Thứ Sáu, 05/08/2016, 10:57 (GMT+7)
.

Phú Tân trên đường phát triển bền vững xã chuyên ngư

Với địa hình giáp biển, lại có nhiều ao hồ, kinh rạch, nên xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông) có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi  thủy sản và là mũi nhọn kinh tế của xã. Trước đây, khi chưa thành lập xã chuyên ngư, người dân Phú Tân chủ yếu dựa vào tự nhiên để đào ao thủ công, bao đê theo bờ, liếp và  khai hoang vùng đất Cồn Cống nằm ven 2 nhánh sông cửa Đại, cửa Tiểu để khai thác nguồn giống tự nhiên gắn với quy hoạch vùng nuôi thủy sản.

Sau đó, xã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đào mới 6 tuyến kinh dài trên 20 km; đồng thời nạo vét 12 tuyến kinh khác cùng với 2 tuyến đường giao thông nông thôn, bắc mới 3 cây cầu và lắp 3 cống trong vùng nuôi thủy sản tập trung.

Từ đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải tạo ao đầm, đưa cơ giới vào bao đê, làm cống để nuôi tôm quảng canh, nâng dần mô hình nuôi từ quảng canh đơn thuần sang quảng canh cải tiến, tức mô hình nuôi tôm công nghiệp và đặc biệt là mô hình tôm - lúa đang phát triển mạnh.

Thu hoạch nghêu ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Thu hoạch nghêu ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Toàn xã Phú Tân hiện có 2.416 ha nuôi thủy sản, trong đó có 400 ha nuôi tôm công nghiệp và hơn 2.016 ha quảng canh. Qua nhiều năm hình thành và phát triển xã chuyên ngư, sản lượng thu hoạch bình quân mỗi năm tăng từ 12% - 15%. Gắn với phong trào nuôi tôm, xã Phú Tân đã mở rộng khai thác đất bãi bồi ven sông, ven biển với gần 2.000 ha mặt nước để nuôi nghêu, sò và khai thác các loài nhuyễn thể 2 mảnh.

Thời gian qua, xã Phú Tân đã tranh thủ các cấp, các ngành hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KHKT) để duy trì và mở rộng diện tích nuôi thủy sản. Hàng năm đều tổ chức các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho người nuôi, đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng như:

Lưới điện, cầu đường giao thông, hệ thống kinh mương thông suốt, tạo thuận lợi cho việc lấy nước trong nuôi thủy sản cũng như đi lại sản xuất, thu hoạch của ngư dân. Hiện trên địa bàn xã có 2 cơ sở sản xuất tôm giống và 3 cơ sở kinh doanh thuốc, thức ăn tôm, cơ bản đáp ứng cho từng vụ nuôi.

Đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp, bà con thường thiết kế ao lắng, lắp máy quạt nhằm tạo dòng chảy và cung cấp ô xy cho tôm. Mật độ tôm giống thả nuôi 25 con/m2. Sau thời gian từ 4 - 4,5 tháng cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 3,5 - 4 tấn/ha.

Nếu dịch bệnh không xảy ra và đầu ra ổn định thì mỗi ha nuôi tôm công nghiệp có thể thu lãi 200 triệu đồng. Thời gian qua ở xã Phú Tân có nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp cho năng suất cao, đạt thu nhập khá, từng bước nâng cao mức sống gia đình, nhiều hộ phấn đấu vươn lên, làm giàu chính đáng.

Đối với mô hình nuôi tôm quảng canh ở xã Phú Tân, sau khi cải tạo các ao đầm bà con ngư dân thả tôm vào nuôi và sau 3 tháng là có thể thu hoạch dần theo từng con nước. Chi phí không cao, năng suất tuy thấp (chỉ đạt từ 100 - 200 kg/ha) nhưng người nuôi còn thu hoạch thêm được cua và các loại cá trong đầm nuôi tôm.

Tuy nhiên, do thời tiết thất thường, môi trường không thuận lợi và dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào nuôi tôm ở xã Phú Tân thời gian qua. Trong khi nguồn tôm giống nhiều khi kém chất lượng mà ý thức cộng đồng của người dân tại các vùng nuôi lại chưa cao, không xử lý mầm bệnh trước khi xổ nước ra môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến vùng nuôi lân cận.

Trước tình hình trên, xã đã thành lập 11 tổ quản lý cộng đồng có gần 250 hộ tham gia trên diện tích gần 400 ha, để vận động ngư dân góp vốn tự nguyện dập dịch khi có bệnh xảy ra trên tôm. Xã còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các Trạm thú y, Thủy sản huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chuyển giao KH-KT, hướng dẫn hộ nuôi tôm thực hiện đúng các giải pháp kỹ thuật để nuôi có hiệu quả;

Đồng thời tăng cường quản lý tình hình sản xuất tôm giống trên địa bàn xã, kịp thời xử lý nguồn tôm giống du nhập vào địa phương không qua kiểm dịch và không có nguồn gốc rõ ràng, chặn đứng dịch bệnh, không để xảy ra trong vùng nuôi tôm của xã.

