Hiệu quả của mô hình kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm
Sạp thịt heo Nam - Yến (chợ Thạnh Trị, phường 4, TP. Mỹ Tho) và sạp thịt Chế Phích (chợ Mỹ Tho, tọa lạc phường 1) được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho chọn làm điểm xây dựng mô hình “kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” (khai trương trong tháng 1-2016), được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng nhân rộng mô hình này.
Sau khi kiểm tra nước tiểu âm tính với Salbutamol, heo được phép xuất chuồng. |
Tiên phong thực hiện mô hình
Anh Trần Hoàng Nam, chủ cơ sở Nam - Yến cho biết, anh gắn bó với nghề bỏ mối thịt heo đến nay gần 20 năm. Mỗi ngày cơ sở của anh tiêu thụ khoảng 1,3 - 1,4 tấn thịt heo thương phẩm các loại, trong đó lượng thịt bán lẻ tại sạp Nam - Yến khoảng 300 - 400 kg/ngày, số còn lại anh cung ứng cho sạp thịt Chế Phích và trên 50 quán ăn (cơm, hủ tiếu...), cơ sở sản xuất nem, chả lụa… thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho.
Khi nhận được thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho về việc chọn một số sạp thịt ở chợ Thạnh Trị làm điểm xây dựng mô hình “kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm”, vợ chồng anh không những tiên phong trong việc đăng ký thực hiện mô hình điểm, còn vận động mẹ ruột anh - chủ sạp thịt Chế Phích cùng tham gia mô hình.
Theo anh Nam, khi tham gia mô hình điểm, cơ sở của anh có nhiều thuận lợi như: Trước đó, anh đã thiết lập mối quan hệ ổn định với trên 80 hộ chăn nuôi heo ở một số địa phương trong tỉnh (xã Phú Phong, huyện Châu Thành; xã Thới Sơn và Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) và ngoài tỉnh (Bến Tre) thông qua cung ứng thức ăn, thuốc thú y cho hộ chăn nuôi;
Đồng thời bao tiêu đầu ra (heo hơi) với mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường nên anh có điều kiện vận động các hộ này cùng tham gia mô hình, cũng như có nhiều thuận lợi trong việc vận động bà con không sử dụng chất cấm, đảm bảo thời gian ngưng sử dụng kháng sinh trước khi xuất chuồng…
Bà Chung Khánh, chủ tiệm hủ tiếu - bánh cam (phường 5, TP. Mỹ Tho) nhận xét: “Anh Nam cung cấp thịt cho tiệm của tôi đã hơn 10 năm nay. Mỗi ngày tiệm của tôi tiêu thụ từ 40 - 50 kg (gồm thịt nạc, xương cổ, sườn chéo, sườn ống). Thịt do cơ sở của anh Nam cung cấp luôn đảm bảo chất lượng, tươi ngon, đặc biệt được kiểm soát chất cấm nên tôi rất yên tâm. Bởi vì, đảm bảo sức khỏe của thực khách là ưu tiên hàng đầu của tiệm chúng tôi”. |
Kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra
Ông Hồ Tấn Nhã, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Mỹ Tho cho biết, kể từ khi triển khai mô hình “điểm kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” đầu tiên (Nam - Yến và Chế Phích cũng là mô hình đầu tiên của cả nước) vào tháng 1-2016, đến nay trên địa bàn TP. Mỹ Tho đã phát triển thêm 8 điểm; trong đó chợ Thạnh Trị hiện có 2 điểm, chợ Mỹ Tho 8 điểm.
Do lượng heo tiêu thụ của cơ sở anh Nam tương đối ổn định (khoảng 20 heo hơi mỗi ngày) nên mỗi ngày Trạm đều cử cán bộ thú y đến kiểm tra mẫu nước tiểu của đàn heo tại hộ chăn nuôi trước khi xuất chuồng.
Theo ông Nhã, nước tiểu heo sau khi lấy được phân tích định tính bằng kit thử nhanh để kiểm tra chất Salbutamol (tạo nạc, bung đùi).
Nếu kết quả âm tính (không chứa Salbutamol), cán bộ thú y sẽ lập biên bản có chữ ký xác nhận của chủ hộ và cho phép xuất chuồng (ngược lại, nếu kết quả dương tính, không xác nhận cho xuất chuồng); đồng thời tiến hành đóng dấu lửa lên lưng heo (thay cho đeo thẻ tai như trước đây) để xác nhận đã kiểm tra mẫu nước tiểu âm tính với Salbutamol.
Heo hơi sau đó được đưa vào lò giết mổ tập trung được chỉ định (Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Mỹ Chánh) để chờ giết mổ. Tại thời điểm này, cán bộ thú y tiếp tục theo dõi, kiểm tra lâm sàng đàn heo hơi và dấu lửa xác nhận xuất chuồng.
