Sản xuất lúa phía Đông: Hè thu kém vui, thu đông thêm áp lực
Hè thu được xem là vụ sản xuất lúa khó khăn nhất của năm. Vụ lúa này năm nay càng khó khăn hơn do hệ quả từ xâm nhập mặn năm 2015 - 2016 để lại; bệnh xuất hiện và gây hại trên lúa ở nhiều nơi.
KHÓ LỜI
Hiện nay, vụ lúa hè thu ở các huyện, thị phía Đông của tỉnh đang bắt đầu vào thu hoạch. Dù mùa vụ thu hoạch chưa kết thúc nhưng theo nhiều nông dân và ngành Nông nghiệp các địa phương khu vực này thì năm nay năng suất lúa thấp hơn so với vụ hè thu năm rồi.
Ông Huỳnh Văn Sáng, ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) cho biết, vụ hè thu này ông có 8 công ruộng trồng giống lúa VD20. Tuy hiện nay lúa của ruộng ông chưa thu hoạch nhưng qua trà lúa cho thấy năng suất giảm hơn năm rồi khoảng 20%.
Cụ thể, 4 công lúa đang giai đoạn chín dự kiến 10 ngày nữa thu hoạch có tỷ lệ lúa bị khô cổ bông khoảng 20 - 30%. “4 công còn lại, lúa đang trổ nên chưa biết năng suất thế nào. Dù vậy, tôi ước năng suất cũng chỉ khoảng 5 tấn/ha” - ông Sáng chia sẻ.
Các huyện, thị phía Đông của tỉnh đang thu hoạch lúa hè thu. |
Không riêng gì trà lúa của ông Sáng mà tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều cánh đồng lúa khác, chỉ có khác là tỷ lệ lúa bị bệnh ít hay nhiều. Trong đó, có những cánh đồng, bệnh khô cổ bông chiếm 50 - 60%.
Vừa gặt xong 2 công lúa của gia đình, ông Nguyễn Minh Hùng, ấp Hiệp Trị, xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) cho biết: “2 công lúa thơm nhẹ mùa này bị bệnh khô cổ bông chiếm 50 - 60% nên năng suất giảm 400 kg/công so với vụ hè thu năm rồi. Những diện tích xung quanh xuống giống cùng thời điểm với ruộng của tôi cũng đều bị bệnh như vậy. Chỉ có những diện tích xuống giống sau đó khoảng 10 ngày thì tỷ lệ bệnh có thấp hơn”.
Ông Hùng cũng cho biết, cùng với bệnh khô cổ bông, nhiều trà lúa vụ này còn có biểu hiện kém phát triển hơn mọi năm nên năng suất không thể cao được. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông đến đầu tháng 9 cũng đã cho thấy, qua các trà lúa đã thu hoạch, năng suất lúa tươi chỉ đạt từ 5,5 - 6 tấn/ha, thấp hơn so với vụ hè thu năm 2015.
Còn tại TX. Gò Công, ông Trần Minh Hoàng, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết, đến thời điểm này, lúa hè thu trên địa bàn thị xã đã thu hoạch khoảng 30% diện tích. Dự kiến đến ngày 9-9, thị xã sẽ cơ bản thu hoạch xong. Dù nhiều trà lúa còn đang thu hoạch, song qua đánh giá của ông Hoàng, các trà lúa vụ này phát triển chậm, năng suất giảm hơn vụ hè thu năm rồi khoảng 20%.
Lý giải về năng suất lúa hè thu giảm, ông Hoàng cho rằng, trong đợt hạn, mặn kỷ lục vừa qua, để cứu lúa, nông dân phải lấy nước có độ mặn cao vào ruộng. Sang vụ hè thu, dù nông dân đã tích cực tháo rửa đồng ruộng nhưng mặn vẫn còn lưu tồn trong đất đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển, cũng như năng suất lúa, nhất là những vùng ven đê. Mặt khác, trước tình trạng lúa phát triển chậm, nông dân tăng cường bón phân đạm đã làm cho bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại nhiều nơi.
Vụ hè thu hàng năm được xem là vụ lúa khó khăn nhất của năm ở vùng Ngọt hóa Gò Công (năng suất lúa thường không cao, chất lượng lúa thường thấp do lúa thường bị thiếu nước vào đầu vụ, mưa vào cuối vụ).
Thế nhưng, theo đánh giá của nông dân, vụ lúa này năm nay còn khó hơn. Năng suất lúa thấp nhưng chi phí lại tăng cao khiến cho người trồng lúa càng khó khăn hơn trong việc tái đầu tư cho vụ sau. “Chi phí trung bình tăng khoảng 20 - 30% nhưng năng suất giảm, giá lúa không cao, vụ lúa này nông dân khó trông mong có lời 30%” - nhiều nông dân bày tỏ.
ÁP LỰC THỜI VỤ
Hiện tại, lúa hè thu ở khu vực phía Đông của tỉnh đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Dù nhiều trà lúa còn đứng trên đồng nhưng nông dân đang phải đối mặt với áp lực xuống giống cho vụ lúa mới rất lớn để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 tiếp theo “né” mặn an toàn.
Ông Nguyễn Văn Quí cho biết, thời gian qua, ở những khu vực khó khăn về nước trên địa bàn huyện Gò Công Đông, nông dân đã chủ động không sản xuất vụ hè thu mà chỉ sản xuất vụ thu đông sớm. Đến nay, số diện tích thu đông sớm đã xuống giống 3.000 ha, đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, đẻ nhánh. |
Theo ghi nhận của chúng tôi, trên những cánh đồng vừa thu hoạch xong ở huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công, nông dân đã tiến hành làm đất và xuống giống.
Bà Cao Thị Anh, ấp Việt Hùng, xã Long Hòa (TX. Gò Công) cho biết, bà vừa thu hoạch 6 công lúa hè thu vào ngày hôm qua thì hôm nay đã tiến hành ngâm giống và làm đất để tranh thủ xuống giống lại vụ thu đông.
Bà Anh giải bày: “Nếu không có gì thay đổi thì khoảng mùng 6 âl tới tôi sẽ xuống giống. Đây cũng là thời điểm các ruộng lúa xung quanh cũng xuống giống. Năm nay, tôi nghe nói tình hình nước căng thẳng lắm nên nông dân ai nấy cũng tranh thủ xuống giống thu đông để vụ đông xuân tới không bị mặn gây hại như năm rồi”.
Ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, đến đầu tháng 9 này, trên địa bàn huyện đã thu hoạch khoảng 1.100 ha lúa, 2.500 ha đang giai đoạn chín chờ thu hoạch và trên 4.600 ha đang trổ.
Theo ông Quí, hiện nay, các trà lúa đang bước vào cao điểm thu hoạch và thời gian thu hoạch có thể kéo dài đến ngày 9-9. Trước áp lực thời hạn xuống giống vụ thu đông không nhiều nhằm đảm bảo cho thời vụ lúa đông xuân, ngành đã khuyến cáo, đối với những vùng có nhu cầu sản xuất tiếp vụ lúa thu đông và đông xuân, nông dân cần tranh thủ lắp vụ bằng cách thu hoạch đến đâu xuống giống đến đó và nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày.
Đối với những diện tích lúa thu hoạch quá muộn, ngành khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ thu đông mà chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác để đảm bảo cho sản xuất vụ lúa đông xuân an toàn.
NGÔ VĂN