Doanh nghiệp là động lực cho sự phát triển kinh tế
Ngày 13-10-1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Bức thư có đoạn viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”.
Cũng chính từ ý nghĩa đó, ngày 20-9-2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13-10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam hàng năm, sự đóng góp của giới doanh nhân, doanh nghiệp (DN) đã được biểu dương ghi nhận thông qua các hoạt động tuyên dương như danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, doanh nhân khối địa phương tiêu biểu, DN xuất khẩu uy tín.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng trao Bằng khen cho các doanh nhân Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. |
Ngay trên địa bàn tỉnh, hàng năm UBND tỉnh đều tổ chức họp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam và khen thưởng những DN, doanh nhân có nhiều đóng góp cho địa phương. Kể từ ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 ra đời, có rất nhiều doanh nhân trên địa bàn tỉnh được tuyên dương Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, nhiều DN cũng đã được Trung ương và tỉnh khen thưởng
Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ra đời được giới doanh nhân trông đợi như một sự khẳng định về định hướng phát triển DN trong thời kỳ mới, đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết đối với việc khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ doanh nhân, là một cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
Nổi bật trong Nghị quyết là quan điểm xây dựng môi trường sản xuất - kinh doanh (SXKD) bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân; tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh. Đồng thời, nghị quyết khẳng định tạo điều kiện để các DN tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các DN Nhà nước…
Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây DN, doanh nhân đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của giới doanh nhân, DN, nhất là sau khi Việt Nam đi chung guồng máy của kinh thế thế giới, đã góp phần thay đổi diện mạo của đất nước và tỉnh nhà.
Đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, đội ngũ doanh nhân khu vực DN Nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng trưởng thành; đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đông đảo, năng động, tham gia đầu tư kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, với nhiều mô hình SXKD tiên tiến, đa dạng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với tiêu thụ, chế biến nông sản của nông dân và xuất khẩu hàng hóa.
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 6.098 DN với tổng vốn đăng ký trên 53.497 tỷ đồng; trong đó 3.791 DN còn hoạt động. Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng đóng góp của DN trong GDP đã tăng lên từ 19,2% năm 2010 lên 30% vào năm 2015; mức đóng góp cho ngân sách của các DN tư nhân hàng năm đều tăng, từ 730 tỷ đồng năm 2010 lên 1.000 tỷ đồng năm 2015; đóng góp tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 5,32 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,9%/năm... Những con số này cũng phần nào lý giải vì sao DN được xem là động lực phát triển kinh tế của cả nước nói chung và của Tiền Giang nói riêng.
Doanh nghiệp cần tham gia vào Hiệp hội để được chia sẻ thông tin, cơ hội kinh doanh. |
Nhưng cũng phải công bằng mà nói, bên cạnh những con số đóng góp, hoạt động của đội ngũ doanh nhân, DN trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế như đa số DN có quy mô nhỏ, chưa có nhiều thương hiệu đủ sức cạnh tranh trong khu vực; mối liên hệ liên kết giữa doanh nhân, DN chưa mạnh; khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế còn thấp.
Một khía cạnh khác là bên cạnh những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế còn phải chú trọng trách nhiệm xã hội của doanh nhân, DN đối với cộng đồng, xã hội. Phần nhiều doanh nhân, DN thời gian qua đã thể hiện tốt nhưng cũng không ít DN không chú trọng, hay cố tình bỏ lơi trách nhiệm của mình. Đó là trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, trách nhiệm với người lao động, trách nhiệm với người tiêu dùng…
Thực tế đã cho thấy, không ít doanh nhân, DN đã “bỏ quên” trách nhiệm của mình. Bằng chứng là có DN cố tình gây ô nhiễm môi trường, bị ngành chức năng xử lý nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành; không ít DN chay ỳ hay cố tình nợ thuế, trốn thuế, gian lận thuế với hành vi rất tinh vi; không ít DN phớt lờ chính sách đối người lao động để dẫn đến tình trạng đình công, lãng công; rồi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả nhan nhãn khắp nơi…
Môi trường SXKD hiện nay đang chuyển dần theo hướng công khai, công bằng và thông thoáng. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể SXKD bằng mọi giá, chỉ chạy theo mục tiêu lợi nhuận. Một môi trường kinh doanh thông thoáng gắn với cơ chế xử lý nghiêm minh đối với những hành vi gian lận, vi phạm pháp luận là điều nên làm. Nhờ đó mới tạo nền tảng cho sự phát triển một cách bền vững. Đó không chỉ là việc tuân thủ pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức trong SXKD.
Trước thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh đã chia sẻ rằng: Nói chung làm kinh doanh, DN luôn luôn phải đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn, nhân lực, cạnh tranh sản phẩm trên thị trường... Muốn tồn tại và phát triển, mỗi DN cần có cách để vượt qua những khó khăn đó, cần xác định đâu là khó khăn trước mắt, đâu là khó khăn lâu dài. Các DN trên địa bàn tỉnh cũng nên mạnh dạn tham gia vào hiệp hội để được cung cấp thông tin tốt hơn, hòa nhập được nhanh hơn để hạn chế những rủi ro. DN nên tận dụng những yếu tố có được để xử lý tốt mọi hoạt động SXKD một cách tốt nhất.
ANH PHƯƠNG