Thứ Tư, 21/09/2016, 14:52 (GMT+7)
.

Thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ

Nghề nuôi tôm nước lợ nước ta có nhiều lợi thế, song quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, nhìn nhận con tôm chưa đúng vị trí, đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, để nghề nuôi tôm nước lợ phát triển bền vững trong thời gian tới, cần phải thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng để xây dựng hình ảnh con tôm Việt Nam. Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại TP. Bạc Liêu.

Thu hoạch tôm ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Thu hoạch tôm ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.

Đối diện với nhiều khó khăn

Từ đầu năm đến nay tình hình nuôi tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng El Nino, hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao làm tôm chậm lớn dễ bị dịch bệnh, gây thiệt hại nhiều vùng nuôi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, tính đến hết tuần đầu tháng 9-2016, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 660.000 ha; trong tình hình thuận lợi từ nay đến cuối năm dự kiến diện tích tôm nuôi đạt hơn 683.000 ha, sản lượng đạt trên 680.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn, mặn trong những tháng đầu năm, diện tích tôm nuôi ở ĐBSCL bị thiệt hại lên đến hơn 82.000 ha, tiến độ xuống giống nhiều vùng phải chậm lại so thời vụ cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh chưa có hiệu quả. Hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm nước lợ chưa đảm bảo, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Khó kiểm soát chất lượng giống thủy sản, giá thành tôm sản xuất trong nước cao hơn so với các nước sản xuất tôm như Ấn Độ, Thái Lan nên giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó tôm xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn với các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan còn quá nhiều.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Việt Nam nhưng các doanh nghiệp tôm Việt Nam lại đang bị đánh thuế chống bán phá giá tại thị trường này, còn thị trường tôm EU cũng gặp khó khăn do biến động tỷ giá. Tình trạng tôm bơm chích tạp chất, nhiễm kháng sinh, việc xuất khẩu tôm tiểu ngạch sang Trung Quốc không được kiểm soát chất lượng chặt chẽ cũng đang gây khó khăn, làm mất uy tín chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Về vấn nạn tôm bơm tạp chất, sử dụng chất cấm, Thanh tra Bộ NN& PTNT cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập nhiều đoàn kiểm tra. Trong tháng 8-2016, tại Bạc Liêu, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện một số vụ bơm tạp chất, trong đó một số điểm thu mua bơm tạp chất vào tôm còn chống đối cơ quan chức năng. Thực trạng này tồn tại do chính quyền cấp huyện, xã chưa làm hết trách nhiệm.

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao uy tín tôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, ông Như Văn Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) kiến nghị: Cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; buộc các nhà máy chế biến cam kết không thu mua tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất…

Bên cạnh đó, để phối hợp tốt và ngăn chặn dứt điểm vấn nạn bơm chích tạp chất, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị: Các cơ quan Thanh tra, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản… cần có cơ chế phối hợp và tiến hành kiểm tra đột xuất, đồng bộ với tất cả các tỉnh khi phát hiện phải có biện pháp mạnh xử lý hành vi vi phạm.

Đánh giá về ngành tôm nước lợ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Mô hình nuôi tôm nước lợ nước ta, cũng như vùng ĐBSCL, nhất là vùng bán đảo Cà Mau được đánh giá cao, ít tác động đến môi trường. Tuy nhiên, ngành tôm còn manh mún, phân tán nên khó quản trị, kiểm soát, năng suất thấp, dễ bị tổn thương. Ngành tôm phát triển chưa tương xứng tiềm năng có phần do nhìn nhận con tôm chưa đúng vị trí, đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu.

Do đó, để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu: Các ngành, các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm tôm Việt Nam trở thành thương hiệu Quốc gia và hướng đến hình thành ngành công nghiệp tôm. Mà muốn xây dựng hình ảnh con tôm Việt Nam thì không có con đường nào khác là phải đảm bảo chất lượng tôm.

Đồng thời, cần phải tăng cường kiểm soát chất lượng giống tại các vùng sản xuất con giống tập trung, để đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất; kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thông tin rộng rãi để người nuôi được biết.

Ngoài ra, cần phải rà soát, bổ sung quy hoạch, tìm ra lợi thế phát triển cho tôm ở từng địa phương, từng vùng và cả nước. Đề xuất các chương trình nghiên cứu khoa học, giải quyết những mặt còn yếu kém, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống, hình thành những trung tâm dịch vụ lớn.

Trước mắt, sản lượng tôm năm 2016 phải đảm bảo đạt 680.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD. Sau hội nghị, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập tổ xúc tiến lộ trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam do Thứ trưởng Vũ Văn Tám phụ trách.

THÀNH CÔNG

.
.
.