Thứ Tư, 19/10/2016, 15:57 (GMT+7)
.

Chật vật với cánh đồng lớn

Kết quả thực tế cho thấy, dù có nhiều nỗ lực nhưng tình hình thực hiện cánh đồng lớn (CĐL) trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh trong năm 2016 vẫn còn nhiều chật vật.

Thu hoạch lúa ở huyện Gò Công Tây.
Thu hoạch lúa ở huyện Gò Công Tây.

Theo đánh giá của Ban Điều hành xây dựng CĐL trên cây lúa, dù đạt được một số kết quả nhưng tình hình thực hiện CĐL trên cây lúa trong năm 2016 cũng chỉ đạt 61% kế hoạch (4.634/7.559 ha), với sự tham gia của 3 doanh nghiệp (DN): Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty Tân Thành và Công ty Lương thực Tiền Giang. Chưa kể số diện tích lúa được DN thu mua chỉ đạt tỷ lệ khoảng 63% so với số diện tích đã ký hợp đồng.

Còn nếu tính trên bình diện tổng thể, diện tích thực hiện CĐL trên cây lúa cũng chỉ chiếm 2,17% so với tổng diện tích gieo trồng, hàng năm tuy có tăng nhưng không nhiều và đang có khuynh hướng chậm lại. Trong khi đó, số DN tham gia xây dựng phương án CĐL còn rất ít, chỉ có 2/6 DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh tham gia.

Một trong những thực trạng đã và đang diễn ra là tại một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng và không mua lúa được trên 50% so với diện tích ký kết ban đầu. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn ra một số nguyên nhân chính của thực tế vừa qua là do không thỏa thuận được giá mua lúa giữa DN và nông dân hoặc thương lái phá giá cao hơn 100 - 200 đồng/kg nhưng chỉ mua một số diện tích lúa tốt; chưa thống nhất về thời gian định giá và ngày thu hoạch, chất lượng lúa khi mua và cả các yếu tố về vận chuyển lúa về nơi tập kết.

Bên cạnh đó, DN cập nhật, điều chỉnh còn chậm và chưa theo kịp biến động của thị trường; nông dân khi chưa nắm rõ giá thị trường có thay đổi tăng, vội bán cho thương lái mà không kịp thời thương thảo, đàm phán lại với DN để có sự thống nhất về giá, chưa tin tưởng DN, chưa coi trọng tính chất của hợp đồng liên kết...

Là một trong những DN tham gia thực hiện CĐL nhiều năm, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng phân tích, trong năm 2016 công ty đầu tư liên kết 1.168 ha và thu mua được 815 ha, đạt 70%. Theo đó, trong vụ đông xuân 2015 - 2016 diện tích lúa công ty ký kết hợp đồng ở 3 CĐL tại 3 xã của huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy, với diện tích thu mua 490 ha, đạt 89% kế hoạch.

Vụ 2 công ty ký kết 365 ha ở 3 CĐL, với diện tích lúa thu mua được 225 ha, đạt 61%, riêng CĐL ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) do chưa thống nhất về giá nên công ty không thể thu mua. Vụ 3 công ty ký kết hợp đồng với 253 ha ở 2 xã Mỹ Trung và Mỹ Hội (huyện Cái Bè) và thu mua được 100 ha, đạt 39%; trong đó công ty không thu được lúa ở xã Mỹ Hội do không thống nhất về giá và thời gian thu hoạch.

9.739 ha tham gia CĐL năm 2017

Đó là mục tiêu được Ban Điều hành xây dựng CĐL đưa ra, tăng 2.180 ha so với năm 2016 và dự kiến thực hiện ở 41 xã (9 huyện, thị). Mục tiêu thực hiện CĐL trong năm 2017 là: Tỷ lệ cơ giới hóa và sau thu hoạch đạt 100%; giảm giá thành sản xuất 10%, giảm thất thoát sau thu hoạch còn dưới 10%, tăng thu nhập từ 10 - 15% so với sản xuất theo tập quán truyền thống; sử dụng giống xác nhận, nguyên chủng đạt 100%; 70% diện tích và sản lượng trong CĐL được DN đầu tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Để đạt mục tiêu này, nhiều giải pháp cũng được đưa ra: Tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng tốt các hình thức hợp tác liên kết trong thực hiện CĐL đảm bảo hài hòa các lợi ích; CĐL phải được xây dựng ở vùng có cơ sở hạ tầng tương đối tốt; tiếp tục mời gọi các DN, tổ chức đại diện nông dân tham gia liên kết, xây dựng phương án CĐL...

