Thứ Hai, 31/10/2016, 10:04 (GMT+7)
.
Cánh đồng lớn: "Lớn" nhưng phải "bền"

Bài 1: Cánh đồng lớn đang "lớn" dần

Bài 1: Cánh đồng lớn đang "lớn" dần
Bài cuối: Giải pháp để Cánh đồng lớn thật sự "cứng cáp"

Theo báo cáo mới đây của Ban Điều hành Cánh đồng lớn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay đã xây dựng được 23 cánh đồng lớn (CĐL) với tổng diện tích trên 4.600 ha, một số mô hình đã cho năng suất cao hơn kiểu sản xuất thông thường từ 15 - 20% và nhất là bài toán doanh nghiệp (DN) “mua lúa gì, mua ở đâu và mua của ai”, còn nông dân “trồng giống gì, bán ở đâu và bán cho ai” từng bước đã tìm được lời giải từ các mô hình này.

Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy bán lúa cho Công ty TNHH Việt Hưng trong mô hình CĐL. Ảnh: Nguyễn Sự
Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy bán lúa cho Công ty TNHH Việt Hưng trong mô hình CĐL. Ảnh: Nguyễn Sự

TƯ DUY NÔNG DÂN THỜI HỘI NHẬP

Câu chuyện về CĐL không phải bây giờ mới kể mà hơn 5 năm trở lại đây, mô hình này đã từng bước được định dạng, mục đích là tìm hướng khắc phục việc nông dân luôn gặp khó khăn hễ cứ khi đến mùa thu hoạch thì y như là... giá trồi sụt theo hướng... “sụt nhiều hơn t­­rồi” do cứ phải phụ thuộc vào thương lái, kể cả những năm Chính phủ có chủ trương hỗ trợ mạnh về lãi suất cho phần vốn vay mua dự trữ lúa hàng hóa trong dân thì đồng tiền hỗ trợ này cũng khó tới tận tay nông dân mà chủ yếu nằm ở chỗ DN hoặc giỏi lắm là tới... thương lái thôi (quy định lúa phải có số lượng lớn và có hóa đơn mua bán hợp pháp... thì mới đủ điều kiện hưởng hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ, và trong thực tế cũng có DN không mặn mà với việc này do thủ tục nhiêu khê - như một lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một hội nghị triển khai chương trình mua tạm trữ lúa đã từng viện dẫn báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) rằng đã có tình trạng một số DN sau khi nhận chỉ tiêu và được hỗ trợ lãi suất đã viện đủ lý do để trả lại chỉ tiêu hoặc thu mua “cho có” khiến nông dân bán lúa gặp rất nhiều khó khăn), trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hàng năm đều có xu hướng tăng khiến nông dân gặp khó, chưa kể hễ năm nào thiên tai, hạn mặn, mưa bão xảy ra nghiêm trọng thì coi như năm đó nông dân trắng tay...

Xuất phát từ thực tế khó khăn trên, mô hình Cánh đồng mẫu lớn (sau này mới gọi là Cánh đồng lớn) được hình thành với mục tiêu ban đầu là giải quyết phần nào khó khăn cho nông dân trồng lúa. Thực tế cho thấy, ban đầu mô hình này khá là vất vả trong vận động nông dân tham gia, thậm chí trong cả cán bộ, công chức Nhà nước (là những người vốn được tiếp cận nhiều thông tin, nắm bắt các chủ trương, chính sách quan trọng) vẫn có những luồng ý kiến khác nhau về “tính khả thi” của CĐL, trong đó điểm mà nhiều người chưa an tâm là sự tự giác thay đổi về tư duy của nông dân vốn đã quen với kiểu làm ăn “truyền thống (?!)”. Thế nhưng, theo thời gian, cái gì đúng, tiên tiến thì sẽ được khẳng định theo quy luật của sự vận động phát triển: Mô hình Cánh đồng mẫu lớn đã thực sự khắc phục và phù hợp với các nhu cầu của nhiều địa phương (nhất là các huyện phía Tây), mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân và cũng từ các mô hình này, số lượng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi “tăng dần đều” hàng năm, đặc biệt, tư duy một bộ phận nông dân đã dần bắt kịp với kiểu làm ăn lớn thời hội nhập.

Một khảo sát gần đây cho thấy, khi tham gia vào CĐL, nông dân được hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật thay đổi cơ cấu giống lúa kém hiệu quả, đưa các giống lúa có năng suất và chất lượng cao gieo sạ đồng loạt cùng 1 giống, cùng 1 cánh đồng, giảm giá thành sản xuất từ 10 - 15%, giảm thất thoát sau thu hoạch 7%, tăng lợi nhuận từ 10 - 15% so với sản xuất truyền thống trước đây. Chính những lợi nhuận và quyền lợi được đảm bảo đã thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia vào mô hình này. Chính vì vậy, để chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới, tháng 10-2015, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 13/KH-BĐHCĐL ngày 1-10-2015 “Về xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2016” với kế hoạch triển khai thực hiện trong năm nay là 7.559 ha tại 9/11 huyện, thành, thị. Kết quả cho tới giờ này đã có 3 DN chủ lực tiếp tục gắn bó thực hiện liên kết sản xuất với nông dân (Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng và Công ty TNHH Tân Thành) xây dựng được 23 cánh đồng lớn với tổng diện tích 4.634 ha, có 5.320 hộ tham gia, đạt 61% kế hoạch đề ra, trong đó đứng đầu diện tích CĐL là xã Hậu Mỹ Trinh thuộc huyện Cái Bè với cánh đồng 500 ha; nhận thức nông dân trong chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao để phù hợp với thị trường của doanh nghiệp đã chuyển biến thấy rõ (11/23 mô hình đã tiến hành sản xuất lúa chất lượng cao)...Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp thì cho tới thời điểm này, diện tích DN thu mua đã đạt 3.166 ha, chiếm trên 2/3 so với diện tích đã ký hợp đồng, với sản lượng mua 32.444 tấn..., giá mua lúa (sau khi DN đầu tư giống, vật tư) dao động từ đầu vụ với các giống Jasmine 85 là 4.750 đồng/kg, IR50505 là 4.400 đồng/kg, Nàng Hoa 9 là 5.500 đồng/kg phù hợp giá thị trường, đặc biệt vào cuối vụ thì giá lúa có tăng thêm từ 100 - 200 đồng/kg tùy loại, nói chung là phần lớn nông dân ở các mô hình đều cho rằng cách làm này là “chấp nhận được”.

Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy thu hoạch lúa trong mô hình CĐL. Ảnh: Nguyễn Sự
Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy thu hoạch lúa trong mô hình CĐL. Ảnh: Nguyễn Sự

VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG ĐIỂM YẾU...

Tuy nhiên, nói như vậy không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Thực tế cho thấy, yếu tố thị trường lắm lúc cũng đã tác động đến suy nghĩ của một bộ phận nông dân tham gia mô hình. Theo Ban Điều hành CĐL tỉnh Tiền Giang, tại một số địa phương cũng đã xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng, thậm chí có nơi DN không mua được lúa tới trên 50% so với diện tích ký kết ban đầu, như ở 2 xã Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè), ở 2 xã Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Hạnh Trung (TX. Cai Lậy), xã Phước Lập (huyện Tân Phước), 2 xã Bình Xuân, Bình Đông (TX. Gò Công). Nguyên nhân chính là do không thỏa thuận được giá mua lúa (trong đó có cả yếu tố thương lái phá giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg, mặc dù giá này chỉ dành cho một số diện tích lúa tốt nhưng việc làm cạnh tranh không lành mạnh này cũng đã phần nào gây hiệu ứng tiêu cực trong các hộ tham gia mô hình). Đó là nguyên nhân chính. Ngoài ra còn có các sự việc xem ra có vẻ “trời ơi đất hỡi” như: Có trường hợp 2 bên chưa kịp thống nhất về thời gian định giá và thu hoạch thì không hiểu sao nông dân đã tự động bán ra ngoài, như tại xã Phú Cường (huyện Cai Lậy), nông dân tự ý bán ra bên ngoài cho thương lái với tổng diện tích khoảng 70 ha/180 ha ký với DN trước khi DN định giá mua lúa.

Hay về chất lượng lúa khi mua cũng đã có chuyện 2 bên chưa hiểu nhau xảy ra - câu chuyện này hơi dông dài một chút: Đã từng có dư luận nông dân hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty Lương thực tỉnh khi tham gia mô hình CĐL ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho rằng bị xử ép trừ 15 kg lúa/tấn, với lý do lúa bị ướt, nhưng ngay sau đó, vấn đề này đã được giải tỏa khi Công ty trưng ra hợp đồng ký với HTX Mỹ Trinh (đại diện cho nông dân Hậu Mỹ Trinh tham gia CĐL) thì DN có quyền không mua nếu lúa không đạt tiêu chuẩn và chất lượng quá kém như bị lên mộng hoặc độ ẩm ướt vượt quá 30%..., và nếu chiếu theo hợp đồng thì DN có quyền không mua để đảm bảo “an toàn” về phần mình, ấy thế nhưng như lời trần tình của lãnh đạo Công ty thì nếu làm vậy nông dân cũng sẽ thiệt hại rất lớn với phần sản lượng do “ông trời” đột ngột gây ra này. Do vậy, Công ty không thể ngoảnh mặt làm ngơ được và phải tiếp tục mua số lúa này và để đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên, HTX (nông dân) cũng phải chia sẻ một phần thiệt hại (trừ bớt) tỷ lệ phần lúa lên mộng từ 1 - 1,5%, tương ứng với trừ từ 10 - 15kg lúa/tấn cho DN - đây là sự cố khách quan do thời tiết, dẫn tới sự thỏa thuận ngoài hợp đồng theo hướng đôi bên cùng có lợi, cũng là cách làm linh động, có trước có sau giữa DN với nông dân…

Hoặc có nguyên nhân thuộc về hạ tầng, ví dụ như một lãnh đạo Công ty Lương thực cho biết, hiện nay DN đang rất muốn hướng vào hợp tác xây dựng CĐL ở các huyện, thị phía Đông bởi xác định khu vực này có thể phát triển gạo đặc sản và giá cũng có lợi cho cả DN và nông dân, tuy nhiên do hạ tầng cầu - đường chưa đồng bộ, dẫn đến hạn chế xe tải lớn đi lại vận chuyển, muốn đưa lúa gạo về kho tỉnh phải qua nhiều khâu trung chuyển bằng xe tải nhỏ, dẫn đến chi phí gia tăng…; hay “lỗi chủ quan” của DN như chủ yếu chỉ tập trung ký hợp đồng vụ đông xuân, các vụ còn lại diện tích ký hạn chế nên phần nào cũng chưa tạo được sự an tâm, tin tưởng của nông dân...

PHÙNG QUỐC ANH
(còn tiếp)

.
.
.