Thủy sản xuất khẩu dần hồi phục
Đó là một trong những điểm sáng của kinh tế nói chung và của ngành thủy sản xuất khẩu (XK) nói riêng, bởi trong một thời gian dài nhóm ngành này gặp rất nhiều khó khăn.
Xuất khẩu thủy sản dần hồi phục (Ảnh: Dây chuyền sản xuất sản phẩm cá tẩm bột của Công ty TNHH MTV Gò Đàng An Hiệp). |
Con số thống kê của Sở Công thương cho thấy, đến tháng 9 thủy sản XK đạt khoảng 53.000 tấn, trị giá trên 115 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng trên 6% về trị giá. Phân tích về diễn biến thị trường tiêu thụ nhóm ngành này, giám đốc một doanh nghiệp (DN) trong ngành thủy sản cho biết, XK thủy sản thời gian qua tăng trưởng khoảng 10 - 15%.
Ngoài những lợi thế về nhóm thực phẩm thủy sản, nhu cầu tiêu thụ của khách hàng thế giới hiện còn lớn hơn khả năng cung cấp của các DN trong nước. “Tất nhiên, XK thủy sản cũng có những khó khăn nhất định. Đầu tiên là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các nước tiên tiến nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam luôn luôn đặt nặng nhất vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Các biện pháp mà khách hàng đưa ra là phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chẳng hạn nuôi cá khu vực nào; nguồn cá giống, cá bố mẹ, tiêu chuẩn của ao nuôi như thế nào, quá trình vận chuyển ra sao, tiêu chuẩn của nhà máy chế biến và kể cả quá trình vận chuyển khi đưa thực phẩm đến bàn ăn của khách hàng.
Khó khăn kế tiếp là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến thủy sản thật sự không ổn định. Xu hướng nhập khẩu nguyên liệu của nước ngoài về chế biến để XK ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, thuận lợi vẫn là cơ bản hơn” - Giám đốc DN này cho biết.
Còn nhiều thách thức Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, giá trị XK thủy sản của cả nước trong 9 tháng qua đạt 4,93 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm gần 54% tổng giá trị XK thủy sản. Thị trường Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng trên 55% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ 2 mặt hàng thủy sản XK chủ lực (cá tra và tôm) của Việt Nam gặp không ít khó khăn. Việc sản xuất tôm gặp nhiều bất lợi khi tình hình thời tiết trong những tháng đầu năm 2016 diễn biến khá phức tạp, không thuận lợi cho sản xuất tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch giảm, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu, giá tôm nguyên liệu tăng. Trong khi đó, thị trường cá tra thiếu ổn định, giá cá tra bấp bênh khiến diện tích nuôi bị thu hẹp. Cùng với đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam XK và chương trình thanh tra cá da trơn sẽ là thách thức đối với ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới. |
Đại diện các DN trong nhóm ngành này cũng cùng chung nhận định, thông thường trong những tháng cuối năm, đối với ngành chế biến thủy sản XK có tốc độ tăng trưởng tốt hơn những tháng đầu năm do phục vụ nhu cầu tiêu thụ cao của các nước châu Âu vào dịp Noel hay Tết Dương lịch, sức tiêu thụ tăng cao nên tất nhiên là việc luân chuyển đồng vốn sẽ nhiều hơn.
Các DN đều kỳ vọng những tháng cuối năm mức tăng trưởng XK thủy sản, riêng con cá tra, tăng trưởng vào khoảng 15 - 18%. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho biết thêm, hiện tại giá cá nguyên liệu cũng đang tăng lên, tốc độ tiêu thụ hàng hóa cũng đang nhích dần lên.
Các chỉ tiêu cụ thể của GODACO cũng cho thấy những tín hiệu khởi sắc của XK thủy sản. Cụ thể, doanh thu của GODACO trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 700 tỷ đồng, tăng khoảng 8%, dự kiến đến cuối năm đạt 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với doanh thu năm 2015;
Số lượng sản phẩm XK cũng đạt được 12.000 tấn thành phẩm các loại, tăng khoảng 10% và chỉ tiêu đặt ra của cả năm 2016 là 28.000 tấn sản phẩm các loại, tăng 10%; dự kiến kim ngạch XK đạt khoảng 75 triệu USD, tăng khoảng 10%.
Mặc dù có những dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng trên bình diện tổng thể, theo đánh giá chung của Sở Công thương, XK hàng thủy sản đã và đang phải đối mặt với không ít rào cản, khó khăn đến từ hầu hết thị trường tiêu thụ chủ lực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc do phía DN Trung Quốc chủ yếu thu mua hàng nguyên liệu, mang tính chọn lọc (chọn kích cỡ nhất định với mức giá cao hơn mặt bằng giá chung) nhưng xuất theo dạng này khiến cho các DN không còn đủ hàng để XK cho thị trường khác.
PHƯƠNG ANH
Sản phẩm cá tẩm bột đã được xuất khẩu Ngày 6-10, ông Lê Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gò Đàng An Hiệp (trực thuộc Công ty cổ phần Gò Đàng - Khu công nghiệp Mỹ Tho) cho biết, nhà máy đầu tiên ở Việt Nam chế biến sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) cá tẩm bột từ cá tra, cá basa có công suất lớn nhất do công ty đầu tư hoàn toàn sử dụng công nghệ mới, hiện đại được sản xuất từ Nhật Bản, Đan Mạch, Hà Lan đã chính thức đi vào hoạt động. Sau thời gian dài nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các nhà máy sản xuất sản phẩm GTGT ở nhiều nước, đến tháng 6-2015 nhà máy GTGT Gò Đàng An Hiệp được khởi công và đến tháng 8-2016 hoàn thành. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động chính thức, với sản lượng năm đầu tiên dự kiến đạt 5.000 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 15 triệu USD và tăng dần đến năm thứ 5 đạt 10.000 tấn, với doanh thu đạt 45 triệu USD, giải quyết việc làm cho 280 công nhân. Bên cạnh đầu tư máy móc hiện đại, công ty còn huấn luyện đội ngũ kỹ thuật, công nhân lành nghề để vận hành và sản xuất thành công sản phẩm mới, từng bước xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... nhằm mang lại sản phẩm có GTGT so với các sản phẩm fillet thông thường. “Những đơn vị tiên phong trong mặt hàng mới đều tiềm ẩn rủi ro trong tiếp cận thị trường, tuy nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững và sự hỗ trợ của Nhà nước nên công ty mạnh dạn đầu tư dự án này”- ông Lê Sơn Tùng cho biết. |