Thứ Hai, 31/10/2016, 10:05 (GMT+7)
.
Khi lũ không về…

Bài cuối: Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề

Bài 1: Thiên nhiên không còn hào sảng
Bài cuối: Nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề

“Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không còn là vùng đất trù phú” - đó là nhận định chung của nhiều nhà khoa học. Sau 3 năm liên tiếp (2014 - 2016) vắng lũ, hạn, mặn lại hoành hành nghiêm trọng. Đỉnh điểm là trận hạn, mặn mùa khô năm 2016 đã gây thiệt hại nghiêm trọng: Hàng trăm ngàn ha lúa, mía, hoa màu, diện tích nuôi tôm, cây ăn trái thiệt hại nghiêm trọng. Lũ không về sẽ có tác động không nhỏ đến nền nông nghiệp ĐBSCL và đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của vùng đất này.

Lũ không về, người dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống vụ lúa đông xuân 2016 - 2017.
Lũ không về, người dân huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống vụ lúa đông xuân 2016 - 2017.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) và đặc biệt là nước biển dâng có tác động rất lớn đến khu vực ĐBSCL. Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra xu thế thay đổi dòng chảy từ thượng lưu là rất bất lợi đến ĐBSCL. Lũ liên tục thấp từ năm 2003 - 2010 và từ năm 2012 đến nay; diễn biến hạn và xâm nhập mặn các năm 2015 và 2016 đã nói lên điều đó.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, diễn biến nguồn nước lũ về ĐBSCL những năm gần đây cho thấy có những thay đổi rất lớn, dòng chảy mùa lũ ở các đập thủy điện Trung Quốc chảy xuống hạ lưu còn thấp hơn so với dòng chảy mùa khô. Diễn biến mực nước tại Jonghong (Trung Quốc) còn thấp hơn cả mực nước mùa khô, điều đó chứng tỏ phần lớn dòng chảy lũ đã tích lại ở các hồ thủy điện. Tiến sĩ Tô Quang Toản, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, quá trình lũ các năm gần đây cũng có những thay đổi khác thường. Cụ thể, năm 2014 đỉnh lũ lớn xuất hiện trước đỉnh lũ nhỏ, trái với quy luật đã thấy. Lũ được xem là xuất hiện muộn hơn đến cả nửa tháng so với trước đây và thời gian lũ nhỏ là ngắn lại, đặc biệt năm 2013 và 2015.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: “Nếu trong tương lai, ĐBSCL không có lũ thì nguy cơ sụt lún đồng bằng là rất lớn. Bởi ĐBSCL được hình thành là nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Trước đây, nhờ lũ mà mỗi năm mũi Cà Mau lấn thêm ra biển do lượng phù sa bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về bồi đắp. Nhưng mấy năm gần đây vì lũ ít, lượng nước từ sông đổ về không đủ nên biển xâm thực càng dữ tợn hơn. Bình quân mỗi năm, biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m; hàng trăm ha rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...”.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Hiện nay, lòng sông sâu hơn một cách nhanh chóng so với trước đây. Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc này: Thứ nhất là việc khai thác cát sỏi quá mức ngay chính tại vùng ĐBSCL. Thứ hai là lượng cát sỏi bù vào ngày càng ít đi do các nước xây đập thủy điện. Sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước “đói” (do thiếu phù sa) nên nó phải “ăn” hai bên bờ và dưới đáy sông”.

PGS-TS Lê Anh Tuấn dẫn kết quả của một nghiên cứu về đập thủy điện Mạn Loan (Manwan, Trung Quốc) tác động lên lượng phù sa của ĐBSCL mà Trường Đại học Quốc gia Singapore thực hiện cho thấy, trước khi có đập này, lượng phù sa về ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn/năm. Sau khi con đập đi vào hoạt động, lượng phù sa chỉ còn 75 triệu tấn, tức chưa bằng một nửa. Như vậy chỉ với 1 con đập thủy điện được xây dựng từ thượng nguồn sông  Mê Kông mà lượng phù sa đã giảm đi đáng kể, thì nếu như hàng loạt đập thủy điện được xây dựng ở thượng nguồn thì phù sa về với ĐBSCL có lẽ chỉ còn một lượng nhỏ, không đáng kể.

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là do nằm ở cuối nguồn Mê Kông, ĐBSCL gánh trọn những biến động từ những tác động ở thượng nguồn. Tính toán hàng năm, nước về đến khu vực này chỉ khoảng 11% tổng lượng nước dòng Mê Kông, tương đương khoảng 60 tỷ m3, nhưng nay chỉ còn dưới 40 tỷ m3. Tiến sĩ Dương Văn Ni dự báo: “Trong trường hợp lũ không về thì dự báo tình hình hạn, mặn năm tới sẽ diễn ra gay gắt hơn vừa qua”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, qua quan sát mực nước tại một số trạm trên sông Mê Kông những ngày gần đây có tăng nhưng vẫn thấp hơn các năm trước. Do năm 2015 - 2016 là năm khô hạn lịch sử nên khi nước thượng nguồn về sẽ chảy về những vùng đó. Vì vậy, dự báo năm sau hạn, mặn có thể sẽ lặp lại như năm nay, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo: “Đối với sản xuất, trong tình huống cực đoan, Ngành Nông nghiệp nên có dự báo để nông dân tránh thiệt hại và thay đổi phương thức canh tác, hoặc tránh xuống giống hẳn năm đó”.

Trước tình hình lũ không về, hạn mặn gay gắt có thể sẽ diễn ra trong năm 2016 - 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tăng cường công tác dự báo chuyên ngành, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sắp xếp lại mùa vụ, cơ cấu giống và áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu vụ đông xuân 2016 - 2017 ở vùng ven biển cần xuống giống trong tháng 11 và 12 (sớm hơn các năm trước 15 - 20 ngày), để bảo đảm thu hoạch vào tháng 1 và 2-2017, nhằm tránh thời điểm mặn xâm nhập cao.

ĐBSCL sẽ còn khô khát vào mùa lũ trong những năm tới. Hậu quả là vựa lúa lớn nhất của cả nước bị đe dọa, còn hàng chục ngàn người dân từng thoát nghèo nhờ nước sông Mê Kông giờ lại đứng trước nguy cơ tái nghèo vì lũ thấp.

SĨ NGUYÊN

.
.
.