Thứ Hai, 15/08/2016, 10:47 (GMT+7)
.

Trái cây vùng ĐBSCL chưa phát triển bền vững

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp được tổ chức ở tỉnh Tiền Giang ngày 12-8, với chủ đề liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thương lái thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo.
Thương lái thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Khởi, số lượng, chủng loại, thị trường và kim ngạch xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL không ngừng tăng nhanh; nhiều thị trường mới, khó tính có giá cả cao được mở mới đã khích lệ, thúc đẩy ngành hàng trái cây phát triển trong những năm gần đây như: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài đã vào thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tuy nhiên, trái cây của vùng này vẫn còn sản xuất phân tán, manh mún; phát triển không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng “trồng rồi chặt”, đầu tư thâm canh chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; số lượng, quy cách, chất lượng không đồng đều; khối lượng trái cây đạt tiêu chuẩn GAP còn quá ít nên ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu…

Trong thời gian tới, trái cây vùng ĐBSCL cần hình thành vùng cây ăn trái tập trung, sản xuất rải vụ; tập trung vào số lượng, chất lượng từng loại trái cây; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Được biết, vùng ĐBSCL hiện có trên 307 ngàn ha cây ăn trái, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái của cả nước. 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt trên 1,73 tỷ USD.

SĨ NGUYÊN

.
.
.