Ồ ạt trồng bưởi da xanh ven thành phố
Thấy lợi nhuận cao, nhiều nông dân ở ven TP. Mỹ Tho đã đốn bỏ vườn dừa, nhãn, vườn cây tạp để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Trồng ồ ạt loại cây này đang trở thành “phong trào” của rất nhiều hộ dân, bất chấp giá cả, đầu ra, nguồn gốc giống cây trồng cũng như dịch bệnh đang rình rập.
Chạy theo lợi nhuận
Về các xã vùng ven TP. Mỹ Tho như: Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Thới Sơn, chúng tôi nghe bà con bàn tán xôn xao việc trồng bưởi da xanh cho lợi nhuận cao. Từ bàn trà đến quán cà phê, ở đâu cũng đều nghe nói đến chuyện đốn vườn dừa, vườn tạp, lên liếp từ ruộng lúa để chuyển sang trồng bưởi da xanh. Ông Trần Vĩnh Trung, ấp Bình Thành, xã Tân Mỹ Chánh đốn bỏ 0,4 ha dừa, bưởi lông, nhãn đang cho trái sai để trồng bưởi da xanh. Hơn 4 năm trồng, cây bưởi của ông đã cho trái sai và bắt đầu có thu hoạch. Dạo quanh vườn bưởi đang cho trái xum xuê, ông Trung cho biết: “Trồng bưởi da xanh thấy ham lắm! Trước đây trồng dừa, nhãn… chỉ cho thu hoạch trên 10 triệu đồng/năm. Thấy người ta trồng bưởi da xanh, một đợt bán có thể kiếm vài chục triệu đồng, gia đình tôi cải tạo lại vườn và chuyển sang trồng bưởi. Thực tế, số tiền thu hoạch 1 - 2 đợt bưởi đầu mùa đã bằng 1 năm so với các loại cây trồng khác”.
Vườn bưởi 4 năm tuổi của ông Trần Vĩnh Trung cho trái xum xuê. |
Xã Mỹ Phong cũng phát triển vườn bưởi khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Dọc các tuyến lộ cũng như ngõ xóm, nhiều vườn bưởi tươi tốt, cho trái xum xuê. Ông Nguyễn Văn Lập, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong là một trong những người tiên phong trong việc đem cây bưởi da xanh về vùng đất này trồng. Đến nay, 1,5 công bưởi da xanh của ông được 10 năm tuổi và cho trái rất sai. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cũng như tích cực chăm sóc mà trung bình mỗi tháng gia đình ông thu nhập được 5 - 7 triệu đồng. Ông Lập cho biết, trước đây ông chỉ trồng vài cây bưởi để cho con cháu ăn. Thấy cây bưởi phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này nên ông quyết định đốn bỏ vườn tạp để chuyển sang trồng bưởi. Nhiều hộ trong khu vực thấy vậy cũng đốn bỏ vườn dừa, vườn cây ăn trái kém hiệu quả để chuyển sang trồng bưởi da xanh”.
Ông Đỗ Văn Xinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) bưởi da xanh Bình Thành (xã Tân Mỹ Chánh) dẫn chúng tôi tham quan một vòng các khu trồng bưởi và nói: “Bưởi da xanh nơi đây trồng bạt ngàn. Nhà nào có đất ruộng đều chuyển sang trồng bưởi. Nhà lầu, nhà ngói từ đó cũng được “mọc” lên từ cây bưởi”. Theo ông, một năm bưởi cho thu hoạch khoảng 10 đợt. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 5 - 6 trái/đợt, mỗi trái cân nặng không dưới 2 kg và bán có giá hơn 45.000 đồng/kg; tính ra, mỗi đợt thu hoạch người trồng bưởi “kiếm được” vài chục triệu đồng.
Trên địa bàn TP. Mỹ Tho, bưởi da xanh là cây trồng có diện tích đứng thứ 2 (sau cây dừa), với hơn 800 ha. Trong đó, 700 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 15 - 18 tấn/ha. Vùng trồng bưởi da xanh nhiều ở các xã: Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong, Đạo Thạnh và Thới Sơn. Diện tích này hứa hẹn còn mở rộng trong thời gian tới. Ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cho biết, từ đầu năm đến nay, giá bưởi da xanh loại 1 từ 55 - 65 ngàn đồng/kg (từ 1,2 kg/trái trở lên), loại 2 (dưới 1,2 kg/trái) có giá 30 - 32 ngàn đồng/kg. Với giá này rất hấp dẫn người trồng và mang lại lợi nhuận cao.
Ông Đỗ Văn Xinh (Tổ trưởng THT) tham quan vườn bưởi da xanh của ông Trần Vĩnh Trung. |
Lo… thị trường bão hòa, dịch bệnh
Việc phát triển ồ ạt cây bưởi da xanh đang đặt ra nhiều vấn đề phải lo ngại. Ông Trần Vĩnh Trung cho biết, vườn bưởi của ông trồng theo quy trình VietGAP nên hạn chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, một số vườn lại phát triển theo phong trào mà không chú ý đến nguồn gốc giống. Sợ họ trồng một thời gian rồi dịch bệnh sẽ phát triển và lây lan nhanh sang các vườn khác. Ngoài ra, nếu phát triển ồ ạt thì vài năm nữa, thị trường tiêu thụ bưởi da xanh sẽ bão hòa và khi đó giá bưởi có thể xuống mức thấp.
Trao đổi về cây bưởi da xanh trên địa bàn, ông Đào Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh cho rằng: “Trong 5 năm trở lại đây, diện tích bưởi da xanh phát triển rất nhanh. Hầu như ruộng lúa không còn mà được chuyển sang trồng bưởi da xanh, trồng dừa. Do đây là vùng đất mới, nhiều loại dịch bệnh thường xảy ra trên cây có múi chưa gây hại cho vùng trồng nơi đây. Về lâu dài, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các nhà chuyên môn tổ chức cho nông dân học tập kinh nghiệm, tổ chức nhiều cuộc hội thảo để bà con nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc và xử lý khi có dịch bệnh xảy ra…”.
Trước thực trạng phát triển ồ ạt cây bưởi da xanh ven TP. Mỹ Tho, ông Đinh Ngọc Tùng cho biết, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cũng có khuyến cáo người dân không nên phát triển tràn lan, phải trồng đúng quy trình kỹ thuật mà các nhà khoa học khuyến cáo, không thu hoạch theo kiểu tận diệt, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây, cũng như phát sinh dịch bệnh”.
Theo bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bưởi da xanh là 1 trong 7 loại trái cây chủ lực được tỉnh quy hoạch để phát triển. Việc phát triển ồ ạt cây bưởi da xanh ở ven thành phố là định hướng của TP. Mỹ Tho trong việc cải tạo đất lúa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sang trồng những loại cây có hiệu quả hơn. Trung tâm cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn như Viện Cây ăn quả miền Nam, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức cho nông dân học hỏi kinh nghiệm, tổ chức nhiều cuộc hội thảo về cây bưởi da xanh. Tuy nhiên, hiện nay trồng loại cây nào cũng có dịch bệnh xảy ra, có điều là người trồng áp dụng quy trình kỹ thuật như thế nào và chăm sóc nó ra sao để hạn chế dịch bệnh mà thôi.
Việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, không kiểm soát thì e rằng sớm muộn cây bưởi da xanh ven TP. Mỹ Tho sẽ vấp phải “vết xe đổ” như bao loại cây trồng khác. Và thực trạng: “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”, “trồng rồi chặt, chặt rồi trồng” có thể xảy ra.
SĨ NGUYÊN