Sau khi giết mổ xong, cán bộ thú y tiến hành kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ, chủ sạp vận chuyển thịt đến sạp để bán hoặc giao cho khách hàng. Trong quá trình bán, “điểm kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” vẫn được cán bộ thú y cũng như Ban Quản lý chợ đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Xây dựng quy trình an toàn tiến tới hoàn thiện chuỗi VietGAHP
Anh Huỳnh Văn Tài, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi heo xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) cho biết, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chức năng, THT được thành lập (có 15 tổ viên) và đi vào hoạt động đã hơn 3 tháng.
Tổng đàn heo của THT hiện có khoảng 1.000 con. Mỗi tháng, THT tổ chức họp tổ viên 1 lần để trao đổi kinh nghiệm và được cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Mỹ Tho, Công ty sản xuất thức ăn lồng ghép tổ chức tập huấn quy trình, kỹ thuật chăn nuôi heo an toàn sinh học; hướng dẫn cách ghi chép sổ nhật ký chăn nuôi (sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh…), vệ sinh chuồng trại và được giải đáp một số thắc mắc về kỹ thuật phòng, trị bệnh cho heo…
TS. Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục đang hướng dẫn THT Chăn nuôi heo xã Thới Sơn xây dựng mô hình ứng dụng VietGAHP, 1 công đoạn quan trọng trong chuỗi, góp phần cung ứng nguồn thực phẩm an toàn. Hiện cơ quan Thú y đã phối hợp với huyện Cai Lậy khai trương “điểm kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm” ở chợ Cẩm Sơn; đồng thời đang phối hợp triển khai ở huyện Chợ Gạo và tiếp theo là các huyện, thị còn lại trong tỉnh. |
Theo anh Tài, thời gian qua, các tổ viên của THT đều áp dụng quy trình chăn nuôi heo an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. Kết quả kiểm tra mẫu nước tiểu trên tất cả đàn heo hơi xuất chuồng của tổ viên đều không chứa chất cấm.
Nguồn heo hơi này được anh Nam bao tiêu, đưa vào lò giết mổ tập trung theo quy trình nghiêm ngặt nên thịt heo cung ứng cho khách hàng đảm bảo được kiểm soát chất cấm.
Được biết, theo đề xuất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NN&PTNT đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho THT chăn nuôi heo xã Thới Sơn xây dựng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP.
Hiện đơn vị tư vấn đã phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Mỹ Tho khảo sát chuồng trại chăn nuôi, sau đó sẽ tổ chức tập huấn cho tổ viên cách ghi sổ nhật ký chăn nuôi, hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian ngưng thuốc theo khuyến cáo, hướng dẫn của nhà sản xuất…
Anh Lê Thanh Khải, đại diện Công ty tư vấn QSS (TP. Cần Thơ) nhận xét: Do các hộ chăn nuôi đã được cơ quan Thú y hướng dẫn ban đầu nên khi chuyển sang VietGAHP sẽ có thuận lợi hơn. Qua khảo sát cho thấy, một số hộ chỉ cần bố trí nơi bảo quản thức ăn, thuốc thú y cách ly với chuồng trại, có hố sát trùng… là cơ bản đạt yêu cầu.
Được sự hỗ trợ của cơ quan Thú y và đơn vị tư vấn, THT chăn nuôi heo xã Thới Sơn đang tích cực vận động tổ viên xây dựng quy trình chăn nuôi heo an toàn để được cơ quan chức năng thẩm định và công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, tiến tới hoàn thiện chuỗi VietGAHP theo hướng đảm bảo an toàn từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, phân phối, tiêu thụ… nhằm góp phần tạo ra vùng nguyên liệu thịt heo đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm - một vấn đề mang tính thời sự đang được cơ quan chức năng, người tiêu dùng và xã hội đặc biệt quan tâm.
HUỲNH VĂN XĨ
Huyện Chợ Gạo: 14 điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm Ngày 6-10, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chợ Gạo triển khai thực hiện mô hình điểm bán thịt heo được kiểm soát chất cấm cho 14 hộ kinh doanh sạp thịt heo, trong đó có 1 điểm bán tại chợ trung tâm huyện, 5 điểm bán tại chợ khu III thị trấn Chợ Gạo và 8 sạp thịt heo tại chợ An Thạnh Thủy.
14 điểm bán thịt heo được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kiểm tra chất cấm, giám sát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi tại hộ dân đến khi mổ thịt tại cơ sở giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ. Trong quá trình bán, các sạp thịt heo này được cán bộ thú y thường xuyên theo dõi để đảm bảo nguồn thịt bán cho người tiêu dùng đã qua kiểm định không có chất cấm Salbutamol. NGỌC DUYÊN |