Thứ Hai, 10/10/2016, 14:08 (GMT+7)
.

Hướng đi nào cho nông nghiệp huyện cù lao?

Biến đổi khí hậu đang gây áp lực lên cây trồng, vật nuôi truyền thống ở huyện Tân Phú Đông. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng thích ứng với điều kiện thời tiết, thủy văn hiện tại và tương lai nơi vùng cù lao giáp biển đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông rất quan tâm.

Cây mãng cầu Xiêm được các chuyên gia khuyến khích mở rộng diện tích trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.
Cây mãng cầu Xiêm được các chuyên gia khuyến khích mở rộng diện tích trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.

Cách đây không lâu, cơ cấu sản xuất chủ yếu của Tân Phú Đông (chủ yếu là nông nghiệp) là con tôm - cây dừa và cây lúa. Ngoài ra, trong chăn nuôi, con heo được người dân quan tâm lựa chọn. Thế nhưng, hiện nay cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện đã có sự thay đổi.

Trong trồng trọt, cây mãng cầu Xiêm, cây sả đang được người dân quan tâm trồng với diện tích không ngừng mở rộng. Dù không có sự chuyển dịch và phát triển mạnh mẽ như lĩnh vực trồng trọt nhưng chăn nuôi cũng đang phát triển theo hướng những vật nuôi chịu khô hạn tốt, tận dụng thức ăn từ tự nhiên.

Ông Lê Trần Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh, cho biết những năm gần đây, xâm nhập mặn kéo dài, độ mặn cao dẫn đến mặn lưu tồn trong đất lâu hơn, thời gian nước ngọt phục vụ cho sản xuất càng ít lại nên việc trồng những cây truyền thống trước đây như cây lúa ngày càng khó khăn hơn, rủi ro cao.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, cây mãng cầu Xiêm thích nghi tốt với vùng đất cù lao, hiệu quả mang lại khá cao nên cần được tiếp tục mở rộng diện tích đến mức có thể trên địa bàn Tân Phú Đông. Ngoài ra, ở những vùng đất pha cát trên địa bàn có thể phát triển cây mãng cầu Ta. Các chuyên gia còn cho rằng, Tân Phú Đông cần đẩy mạnh phát triển cây sả thay dần cây lúa, phát triển mô hình tôm - lúa bền vững ở khu vực phía Đông của huyện.      
 

Chính vì thế, thời gian qua, người dân đã đẩy mạnh đưa cây sả trồng trên nền đất lúa. Mặc dù khả năng chịu hạn không tốt bằng cây sả nhưng những năm qua, cây mãng cầu Xiêm cũng đã cho thấy khả năng thích ứng trên đất cù lao và cho thu nhập rất cao nên cũng bắt đầu được người dân lựa chọn thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả. “Năm 2015, xã xuống giống 739 ha lúa nhưng năm nay đến giờ này chỉ xuống giống 426 ha.

Số diện tích giảm này chủ yếu chuyển sang trồng sả và một số trồng mãng cầu Xiêm. Nếu nước mặn tiếp tục xâm nhập sớm, mưa thất thường như vài năm trở lại đây, khả năng người dân sẽ chuyển hết diện tích lúa còn lại sang trồng sả.

Trước mắt, để hạn chế rủi ro cho cây lúa, xã khuyến cáo người dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa trong năm, chuyển đổi diện tích lúa ở những vùng khó khăn về nước sang lên liếp trồng cây sả” - ông Lâm cho biết.

Việc mở rộng diện tích cây trồng có khả năng chịu hạn tốt cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở các xã: Tân Phú, Phú Đông, Tân Thạnh. Không phải ngẫu nhiên cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở huyện cù lao lại có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong vài năm qua.

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do những năm gần đây mặn đến sớm hơn, rút chậm; mưa nắng diễn biến bất thường gây nhiều khó khăn, tăng rủi ro cho những cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt, chủ yếu là cây lúa. Việc chuyển hướng dần những cây sử dụng nhiều nước sang những cây ít sử dụng nước, chịu được khô hạn tốt được người dân quan tâm lựa chọn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, cho biết khi thành lập huyện, diện tích mãng cầu Xiêm rất ít nhưng đến nay đã lên đến 890 ha. Còn cây sả xuất hiện trên địa bàn chưa lâu, vậy mà đến nay đã phát triển lên khoảng 1.000 ha (trồng dưới chân ruộng 500 ha).

