Thứ Hai, 26/09/2016, 07:46 (GMT+7)
.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm và làm việc tại Đức

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức từ 22 - 26-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ và một số doanh nghiệp lớn đã làm việc với nhiều bộ ngành cũng như doanh nghiệp của Đức nhằm đẩy mạnh thực chất hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và một số dự án cụ thể của Đức đầu tư tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức ở Berlin. Ảnh : Trần Mạnh Hùng/TTXVN
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức ở Berlin. Ảnh : Trần Mạnh Hùng/TTXVN

Tại Berlin, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới làm việc với lãnh đạo Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn Hạt nhân, và Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức.

Tại các buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Đức, quốc gia có vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức đang phát triển hết sức mạnh mẽ, sâu rộng, hiệu quả trên mọi lĩnh vực.

Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa Quốc hội hai nước cũng rất hiệu quả thông qua các hình thức hợp tác đa dạng như trao đổi đoàn các cấp, tạo điều kiện để các cơ quan lập pháp hai nước tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát.

Phó Thủ tướng nêu rõ trong nhiều năm qua, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 8,91 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm 2014).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Đức tháng 11/2015, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15-20 tỷ USD vào năm 2020 và tăng đầu tư của Đức tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD.

Theo Phó Thủ tướng, để đạt được mục tiêu này, hai bên cần ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức sớm chuẩn bị đón đầu các cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam tham gia đem lại để tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Đức có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam, như cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, chế biến, năng lượng xanh và tái tạo, công nghệ môi trường...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Đức, hoạt động thuận lợi và hiệu quả tại Việt Nam.

Trao đổi với Quốc vụ khanh nghị viện Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn Hạt nhân Schawarzelühr Sutter, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và nghị sỹ Đức đã thảo luận sâu nhiều nội dung liên quan đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các kế hoạch chi tiết nhằm thực thi chương trình Nghị sự 2030 của Hội nghị Paris về môi trường và biến đổi khí hậu.

Phía Đức cho biết sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa, tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên chung của hai nước như năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam hoàn thành thể chế, chính sách; thiết lập các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam về vốn, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, phát triển nguồn nhân lực. Hai bên thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải; quản lý đất đai; quản lý, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức. Do đó, hai bên cần hợp tác chặt chẽ, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như tăng cường đầu tư tại Việt Nam.

Liên quan ưu tiên phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị Đức hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển đường cao tốc, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc-Nam; phát triển đường sắt tốc độ cao; mở rộng, xây mới các cảng hàng không; nâng cấp hệ thống cảng biển.

Trao đổi với Quốc vụ khanh nghị viện Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức Hans-Joachim Fuchtel, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Nghị sĩ Đức đã thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, mở rộng việc cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án đào tạo nghề theo mô hình song hành, năng lượng tái tạo và môi trường (xử lý rác thải, bảo vệ đường bờ biển,…); cung cấp tín dụng ưu đãi cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, trong đó có sử dụng công nghệ Đức.

Tiếp đó, tại cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Đức, đại diện một số doanh nghiệp đề nghị chính phủ nên có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp Việt kiều về đầu tư trong nước; kiến nghị thành lập nhóm tư vấn gồm đại diện các bộ, ngành, Đại sứ quán và một số doanh nghiệp người Việt để nghiên cứu các dự án phù hợp với doanh nghiệp Đức, từ đó kêu gọi đầu tư một cách hiệu quả.

Các doanh nghiệp Việt kiều cũng kiến nghị chính phủ cần sớm triển khai các giải pháp nhằm tích cực, chủ động chuẩn bị khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành nghiên cứu triển khai và giải quyết các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp người Việt; khẳng định chính phủ sẽ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để mời gọi đầu tư của các doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài.

Sau các hoạt động tại Berlin, đoàn công tác đã đến thành phố Munich, bang Bavaria. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với Tập đoàn Siemens; thăm nhà máy sản xuất khu công nghiệp điện năng tái tạo; khảo sát khu công nghiệp và khu công trình cơ sở hạ tầng năng lượng, nhằm củng cố những quan hệ hợp tác sẵn có, đồng thời tìm hiểu sâu về tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của mỗi bên, cũng như khảo sát những giải pháp công nghệ phù hợp với Việt Nam.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-chinh-phu-trinh-dinh-dung-tham-va-lam-viec-tai-duc/407765.vnp)

.
.
.