Thứ Hai, 05/09/2016, 14:28 (GMT+7)
.

Giết mổ gia cầm bằng nhựa thông: Trên kêu xử lý, dưới bảo khó

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã nghiêm cấm việc sử dụng nhựa thông để giết mổ hay chế biến gia cầm nói chung, giết mổ vịt nói riêng. Nếu các cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Tuy vậy, các ngành chức năng của tỉnh bảo rằng rất khó xử lý khi áp dụng vào thực tế. Và chuyện giết mổ gia cầm nói chung, vịt nói riêng bằng nhựa thông tiếp tục bị bỏ ngỏ.

5 nồi nhựa thông đen ngòm, sôi ùng ục của cơ sở sẵn sàng làm sạch lông vịt.
Điểm vừa làm gà, vịt vừa bán trá hình cho hành vi làm sạch lông gia cầm bằng nhựa thông.

LÀM SẠCH LÔNG GIA CẦM BẰNG NHỰA THÔNG

Trong một thời gian dài, chúng tôi theo dõi, tiếp xúc với một cơ sở làm sạch lông vịt bằng nhựa thông ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Cơ sở do vợ chồng ông Hợi, bà Quế làm chủ được hình thành cách đây trên 1 năm. Khu làm vịt nằm sâu trong một con hẻm, ít người qua lại. Trước đây, cơ sở này nằm trong khu đông dân, nhiều người thưa kiện nên mới dời về đây.

3 giờ sáng hàng ngày, chủ cơ sở hoặc người làm công đến mồi lửa để đun 5 nồi nước có dung dịch màu đen ngòm mà theo tìm hiểu thì đó là nhựa thông. Mỗi ngày, cơ sở này có 5 - 6 người trực tiếp làm sạch lông vịt cho khách hàng, số lượng vịt làm lông ở đây từ vài chục đến vài trăm con.

Khi dung dịch màu đen ngòm sôi ùng ục, mùi hôi bốc lên rất khó chịu và lan tỏa ra một vùng rộng lớn, vịt được khách hàng hay người làm công vận chuyển đến, người làm sẽ cắt cổ, lấy huyết và quăng ra nền xi măng rất bẩn. Đợi vịt chết, một số người nhổ lông vịt sơ qua rồi nhúng sâu vào nồi có chứa nhựa thông.

Sau khi nhúng đều con vịt thì họ lấy ra và đưa qua 1 thau nước lạnh cho nguội. 1 - 2 phút sau, họ sẽ lột lớp nhựa thông dính trên con vịt ra. “Lông mẹ, lông con” được lớp nhựa thông lột sạch, màu da vịt trắng tươi. Người làm tiếp tục đưa vịt vừa làm sạch lông vào thau nước lạnh để rửa sạch và cho vào giỏ.

Kết thúc công đoạn làm sạch lông chỉ trong vòng 3 - 5 phút. Còn lớp nhựa thông vừa lột lông vịt xong được quăng vào một cái giỏ cho rỏ nước và tiếp tục đưa trở lại nồi để nấu sôi làm những con vịt tiếp theo. Mỗi con vịt làm xong, khách hàng phải trả cho chủ cơ sở từ 13.000 - 15.000 đồng/con.

Để trá hình cho việc làm sạch lông vịt bằng nhựa thông, ông Hợi và bà Quế mở một điểm vừa bán gà, vịt vừa làm sạch tại một khu chợ tự phát ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho. Tại đây, khách hàng muốn mua và làm sạch, mổ bụng ngay 1 - 2 con thì người lao động trực tiếp làm bằng nước sôi, còn đặt làm vài con vịt khoảng 2 - 3 giờ sau lại lấy thì ông Hợi, bà Quế mang xuống cơ sở để làm bằng nhựa thông cho nhanh, ưu tiên thời gian cho những người đợi lấy. Hàng ngày, điểm bán gà, vịt và vừa làm sạch lông này tiêu thụ hàng trăm con.

Hiện nay, chuyện làm sạch lông gia cầm nói chung, làm sạch lông vịt nói riêng bằng nhựa thông diễn ra ở rất nhiều nơi. Chủ các cơ sở này vẫn biết ngành chức năng không cho sử dụng nhưng vì lợi nhuận họ vẫn lén lút làm.

