Phát triển công nghiệp khu vực Gò Công: Theo hướng "chậm mà chắc"
Cơ cấu kinh tế Tiền Giang đến năm 2020 là chuyển dịch mạnh sang hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; ưu tiên khai thác các tiềm năng trong phát triển công nghiệp. Trong lộ trình đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) khu vực Gò Công được xem là những phương án mang tính đột phá, góp phần tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động cho vùng nông thôn ven biển Gò Công.
Lãnh đạo tỉnh tham quan Công ty cổ phần Sản xuất ống thép trong KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp. Ảnh: Sĩ Nguyên |
Thiên thời, địa lợi
Nhằm tạo quỹ đất hợp lý phục vụ tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đồng thời vẫn bảo đảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, Tiền Giang đã quy hoạch quỹ đất phục vụ phát triển các KCN, CCN. Các diện tích trên tập trung tại những địa bàn nhiễm mặn, phèn chua, canh tác khó khăn, hoặc gần các đường giao thông thủy - bộ, ven đô thị có điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư mở mang công nghiệp - dịch vụ, thu hút lao động việc làm.
Trong định hướng đó, khu vực Gò Công với việc hoàn thành dự án dẫn nước ngọt BOO Đồng Tâm về, nâng cấp QL 50, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Lợi được xem là những yếu tố “thiên thời, địa lợi” mở ra cơ hội phát triển cho vùng đất vốn không “mặn mà”với sản xuất nông nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang đến năm 2020, khu vực này sẽ hình thành 5 KCN, CCN gần kề cùng khai thác lợi thế cửa sông Soài Rạp; nằm trải dài từ các xã Vàm Láng, Gia Thuận, Bình Đông, Bình Xuân… thuộc huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công.
Cụ thể, TX. Gò Công sẽ có KCN Bình Đông với quy mô 212 ha thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao như: Lắp ráp điện tử, đồ điện gia dụng, hàng kim loại, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chính xác, lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm… Ngoài ra, còn có CCN Bình Đông II, hiện đang hoàn tất quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư.
Với lợi thế cầu Mỹ Lợi đã đưa vào sử dụng, vị trí tỉnh quy hoạch 2 CCN ở khu vực Gò Công Đông nằm cạnh cửa sông Soài Rạp, tiếp giáp với luồng tàu đi cảng Hiệp Phước, rất thuận tiện cho việc lên xuống hàng bằng đường biển. Dự kiến tháng 10-2016 đường tỉnh 871 sẽ hoàn thành, trên cơ sở đó, huyện Gò Công Đông sẽ có 2 CCN Gia Thuận I, CCN Gia Thuận II, quy mô mỗi cụm 50 ha.
Cụ thể CCN Gia Thuận I ở ấp 5, xã Gia Thuận với ngành nghề đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng tư liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản…CCN Gia Thuận II ở ấp 2 và 3, xã Gia Thuận với ngành nghề chủ yếu sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm thay thế hàng xuất khẩu, phụ tùng, lắp ráp, sửa chữa máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp…
Ngày 9-6-2016, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai 2 CCN Gia Thuận I và II; theo đó dự kiến sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng trong tháng 1-2017 sau khi hoàn tất các thủ tục; để tập trung mời gọi đầu tư trong lộ trình đến năm 2020.
Riêng KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - chủ đầu tư đã san lắp 185/285 ha, nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư hạng mục hạ tầng; hiện Ban Quản lý các KCN Tiền Giang đã thu hồi giấy phép đầu tư và đang phối hợp với các sở, ngành để tiến hành các thủ tục bàn giao mặt bằng về cho Tiền Giang.
Cần lưu ý yếu tố “nhân hòa”
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có yếu tố môi trường sống. Với khu vực Gò Công, việc phát triển các ngành Công nghiệp có mức độ gây ô nhiễm môi trường cao như sản xuất hóa chất, đóng, sửa chữa tàu, dầu khí, chế biến nông - thủy hải sản… cũng như việc xây dựng cảng sông, cảng biển tại các khu vực này, sẽ có thể gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông và nước biển ven bờ, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống dân cư, nuôi trồng thủy sản và du lịch ven biển; đồng thời có thể gây ra các sự cố trên sông, trên biển như: Va chạm, cháy nổ, tràn dầu… có tác động phổ biến ô nhiễm trên diện rộng khó lường hết hậu quả.
Quan điểm của Tiền Giang là không phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Bài học Formosa Hà Tĩnh càng minh chứng cho quan điểm trên là đúng đắn. Yếu tố nhân hòa rất quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhân hòa ở đây là yếu tố bền vững trong phát triển, nó gắn với an sinh xã hội, môi trường sống của người dân. |
Đặc biệt, việc phát triển mạnh công nghiệp tập trung ở khu vực Gò Công sẽ làm suy giảm đáng kể diện tích rừng phòng hộ ven biển tại khu vực này, mà như vậy sẽ làm tăng khả năng xảy ra sự cố sạt lở và xói lở bờ biển, vốn là vấn đề môi trường bức xúc mà lâu nay tỉnh chưa thể giải quyết triệt để.
Ngoài ra, khu vực Gò Công đang trong tiến trình ngọt hóa với các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, phòng, chống xói lở, sạt lở đê bao, đập ngăn mặn…, cho nên việc tập trung nhiều KCN, CCN ở khu vực này sẽ làm tăng cao các áp lực gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sự phát triển của nông - lâm - ngư nghiệp và đời sống cư dân.
Vì thế đòi hỏi tỉnh phải cân nhắc với những dự án đầu tư và đặc biệt chú trọng đến các giải pháp bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến dân sinh như việc làm, chỗ ở, đời sống cho những người bị thu hồi đất trong khu vực dự án cũng cần đặc biệt quan tâm. Đây chính là điều kiện “nhân hòa” để giải bài toán phát triển công nghiệp bền vững.
Công nghiệp hóa là xu thế tất yếu trong thời kỳ quá độ và giai đoạn hội nhập hiện nay; song không vì thế mà phải phát triển công nghiệp bằng mọi giá. Nhận định rõ vấn đề, thời gian qua, quan điểm của tỉnh là phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội; phát triển công nghiệp đi đôi với yếu tố bền vững.
Vì thế, việc cân nhắc, lựa chọn nhà đầu tư, xem xét, đánh giá tác động môi trường đối với từng dự án đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các dự án công nghiệp khu vực Gò Công đang phát triển theo hướng “chậm mà chắc”.
DUY SƠN