Thứ Ba, 20/09/2016, 08:47 (GMT+7)
.

Phát triển công nghiệp: Giải bài toán về nguồn lao động

Theo quy hoạch phát triển của Tiền Giang đến năm 2020 thì toàn tỉnh sẽ có 7 khu công nghiệp (KCN), 27 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Vì thế, để có đủ nguồn lao động đáp ứng nhu cầu cho các KCN, CCN trong tương lai là một vấn đề cấp bách đặt ra và không hề đơn giản trong triển khai thực hiện.

Ngành chế biến thủy sản chủ yếu sử dụng lao động phổ thông.
Ngành chế biến thủy sản chủ yếu sử dụng lao động phổ thông.

Thiếu và yếu

Là tỉnh đông dân (1,728 triệu dân/năm 2015) nên Tiền Giang có lợi thế về nguồn lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh vẫn còn khá thấp; nguồn cung ứng lao động trong tỉnh đang giảm đáng kể và sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Xu hướng này cần phải được quan tâm trong việc dự báo nguồn cung nhân lực, cũng như việc hoạch định chính sách, chiến lược thu hút đầu tư, sử dụng nguồn tài nguyên nhân lực sao cho có hiệu quả.

Theo tính toán của các ngành hữu quan, thì 100 ha đất công nghiệp cần khoảng 10.000 lao động có tay nghề. Vì thế, để đáp ứng cho hơn 3.000 ha đất công nghiệp trong tương lai, Tiền Giang cần đến hơn 300.000 lao động; trong khi theo thống kê đến năm 2015, Tiền Giang mới có 259.719 công nhân kỹ thuật không bằng, 14.892 lao động đào tạo dưới 3 tháng, 20.786 sơ cấp nghề, 10.100 lao động trình độ trung cấp, 21.327 trình độ trung học chuyên nghiệp, 1.785 trình độ cao đẳng nghề, 13.690 cao đẳng chuyên nghiệp và 30.780 đại học.

Thiếu về số lượng là thế, còn về chất lượng của nguồn lao động cũng là vấn đề bức xúc, bởi hiện tại lao động tại các KCN của Tiền Giang chủ yếu là lao động phổ thông (có 514.719 lao động chưa qua đào tạo trong tổng số 890.494 người trong độ tuổi lao động),  nguồn nhân lực có chất lượng cao rất ít. Về nguyên nhân của thực tế này, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho rằng:

Công tác đào tạo nghề của tỉnh được quan tâm, tập trung đầu tư từ năm 2003 đến nay, nên quy mô tuy có phát triển nhưng vẫn còn hạn chế, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, chủ yếu là các nghề “truyền thống” như cơ khí, điện, xây dựng, gò, hàn… chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp (DN) và xã hội. Trang thiết bị cho các trường nghề chỉ đáp ứng cơ bản, rất ít những thiết bị cho việc đào tạo các ngành công nghệ cao.

Theo Sở LĐ-TB-XH thì 80% học sinh tốt nghiệp tại các trường nghề tìm được việc làm. Tuy nhiên, qua khảo sát từ các DN thì chỉ số ít DN cho là lao động qua đào tạo đáp ứng nhu cầu; đa số đều cho là “tạm được” hoặc không có ý kiến. Về giáo viên, hiện nhu cầu cần đến 550 người, nhưng thực tế tỉnh chỉ mới có khoảng 380 giáo viên và luôn biến động; về cơ bản thì đáp ứng, nhưng theo định hướng phát triển trong tương lai thì chưa.

Ngoài ra, phải kể đến thực tế tâm lý của người Việt hiện nay vẫn còn nặng về bằng cấp nên bằng mọi cách phải vào đại học, vì thế tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn xảy ra, và là vấn đề nan giải cho việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ công nhân chất lượng cao.

Tháo gỡ từ đâu?

Đào tạo, phát triển nguồn lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Đây là mục tiêu, cũng là động lực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Những năm qua, việc phát triển các KCN của tỉnh chưa có sự liên kết chặt chẽ với việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nghề nói riêng, dẫn đến không có sự thống nhất trong quản lý, điều hành, cũng như khó khăn trong định hướng đầu tư hiệu quả việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.

Tiền Giang hiện có 27 cơ sở dạy nghề, gồm 1 trường cao đẳng nghề, 4 trường trung cấp nghề, 8 trung tâm dạy nghề và 14 cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy nghề. Thực hiện chiến lược đào tạo và chính sách thu hút đầu tư để đến năm 2020,  tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh là  51%.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư khi đến Tiền Giang, bên cạnh giá đất, chính sách đầu tư… họ rất quan tâm đến nguồn lao động địa phương. Vì thế, công tác dự báo, đào tạo “đón đầu” là quan trọng, nhưng không dễ thực hiện, bởi thực tế người lao động khi thấy có nhà máy thì mới đăng ký đi học; còn dự án chỉ mới có trên giấy, chưa triển khai thì rất khó dự báo số lao động và tuyển sinh. Vì thế, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CNH-HĐH cần một lộ trình mang tính dài hơi và phải xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Từ thực trạng trên và để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động cho việc phát triển các KCN, vấn đề cấp bách đặt ra là phải xúc tiến hoàn thiện hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi phương thức đào tạo; không đào tạo những gì mình có, mà đào tạo theo những gì xã hội đang cần, cụ thể là  theo “đơn đặt hàng” của các DN. Xã hội hóa công tác đào tạo nghề bằng những chính sách ưu đãi, mời gọi các nhà đầu tư và cả DN tham gia lập các trường nghề tư thục, để góp phần hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề.

Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách thu hút, ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề, làm thế nào để những kỹ sư, thợ bậc cao có nhiều kinh nghiệm tham gia vào công tác giảng dạy, nhằm nâng chất lượng đầu ra.

Và đặc biệt là cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi tâm lý “phải vào đại học”, nhận thức đúng hơn tầm quan trọng của nguồn lao động có tay nghề cao trong quá trình  công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH).

Song song đó, cần làm tốt công tác hướng nghiệp trong trường trung học phổ thông, cùng việc phân luồng cho học sinh trung học cơ sở; đặc biệt là cần có cơ chế liên thông từ trung cấp nghề lên cao đẳng và đại học để kích thích học sinh thi vào các trường nghề.

Ngoài ra, nên chỉ đạo các trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu nhu cầu thị trường, xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành phù hợp, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt những nghề ít có nhu cầu hoặc đã bão hòa, dẫn đến tình trạng dư thừa, sinh viên thất nghiệp, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận xã hội.

DUY SƠN

.
.
.