Đánh giá của Công ty TNHH Việt Hưng cho thấy, một số địa phương thực hiện phương án CĐL có xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng không thu mua được lúa, nguyên nhân do thương lái thu mua giá cao hơn 100 - 200 đồng nhưng chỉ mua một số diện tích lúa có chất lượng tốt; đồng thời chưa thống nhất được thời gian thu hoạch cũng như chất lượng lúa thu mua.

“Trên thực tế, thực hiện CĐL còn tính rủi ro cao, mối quan hệ giữa DN và người nông dân chỉ được tuân thủ khi giá cả ổn định, còn khi thị trường có biến động giá lúa tăng, người nông dân tìm cách bán tháo không tuân thủ hợp đồng, phá vỡ nguồn cung nguyên liệu cho DN, ảnh hưởng đến kế hoạch cung ứng, xuất khẩu” - ông Nguyễn Văn Tám phân tích.

Sau 13 năm đơn vị tham gia thực hiện CĐL, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cũng cho rằng, việc thực hiện CĐL hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Phân tích thực trạng cho thấy, năm 2016 công ty ký hợp đồng trên 3.900 ha, tăng 48% so với năm 2015. Tổng chi phí công ty đầu tư ứng trước là 2,1 tỷ đồng (chưa tính tiền lãi trong 4 tháng công ty đầu tư).

Công ty đã thu mua được 8.700 tấn lúa, với tỷ lệ chỉ trên 60% diện tích đã ký hợp đồng. Một trong những khó khăn chính là việc xác định giá thị trường, vẫn còn tình trạng “cò” lúa ở địa phương kết nối với hàng xáo bên ngoài chọn một số lúa chất lượng tốt nâng giá lên để thu mua, tạo ra giá thị trường ảo; hầu hết HTX, tổ hợp tác kể cả hàng xáo lớn chưa có hệ thống sấy để tạo mối liên kết nên tạo áp lực cho công ty vào những thời điểm thu hoạch; những khu vực vùng sâu, vùng xa phải vận chuyển lúa qua nhiều công đoạn nên phát sinh thêm nhiều chi phí khi DN thu mua.

“Đối với công ty, hiệu quả thực sự từ việc thực hiện CĐL thời gian qua là chưa rõ nét do chi phí giá thành mua lúa tăng cao, phát sinh thêm từ 300 - 500 đồng/kg. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lượng DN tham gia thực hiện mô hình CĐL còn ít” - ông Lê Thanh Khiêm phân tích thêm.

PHƯƠNG ANH

Nhiều chính sách hỗ trợ khi tham gia CĐL

Theo Quyết định 24 của UBND tỉnh, nếu tham gia CĐL, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, nông dân sẽ được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và thông tin thị trường miễn phí liên quan đến sản phẩm tham gia CĐL (theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg); được hỗ trợ một lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng: Rau màu (giống F1), cây ăn quả có nguồn gốc rõ ràng), lúa (giống xác nhận) để gieo trồng vụ đầu tiên trong phương án CĐL.

Đối với cây lúa người nông dân được hỗ trợ 600.000 đồng/ha; rau màu trồng bằng hạt được hỗ trợ 850.000 đồng/ha, rau trồng bằng thân, củ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha. Đối với cây ăn trái như xoài, vú sữa, bưởi, nhãn, sầu riêng... được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/ha; thanh long 4,8 triệu đồng/ha, khóm 6 triệu đồng/ha; cam, sơ ri 2,7 triệu đồng/ha...

Nếu DN tham gia thực hiện CĐL, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng.

Chẳng hạn, Nhà nước hỗ trợ văn phòng phẩm, in ấn tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ lớp học 15.000 đồng/người/bộ tài liệu; chi nước uống cho học viên 15.000 đồng/người/ngày...

Đối với tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ 30% năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên với định mức của nông nghiệp. Mức hỗ trợ cụ thể đối với cây lúa là 1,2 triệu đồng/ha trong năm đầu và 800.000 đồng/ha năm thứ 2; đối với rau, củ, quả là 2 triệu đồng/ha trong năm đầu và 1,3 triệu đồng năm thứ 2; đối với  cây ăn trái gồm xoài, thanh long, sầu riêng, vú sữa... với mức 2 triệu đồng/ha năm đầu và 1,3 triệu đồng/ha năm thứ 2...

 

.
.
.