Có thể nói, trước diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là hạn gay gắt, mặn xâm nhập kéo dài, 2 cây trồng này đã phát huy tác dụng. Hiện nay, cây sả và mãng cầu Xiêm là 2 cây trồng có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả nhất ở Tân Phú Đông.

Đề nghị hỗ trợ diện tích lúa thu đông bị thiệt hại

Huyện Tân Phú Đông vừa đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ diện tích lúa thu đông năm 2016 bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn, mặn. Theo đó, trong vụ lúa thu đông vừa qua, toàn huyện có trên 256,6 ha bị thiệt hại (gần 172,5 ha thiệt hại trên 70%, trên 84 ha thiệt hại từ 30 - 70%).

Trên cơ sở khuyến cáo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp, huyện Tân Phú Đông đề xuất tỉnh xem hỗ trợ những diện tích lúa xuống giống trong lịch thời vụ bị thiệt hại.

Cụ thể, huyện đề xuất tỉnh hỗ trợ trên 18,5 ha lúa xuống giống trong lịch thời vụ bị thiệt hại trên 70% trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông với số tiền trên 37 triệu đồng; hỗ trợ trên 368 triệu đồng cho gần 220 ha lúa bị thiệt hại trong mô hình tôm - lúa (trong đó trên 148,5 ha thiệt hại trên 70%, trên 71 ha bị thiệt hại từ 30 - 70%).

N.VĂN

Trong khi đó, hiệu quả cây lúa càng xuống thấp. Chính từ lẽ đó, huyện đã có chủ trương giảm dần diện tích lúa đến năm 2020 xuống còn khoảng 100 ha (trước đây khoảng 1.800 ha).

Số diện tích lúa giảm này chuyển sang trồng sả hay mãng cầu Xiêm. Trong đó, diện tích mãng cầu Xiêm được định hướng phát triển đến năm 2020 lên đến 1.250 ha.

Ngoài ra, trong chăn nuôi, huyện khuyến khích phát triển đàn heo, bò, trâu, dê để vừa tận dụng thức ăn tự nhiên, vừa có khả năng chịu khô, hạn tốt.

Riêng đối với cây dừa, đây là cây trồng truyền thống chịu hạn tốt nên huyện chủ trương ổn định diện tích gắn với đẩy mạnh cải tạo vườn để nâng năng suất, chất lượng trái dừa.

Khi mới thành lập huyện, thủy sản được xác định là kinh tế mũi nhọn của huyện cù lao. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi thủy sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng cù lao giáp biển có nguồn nước mặn, lợ dồi dào.

Nguyên nhân là do chất lượng con giống, dịch bệnh trên thủy sản chưa được quản lý tốt. Từ đó, ông Hải cho biết, huyện chủ trương ổn định diện tích nuôi thủy sản hiện tại; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; quản lý giống thủy sản; định hướng sản xuất mô hình tôm - lúa (hiện 550 ha) theo hướng nâng cao chất lượng giống lúa 1 vụ bằng cách đẩy mạnh trồng những giống chịu phèn, mặn tốt, chất lượng cao để nâng giá trị.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện đang có định hướng phát triển cây chanh trên vùng đất cù lao trong thời gian tới. Đồng thời, huyện chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông, thủy sản theo hướng VietGAP gắn với đầu ra.

“Đầu ra cây sả đang rất khả quan. Hiện nay, trên địa bàn có cơ sở chiết xuất tinh dầu sả. Do đó, ngoài bán củ sả, người dân còn có thể bán lá sả để chiết xuất tinh dầu. Từ đây, cây sả có điều kiện phát triển ổn định hơn trong thời gian tới” - ông Hải  cho biết. 

NGÔ PHÚ ĐÔNG

.
.
.