Xã còn vận động người dân tận dụng mọi khả năng và điều kiện sẵn có để phát triển bền vững phong trào nuôi thủy sản, đặc biệt là mô hình tôm - lúa. Toàn xã hiện có hơn 500 ha mô hình này, tập trung ở các ấp: Phú Hữu, Bà Từ và Pháo Đài.

Hàng năm, 100% diện tích của mô hình này đều được xuống giống lúa sau khi thu hoạch tôm. Đối với 1 ha diện tích, tổng chi phí sản xuất tôm và lúa khoảng 10,5 triệu đồng, sau khi thu hoạch trừ chi phí thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, mô hình tôm - lúa đã giúp nhiều hộ dân ở Phú Tân thoát nghèo bền vững hoặc vươn lên khá giàu.

Trong quá trình sản xuất, bà con đã áp dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa giai đoạn sinh trưởng, điển hình như khi lúa xuất hiện sâu rầy, chỉ cần xả nước vô đầm cho ngập xâm xấp, đến khi chúng rơi ra, nổi trên mặt nước làm mồi cho cá, tôm là tháo nước trở ra, ruộng lúa phát triển bình thường, giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận.

Để mô hình tôm - lúa của xã phát triển bền vững, thời gian qua UBND xã Phú Tân đã liên kết với Công ty sinh học Sinh Thành (TP. Hồ Chí Minh) đến cung cấp hóa chất cho nông dân xử lý môi trường nước sau mỗi vụ thu hoạch lúa; đồng thời phân hủy gốc rạ làm thức ăn cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Kết quả đạt được rất khả quan, phấn đấu đến năm 2020 xã Phú Tân sẽ nâng diện tích mô hình tôm - lúa lên 800 ha.

Để thực hiện được mục tiêu này, trước mắt xã tập trung nhóm giải pháp đầu tư vốn, chuyển giao KH-KT và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi trong các vùng nuôi, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ giữa  nhà khoa học với bà con nông dân và đầu tư nâng cấp 3 tuyến giao thông, thủy lợi dài khoảng 5 km trong dự án Nam Gò Công và các kinh Võ Văn Hên, kinh Tám Mẹo, nhằm bảo đảm môi trường nước và giao thông đi lại, thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản trên địa bàn xã ngày càng phát triển với giống vật nuôi ưu tiên hàng đầu vẫn là con tôm. Bên cạnh đó, xã Phú Tân còn mở rộng 170 ha nuôi nghêu và sò.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng Bộ huyện Tân Phú Đông từ nay đến năm 2020 nâng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện lên 6.000 ha thì có hơn 2/3 diện tích nằm trên địa bàn xã Phú Tân. Do đó, để thực hiện khả thi chỉ tiêu này, xã Phú Tân cần được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành.

Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, xây dựng, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống để khắc phục tình trạng sản xuất tự phát trong nuôi thủy sản, tăng cường công tác quản lý môi trường, dịch bệnh và nâng cao chất lượng con giống.

Bởi vì mô hình tôm - lúa ở xã Phú Tân tuy phát triển mạnh từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa có mô hình chuẩn, công thức sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cũng như giống lúa thích hợp cho mô hình cũng chưa được ngành Nông nghiệp khuyến cáo.

Mặt khác, trong quá trình thu hoạch lúa, do chưa có điều kiện sử dụng máy gặt đập liên hợp nên hầu hết bà con nông dân còn sử dụng máy phóng lúa, chi phí cao, giảm lợi nhuận. Trong khi chờ đợi các giải pháp khắc phục những khó khăn, tồn tại nêu trên thì trước mắt cần có chính sách giải bài toán khó về vốn.

Bởi vì từ vụ tôm năm 2008 trở về trước, nhiều hộ dân xã Phú Tân đã đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, nhưng gặp phải thời tiết, khí hậu bất thường, môi trường biến động, dịch bệnh phát sinh trong vùng nuôi tôm diện rộng đã gây mất mùa, thất thu, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, không có khả năng khôi phục lại sản xuất.

Trong khi nghề nuôi tôm hiện cho lãi cao mà bà con thì thiếu vốn. Những khó khăn trên, nếu được các cấp, các ngành quan tâm tháo gỡ, tin rằng mục tiêu xây dựng phát triển bền vững xã chuyên ngư của Phú Tân sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.

HỮU DƯ

.
.
.