Phân bón giảm giá, nông dân vẫn chưa hết lo
Những ngày qua, thị trường phân bón bắt đầu hạ nhiệt khi một số loại phân bón đồng loạt giảm giá. Phân bón giảm giá là một tín hiệu vui cho nông dân, tuy nhiên bà con nông dân vẫn chưa thể hết lo khi tình trạng dịch bệnh và nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn diễn biến khó lường.
PHÂN BÓN HẠ NHIỆT
Vụ hè thu vừa qua, nhiều nông dân sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do năng suất và chất lượng đều giảm. Thêm vào đó, chi phí đầu vào tăng khiến người trồng lúa không có lãi. Hiện nay, việc giá phân bón giảm là một tín hiệu vui đối với người trồng lúa nói riêng và nông dân nói chung.
Theo ghi nhận, tại các đại lý vật tư nông nghiệp ở các huyện phía Đông của tỉnh, hầu hết các loại phân bón đều đồng loạt giảm giá. Hiện tại, phân Ure Phú Mỹ có giá 290.000 đồng/bao, Ure Cà Mau có giá 280.000 đồng/bao, NPK có giá dao động từ 470.000 - 480.000 đồng/bao, Đầu Trâu từ 590.000 - 620.000 đồng/bao… Trung bình, các loại phân đều đồng loạt giảm giá từ 20.000 - 30.000 đồng so với vụ hè thu và khoảng 60.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, theo một số đại lý vật tư nông nghiệp, nguồn cung phân bón hiện nay khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Nguyên nhân giá phân bón giảm là do các nhà sản xuất đã hạ được giá thành sản xuất.
Phân bón giảm giá là tín hiệu vui đối với nông dân. |
Mặc dù giá phân bón đã giảm nhưng theo một số đại lý sức tiêu thụ phân bón hiện tại không cao. Chủ cửa hàng Vật tư nông nghiệp Đồng Minh Triều (huyện Gò Công Tây) cho biết, giá phân bón đã giảm nhưng sức mua cũng không tăng.
Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hiện nay các đại lý vật tư nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, từ đó dẫn đến việc cạnh tranh nhau. Bên cạnh việc giá phân bón giảm, một số loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn giữ mức giá ổn định so với những tháng trước, một số loại có xu hướng giảm. Các sản phẩm của Syngenta, Bayer… vẫn đang được nông dân tin dùng.
VẪN CHƯA HẾT LO
Các huyện phía Đông của tỉnh hiện đã xuống giống vụ lúa thu đông, một số diện tích không gieo sạ do nằm trong vùng có nguy cơ thiếu nước trong vụ đông xuân. Hiện nay một số diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đang bị nhiễm bệnh đạo ôn, cháy lá... Đặc biệt, những ngày qua, mưa lớn liên tục xuất hiện khiến cho nhiều nông dân cảm thấy lo lắng.
Anh Nguyễn Thành Lâm (ấp Bình Thủy, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo) có 4 công đất gieo sạ giống lúa VD20 trong vụ thu đông năm nay. Hiện tại, lúa của anh Lâm đã được 40 ngày và bắt đầu xuất hiện bệnh đạo ôn. “Cả tháng nay do mưa nhiều, ruộng lúa của tôi bắt đầu xuất hiện những đốm vàng trên lá cho nên tôi phải phun xịt để ngừa bệnh lây lan trên diện rộng” - Anh Nguyễn Thành Lâm cho biết.
Ngoài tình hình dịch bệnh trên cây trồng thì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng cũng là vấn đề khiến nông dân và các ngành hữu quan không khỏi trăn trở. Ông Trương Văn Cho, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết:
Công tác quản lý Nhà nước về phân bón được UBND tỉnh giao cho Sở Công thương quản lý phân bón vô cơ, Sở NN&PTNN quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác. Toàn tỉnh hiện có 692 cơ sở sản xuất - kinh doanh phân bón, trong đó có 22 cơ sở sản xuất (19 vô cơ, 3 hữu cơ) và 670 đại lý, cơ sở kinh doanh.
Theo ông Trương Văn Cho, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra 10 lượt. Kết quả, phát hiện 17/50 sản phẩm kiểm tra bị sai lỗi như: Ghi nhãn mác hàng hóa không đúng với bản chất hàng hóa của sản phẩm; nhái bao bì các thương hiệu nổi tiếng được người dân tin dùng, hàm lượng dưỡng chất trong sản phẩm không đúng như đăng ký..., giảm 1,5% so với cùng kỳ. |
Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật quản lý Nhà nước liên quan đến chất lượng phân bón đã được ban hành; các cơ quan của Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện nhưng tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn được sản xuất - kinh doanh và diễn biến phức tạp.
Việc kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng chưa phát huy được hiệu quả… Cũng theo ông Trương Văn Cho, để tránh tình trạng mua nhầm phân bón giả, phân bón kém chất lượng, người dân nên sử dụng những loại phân bón của các công ty có uy tín trên thị trường (Bình Điền, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau…).
Nông dân sau khi mua phân về bón cho cây nên giữ lại bao bì, giữ lại một ít phân nếu xảy ra sự cố thì đem đi kiểm nghiệm và khiếu nại. Ngoài ra, tình hình sâu bệnh trên cây trồng được cấu thành từ nhiều yếu tố như: Thời tiết, cách bón phân, thời điểm bón phân… Đối với thời điểm mưa kéo dài như những ngày qua, bà con nông dân nên bón phân đúng thời điểm, đúng cách và chọn mua ở những cơ sở uy tín để phòng, chống sâu, bệnh hại trên cây trồng.
Việc phân bón giả, phân bón kém chất lượng có mặt trên thị trường người chịu thiệt vẫn là nông dân. Anh Nguyễn Thành Lâm bày tỏ: “Nông dân chúng tôi hiện nay không thể nhận biết được đâu là phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Theo tập quán canh tác từ xưa đến nay, cứ bón phân khoảng 5 - 6 ngày thấy lúa vàng lá là cứ bón tiếp, không biết chất lượng phân thế nào”.
MINH THÀNH