Thứ Ba, 18/10/2016, 06:48 (GMT+7)
.

Lão nông "mê" trồng rau VietGAP

Trong những năm qua, ông Lê Công Thanh, xã Long Hòa, TX. Gò Công, được biết đến như một người “mê” trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần khẳng định thương hiệu rau an toàn Gò Công.

Vợ chồng ông Thanh chăm sóc rau.
Vợ chồng ông Thanh chăm sóc rau.

Ghé thăm vườn rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 6.000 m2 của ông Lê Công Thanh với nhiều chủng loại khác nhau, xanh tươi, bạt ngàn mới thấy được hiệu quả thiết thực từ việc trồng rau an toàn mang lại. Ông Thanh kể, ông gắn bó với nghề nông từ lâu đời, chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống. Năm 2006, ông tham gia Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Gò Công và sản xuất thử nghiệm trên 2.000 m2 đất. Song do chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn nên năng suất không cao. Thế nhưng, sau khi được tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, lớp tập huấn sản xuất rau an toàn do HTX tổ chức thì việc trồng rau an toàn có hiệu quả hơn. Từ đây, ông Thanh tiếp tục chuyển 4.000 m2 đất còn lại sang sản xuất rau sạch để góp phần nâng cao thu nhập.
Ông Thanh chia sẻ: “Lúc đầu mới tham gia HTX, tôi  và nhiều thành viên lo ngại việc sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ gây khó khăn trong khâu sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và cả năng suất thấp. Thế nhưng khi đã có đầy đủ kiến thức thì sản xuất rau theo hướng an toàn năng suất tương đương và có thể cao hơn sản xuất rau theo hướng truyền thống. Ngoài ra, sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩnVietGAP còn giảm được 20 - 30% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng rau. Đặc biệt, thời gian cách ly sau khi bón phân, phun thuốc 10 - 15 ngày mới thu hoạch nên chất lượng rau đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.

Ông Thanh cho biết: “Sản xuất rau an toàn phải theo 1 quy trình, nước tưới phải sạch, không được nhiễm phèn, nhiễm mặn. Không được trồng liên tục nhiều vụ rau trên cùng một diện tích đất, phải luân phiên các loại rau màu để cây thích nghi. Nên trồng luân canh cây thuộc họ đậu để góp phần cải tạo đất, cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất…Nếu tuân thủ đúng các quy trình sản xuất thì đảm bảo rau sản xuất ra sẽ cho năng suất cao, đáp ứng đủ điều kiện để HTX thu mua”.

Từ khi vào HTX đến nay, ông luân phiên trồng bầu, bí, mướp, rau muống, rau thơm, mồng tơi và các loại cải... Hiện tại, với 6.000 m2 đất sản xuất rau an toàn, gần như lúc nào ông cũng có rau để cung cấp cho HTX. Hàng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi gần 200 triệu đồng, cao gấp 7 - 8 lần so với cây lúa và cao hơn sản xuất rau theo hướng truyền thống. Ông Thanh bộc bạch: “Bây giờ chỉ lo sản xuất rau an toàn không đủ để cung cấp cho HTX, khỏi lo đầu ra, bị thương lái ép giá như trước đây. Giá cả thì lúc nào cũng cao hơn giá ngoài thị trường, được HTX trợ giá, đảm bảo trồng là có lợi nhuận”.
Chia tay ông Thanh, dưới cái nắng gay gắt của vùng đất xứ Gò, ông Thanh nói: “Nhờ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP mà kinh tế gia đình tôi khá hẳn lên, có điều kiện chăm lo các con khôn lớn. Quan trọng hơn, sản xuất rau an toàn là góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho người tiêu dùng”.

VĂN MINH

.
.
.