Lễ hội Nho và Vang-Ninh Thuận 2016: Gặp gỡ những nhà "nho" lâu năm
Với tính cách khá “đỏng đảnh” nhưng cây nho lại thích nghi và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” như Ninh Thuận. Nho trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân.
Lão nông Nguyễn Hải Tấn (khu phố 6, phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đang bao trùm nho theo quy trình sản xuất VietGAP. |
Về thăm vùng trồng nho sạch Cà Đú, chúng tôi bắt gặp nụ cười tươi vui, phấn khởi của nông dân bên những vườn nho xanh biếc. Là người có “thâm niên” trong nghề trồng nho, ông Đặng Thương (khu phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải) kể về những ngày đầu “bén duyên” với cây nho: Ngày xưa, bà con ở đây sinh sống bằng nghề trồng hành, ớt, cho thu nhập thấp. Nhiều gia đình phải lặn lội khắp nơi làm thuê đắp đổi qua ngày.
Dần dần, nhận thấy giá trị kinh tế cây nho mang lại, nông dân bắt đầu chuyển sang trồng nho. Cũng như bao người dân địa phương, gia đình ông “hăm hở” đến với cây nho từ năm 1990. Học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, ông mạnh dạn trồng giống nho đỏ Red Cardinal trên diện tích 1 sào. Nhờ điều kiện thời tiết ít sương muối, đất thoát nước tốt nên cây nho ít sâu bệnh, sau một năm xuống gốc bắt đầu cho thu hoạch.
Thời bấy giờ, nho có giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, ông tiếp tục mạnh dạn mở rộng diện tích lên 3 sào, kinh tế dần ổn định hơn. Tuy nhiên, sau thời “hoàng kim”, đến những năm đầu của thế kỷ 21, nho mất dần thị trường, nghề trồng nho suy thoái. Đã có lúc ông suy nghĩ chặt bỏ nho, trồng cây khác, nhưng với niềm đam mê, ông quyết tâm bám trụ với cây nho.
Để có được thành quả như hôm nay, ông đã phải lặn lội vào Trung tâm cây trồng Vĩnh Hảo (Bình Thuận) để thuê người ghép gốc nho dại với giá 3.000-3.500 đồng/gốc. Theo sự hướng dẫn của trung tâm và tìm hiểu thêm trên sách báo, những người đi trước, cây nho đỏ dần phát triển và sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, nhưng giá cả lại bấp bênh. Vì vậy, gia đình đầu tư mở rộng diện tích trồng thêm 1 sào nho xanh NH 01-48. Hiện nay, trên diện tích 4 sào cả nho xanh và đỏ, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng trên 150 triệu đồng.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng nho, ông Nguyễn Hải Tấn (khu phố 6, phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) được mệnh danh là người tiên phong trồng nho ở địa phương. Vừa tiếp chúng tôi, ông vừa say sưa kể về chuyện trồng nho như kể về “đứa con” của chính mình.
Mỗi giống nho có từng đặc điểm, màu sắc, dáng cây riêng… nhưng ông có thể “nằm lòng” nói vanh vách. Cây nho gắn bó với ông mỗi ngày, nó không chỉ là người bạn thân thiết, mà còn là “ân nhân” giúp gia đình ông có thêm thu nhập, đủ sức nuôi 5 người con ăn học đàng hoàng.
Ông trầm tư nhớ lại cơ duyên đến với cây nho. Năm 1988, trong một dịp lên nhà thầy giáo chơi, ông được biết đến cây nho tím (giống Pháp). Vì tò mò, ông học hỏi thầy kỹ thuật và xin 10 gốc nho tím về trồng. Thấy cây nho sinh trưởng tốt, ông nhân rộng giống lên 2 sào. Mặc dù cây phát triển tốt nhưng năng suất chưa cao, ông chuyển sang trồng nho đỏ trên diện tích 4 sào, ước đạt năng suất từ 1-1,5 tấn, giá dao động từ 8-10 ngàn đồng/kg.
Đến năm 2000, gia đình ông chuyển sang trồng giống nho đỏ Red Cardinal- được xem là “đòn bẩy” giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo. Đến nay, với quyết tâm làm giàu từ quả nho sạch, gia đình ông đầu tư trồng 3 sào nho xanh NH 01-48.
Sản xuất nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp, năng suất cao gần gấp rưỡi so với giống nho cũ. Cũng là quả nho, ngoài thị trường 18 ngàn đồng/kg nhiều người không thích, nhưng nho trồng theo quy trình VietGAP bán được giá 25.000 – 30.000 đồng/kg.
Nghe kể chuyện làm giàu từ cây nho, chúng tôi mới hình dung được “khát vọng” của nông dân đối với cây nho. Với suy nghĩ cây nho không bao giờ phụ mình nên dù có lúc “thăng”, lúc “trầm”, nông dân vẫn quyết tâm bám trụ trồng nho như lưu giữ loại cây đặc sản của quê hương.
(Theo baoninhthuan.com.vn)