dập hay gãy râu khi vận chuyển...) sẽ bị dạt.

Bên cạnh đó, một số nhà vườn chủ quan không chăm sóc, thanh long không đạt tiêu chuẩn, thương lái không mua nên bán trôi nổi trên thị trường, giá rẻ. Chính vì lý do đó, người dân cứ nói thanh long giá rẻ như cho là không đúng. Nếu thanh long được chăm sóc đúng kỹ thuật, trái đạt chất lượng thì giá tương đối cao, người trồng không phải bán trôi nổi”.

“Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Chợ Gạo sẽ phát triển diện tích thanh long theo vùng quy hoạch từ 11/19 xã ban đầu tăng lên 15/19 xã trồng thanh long, nâng tổng diện tích thanh long trong vùng đề án đến năm 2020 đạt từ 6.500 ha - 7.000 ha, trong đó có từ 30% - 40% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP” - ông Trần Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho biết.

Theo ông Hòa, huyện đang tập trung quy hoạch phát triển vùng chuyên canh thanh long tại 15 xã trọng điểm; đồng thời có các giải pháp thích hợp gắn kết nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích hợp đồng bao tiêu và cung ứng vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất; tuyên truyền, vận động nhằm phổ biến thông tin thị trường, lợi ích của liên kết ngang và liên kết dọc; tuyên truyền sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng để giữ vững thương hiệu.

Về lâu dài, bằng các hình thức hội thảo, tập huấn, tài liệu tờ bướm phát từng nhà, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... để người trồng thanh long lựa chọn phát triển cây thanh long ở những năm tiếp theo.

Hiện tại, diện tích thanh long tiếp tục tăng và câu chuyện giải quyết đầu ra cho trái thanh long đang là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, các ngành chức năng của tỉnh nói chung, huyện Chợ Gạo nói riêng đang tiếp tục kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, cũng như việc xây dựng nhà máy sơ chế tại chỗ để đầu ra cho trái thanh long thật sự bền vững, không phải bán trôi nổi; đồng thời giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại các địa phương.

CAO NGUYÊN

.
.
.