5 nồi nhựa thông đen ngòm, sôi ùng ục của cơ sở sẵn sàng làm sạch lông vịt.
5 nồi nhựa thông đen ngòm, sôi ùng ục của cơ sở sẵn sàng làm sạch lông vịt.

VIỆC XỬ LÝ CÒN BỎ NGỎ?

Vấn đề xử lý việc làm sạch lông gia cầm nói chung và làm sạch lông vịt bằng nhựa thông nói riêng thuộc quyền của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Tuy nhiên, trao đổi vấn đề này thì 2 chi cục nói trên đều nói rất khó xử lý.

Ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, qua rà soát các quy định hiện hành tại Việt Nam, nhựa thông không nằm trong danh mục các chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Mặc dù Bộ NN&PTNT nghiêm cấm sử dụng nhựa thông để giết mổ hay chế biến gia cầm nói chung, giết mổ vịt nói riêng nhưng khi nghiên cứu tất cả các văn bản thì rất khó xử lý.

Trong quá trình sử dụng chất nhựa thông làm sạch lông gia cầm, khí độc sẽ bay lên trên và làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, những người xung quanh. Do nhựa thông không nằm trong danh sách cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng cũng chưa có văn bản chính thức cấm sử dụng nên ngành chức năng chưa thể kiểm tra, xử lý nghiêm được.

Bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, mặc dù Bộ NN&PTNT cấm nhưng rất khó xử lý, vì hiện nay chưa có một quy định nào rõ ràng, cụ thể để xử lý triệt để vấn đề trên. Nếu vào cuộc thì bên an toàn thực phẩm xử lý, còn Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ xử lý điểm giết mổ lậu.

Trước đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cho rất nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh làm cam kết không được sử dụng nhựa thông giết mổ hay chế biến gia cầm nói chung, giết mổ vịt nói riêng. Mặc dù đã có khuyến cáo nhưng nhiều tiểu thương vẫn lén lút làm, vì sử dụng nhựa thông để làm sạch lông gia cầm hay vịt rất nhanh.

Một chuyên gia trong ngành thực phẩm cho biết, ông từng cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc người vặt lông gia cầm bằng sáp và nhựa thông sẽ làm hại chính mình.

Theo đó, khi đun sôi nhựa thông sẽ sinh ra khí amoniac (NH3) mùi khai, rất độc vì có thể gây kích thích niêm mạc, mắt, dạ dày, gây co thắt cơ quan hô hấp, làm bỏng da...

Sở dĩ nói người giết mổ gia cầm có nguy cơ làm hại chính mình vì họ thường xuyên hít phải khí độc khi khí thoát ra ngoài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ, còn làm ô nhiễm môi trường vì khí thải của lò đốt tại các cơ sở phát sinh nhiều mùi hôi khó chịu cho những người ở quanh đó.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhựa thông làm lông gia cầm chỉ ở khâu sơ chế chứ không phải chế biến. Sau khi làm sạch lông, gia cầm được rửa lại bằng nước sạch sẽ trôi hết hóa chất, nếu có dính chút nào thì khi nấu ở nhiệt độ cao độc hại cũng hết.

Tuy nhiên, ngành chuyên môn về thực phẩm cho biết: “Riêng sáp màu vàng nhạt trộn cùng với nhựa thông có thành phần chính là paraphin, khi ăn vào sẽ không tiêu hóa được.

Còn với nhựa thông khó có thể ngấm vào thịt gia cầm và chưa có căn cứ nào cho thấy nhựa thông có thể ngấm vào thịt gia cầm trong quá trình làm lông...

 “Nhựa thông cũng là loại gel khó hòa tan trong nước, vì thế cũng không thể thấm qua da gia cầm, bởi muốn ngấm qua được lớp da của gia cầm cần có những tác động vật lý, hóa học khác và thời gian cần dài.

Nguyên do là các tế bào biểu bì ở người và động vật cấu tạo phức tạp và không phải hoạt chất nào cũng dễ thẩm thấu qua da. Nếu chỉ nhúng gia cầm qua nồi nhựa thông thì độc chất khó có thể ngấm qua da vào thịt gia cầm với thời gian ngắn”- vị chuyên gia về thực phẩm nói.

SĨ NGUYÊN

.
.
.