Thứ Tư, 12/10/2016, 15:16 (GMT+7)
.

Giải pháp khắc phục sạt lở ở các huyện phía Tây

Những năm qua, sạt lở ven sông, kinh, rạch ở các huyện, thị phía Tây  của tỉnh diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp hơn, ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh khu vực này. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này là câu hỏi đặt ra cấp thiết hiện nay.

TĂNG VỀ SỐ LƯỢNG VÀ MỨC ĐỘ NGUY HIỂM

Theo Sở NN&PTNT, Tiền Giang là vùng đất mới phát triển do phù sa bồi đắp nên nền đất yếu, cộng với chịu ảnh hưởng của thủy triều dẫn đến xói bồi theo quy luật tự nhiên. Mật độ kinh, rạch dày đặc với nhiều ngã ba, ngã tư rất dễ xảy ra xói lở (những vị trí này dòng chảy dễ đạp thẳng vào bờ).

Dòng chảy và thủy triều lên xuống dễ gây xói lở lòng dẫn (khi dòng chảy có vận tốc lớn hơn vận tốc khởi động bùn cát của lòng dẫn), làm cho mái bờ bị suy giảm, mất ổn định dẫn đến sạt lở. Đặc biệt, dưới tác động của con người như sóng thuyền bè; hoạt động neo đậu của tàu, thuyền; xây dựng nhà cửa, để hàng hóa, xây dựng đê bao, hạ tầng… làm tăng gia tải lên mái bờ sông, kinh, rạch là những nguyên nhân gây ra sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.

Sạt lở bờ sông, kinh, rạch khu vực phía Tây diễn biến ngày càng phức tạp.
Sạt lở bờ sông, kinh, rạch khu vực phía Tây diễn biến ngày càng phức tạp.

Trước tình hình sạt lở gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp xử lý sạt lở bảo vệ dân sinh, sản xuất như kè bê tông cốt thép; kè rọ đá; đóng cừ, đắp đất; dựng rào, thả lục bình chắn sóng.

Thế nhưng do kinh phí khó khăn, việc áp dụng các biện pháp công trình có quy mô, độ bền cao vào xử lý rất hạn chế, chủ yếu áp dụng các biện pháp công trình bảo vệ dân gian nên sau vài năm xử lý sạt lở lại tái diễn. Trong khi đó, sạt lở vẫn tiếp tục phát sinh ở những nơi khác.

Theo các chuyên gia về thủy lợi, tình hình sạt lở bờ sông, kinh, rạch không chỉ xảy ra ở Tiền Giang mà xảy ở hầu hết các tỉnh, thành khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở và nguyên nhân xảy ra sạt lở ở từng nơi cũng khác nhau.

Do vậy, chỉ khi nào tìm được chính xác nguyên nhân gây ra sạt lở, chúng ta mới có thể xử lý hiệu quả. TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng cần phải khảo sát đầy đủ về địa hình, địa chất và thủy văn - thủy lực phục vụ công tác thiết kế công trình xử lý..., trong đó phải thu thập các diễn biến lòng dẫn và dự báo diễn biến lòng dẫn trong tương lai mới đảm bảo an toàn cho công trình theo thời gian.

HỆ THỐNG CẢNH BÁO VÀ GIẢI PHÁP THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, nguy hiểm, trong khi các biện pháp xử lý truyền thống có ưu thế về chi phí thấp nhưng không bền, còn các giải pháp kè bê tông cốt thép đòi hỏi kinh phí cao khó có thể thực hiện rộng rãi.

Giải pháp nào cho khắc phục sạt lở khu vực phía Tây? PGS.TS Trịnh Công Vấn, Viện trưởng Viện Đổi mới công nghệ Thủy lợi Mekong, cho rằng việc sạt lở kinh, rạch xảy ra ở Tiền Giang là chuyện bình thường do nằm trong vùng đất yếu đang trong quá trình phát triển. Vấn đề quan tâm ở chỗ là sạt lở xảy ra ở nơi có dân cư, có công trình xây dựng nên rất nguy hiểm. Khắc phục sạt lở, tỉnh không thể xử lý tất cả điểm sạt lở bằng giải pháp “cứng” do quá tốn kém mà chỉ áp dụng ở những nơi đông dân cư, nơi có công trình quan trọng.

Theo ông, tỉnh nên hướng đến các giải pháp xử lý ít tốn kém hơn, thân thiện môi trường và quan trọng nhất là người dân, cộng đồng có thể tham gia. “Thời gian qua, Viện Đổi mới công nghệ Thủy lợi Mekong đã triển khai một số mô hình ứng dụng công nghệ thảm cát kết hợp với bao cát sinh thái để phục hồi đoạn sạt lở bờ kinh, bờ sông trên địa bàn tỉnh cho hiệu quả khá tốt.

Giải pháp này được nghiên cứu, phát triển trên cơ sở cách làm truyền thống lâu nay của người dân trong phòng, chống sạt lở. Giải pháp có chi phí hợp lý, độ bền tốt, người dân dễ tham gia, tỉnh có thể áp dụng vào xử lý sạt lở trên địa bàn trong thời gian tới” - PGS. Trịnh Công Vấn đề xuất.

Nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống sạt lở

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, trong phòng, chống sạt lở, công tác phòng sạt lở gắn với cộng đồng rất quan trọng. Muốn vậy, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về chủ động phòng, chống sạt lở; đồng thời, hạn chế tiến đến ngăn chặn các hoạt động lấn chiếm sông và hành lang bờ sông, kinh, rạch; khai thác cát trái phép trên sông…

“Thực tế, hiện nay không thiếu các giải pháp, công nghệ cũng như kinh nghiệm xử lý sạt lở trong và ngoài nước nhưng vấn đề đặt ra là chọn những giải pháp nào vừa đảm bảo được yếu tố bền vững, an toàn và giá hợp lý” - TS. Trần Nguyễn Hoàng Hùng (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề.

TS. Hùng cho rằng những giải pháp truyền thống áp dụng lâu nay tuy có chi phí thấp nhưng thiếu bền vững. Có nhiều giải pháp tính an toàn và bền vững cao nhưng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.

Kinh nghiệm cho thấy, sạt lở xảy ra có nhiều nguyên nhân nên việc xử lý cũng đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ. Vì thế, chúng ta có thể kết hợp giữa công nghệ ngoài nước với trong nước để chi phí xử lý không quá cao nhưng vẫn đảm bảo độ bền.

Trong đó, các giải pháp đòi hỏi phải được đầu tư đồng bộ mới đảm bảo độ bền công trình. Song song với đó, theo TS. Hùng, để quản lý, khắc phục tốt sạt lở cần có hệ thống dự báo, cảnh báo sớm với độ chính xác cao. Trong điều kiện của tỉnh, chúng ta chỉ cần xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo sớm sạt lở tại những nơi đông dân cư, công trình quan trọng.

NGÔ VĂN

.
.
.