Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Sáng 24-9, tại Tiền Giang đã diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM). Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các nhà khoa học và lãnh đạo của 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.
Ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang phát biểu tại cuộc họp bàn kế hoạch liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. |
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Đồng Tháp trình bày khung Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM”. Theo đó, đề án sẽ liên kết 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, với các nội dung liên kết gồm:
Liên kết phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; liên kết bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước; liên kết về quy hoạch vùng sản xuất; liên kết trong kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến công nghiệp, thương mại, du lịch; liên kết xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; liên kết trong kiến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp, phát triền bền vững…
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học đã có những đề xuất, ý tưởng trong việc thực hiện liên kết 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An, nhằm tạo điều kiện, nền tảng cho các địa phương phát triển nhanh hơn; đồng thời quản lý tài nguyên bền vững vùng ĐTM, khai thác hợp lý tiềm năng và thế mạnh của Tiểu vùng…
Đại diện lãnh đạo của 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An cơ bản thống nhất với những nội dung của khung đề án và ý kiến các nhà khoa học trình bày; đồng thời cũng lưu ý việc xây dựng đề cương cụ thể cho đề án cần xem xét rõ nhiệm vụ và thế mạnh của từng tỉnh, tránh tình trạng chồng lấn về nhiệm vụ phát triển của mỗi tỉnh.
Cuộc họp bàn kế hoạch liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười diễn ra tại tỉnh Tiền Giang. |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang bày tỏ sự thống nhất cao việc triển khai thực hiện liên kết theo khung Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM” và cần thiết phải bắt tay làm ngay. Trong đó, khâu tổ chức thực hiện là cực kỳ quan trọng, nhất là chú ý đến công tác phối hợp giữa 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang;
Đồng thời cần làm rõ mục tiêu, mục đích của việc triển khai thực hiện đề án, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành Trung ương trong cách tiếp cận; cần có sự đánh giá thêm về tiềm năng, lợi thế cũng như những tác động bất lợi của 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đối với vùng Đồng Tháp Mười để đề án được thực hiện mang tính khả thi cao. Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước, Trung ương tác động về mặt cơ chế, chính sách, hỗ trợ về vốn là hết sức quan trọng…
Được biết, khung Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM” được xây dựng với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với 2 tỉnh Tiền Giang, Long An và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng đề án gắn với việc triển khai Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2016 - 2020; lấy ý kiến của các bộ, cơ quan, các nhà khoa học và tổng hợp theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III-2016.
HỮU NGHỊ