Xã Tân Thới: "Gập ghềnh" con đường xây dựng nông thôn mới
Từng được chọn làm xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 nhưng đến nay, xã Tân Thới chỉ đạt 9 tiêu chí.Xem ra để đạt chuẩn xã NTM vào năm 2020 theo kế hoạch đề ra đối với xã phía Tây của huyện Tân Phú Đông còn bộn bề khó khăn.
Dù cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể nhưng vấn đề nan giải nhất của xã Tân Thới là giảm nghèo, nâng thu nhập người dân. |
4 NĂM THÊM 3 TIÊU CHÍ
Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống người dân còn nhiều khó khăn là những trở ngại trên con đường xây dựng NTM của xã được xem có điều kiện thuận lợi nhất của huyện cù lao. Cụ thể, bắt tay vào xây dựng NTM vào năm 2011, xã chỉ có 3 tiêu chí đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM.
Đến đầu năm 2013, tổng số tiêu chí mà xã đạt được nâng lên con số 6 gồm Thủy lợi; An ninh, trật tự xã hội; Giáo dục; Bưu điện; Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; Hình thức tổ chức sản xuất. Còn đến nay, Tân Thới đã có 9 tiêu chí được đánh giá đạt theo yêu của Bộ tiêu chí, trong đó có những tiêu chí quan trọng là Giao thông, Y tế, Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.
Ông Trần Minh Khải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, qua 6 năm xây dựng NTM, dù còn nhiều khó khăn nhưng xã cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, học tập, chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng lên đáng kể.
Theo đó, hiện nay xã đã có 1 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, cơ sở y tế đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu. Đặc biệt, từ một xã có hệ thống giao thông nông thôn yếu kém với phần lớn là đường trải đá, qua đầu tư, nâng cấp, đến nay xã đã có 100% đường xã được nhựa hóa (1 tuyến); 33 đường ấp được đan hóa, trong đó có 23 tuyến đạt cấp kỹ thuật, còn lại 15/24 đường ngõ xóm được trải đá 0x4 (trên 61%), đạt yêu cầu cơ bản của tiêu chí này, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận, bởi theo đánh giá của các ngành, các cấp, tiêu chí số 2 rất khó hoàn thành ngay cả những xã có điều kiện thuận lợi.
Không chỉ giao thông, hệ thống đường điện trung thế, hạ thế trên địa bàn cũng được ngành Điện đánh giá đạt yêu cầu. Vấn đề còn lại của xã giờ đây là vận động người dân nâng cấp đường điện sau điện kế. Hệ thống cấp nước sinh hoạt đã và đang được đầu tư, nâng cấp; chất lượng nước từng bước được cải thiện đáp ứng nhu cầu của người dân. Có thể nói, những chuyển biến về điện, đường, trường, trạm trong thời gian qua đã và đang góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
NAN GIẢI CHUYỆN GIẢM NGHÈO
Điều quan tâm và cũng là nỗi lo lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền xã Tân Thới là giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân đáp ứng tiêu chuẩn của xã NTM. Bởi theo ông Khải, các tiêu chí hạ tầng chỉ cần có vốn là hoàn thành nhưng còn việc giảm nghèo, nâng thu nhập người dân không phải nói làm là làm được.
Dù trên địa bàn xã đang phát triển mạnh nghề thủ công mỹ nghệ, thu hút khoảng 1.500 lao động tham gia, mang lại thu nhập cho người lao động khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/người/tháng nhưng nguồn thu chủ yếu của người dân vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, với địa bàn cù lao, điều kiện sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn (hàng năm bị nước mặn xâm nhập). Thực tế, những năm qua, chính quyền các cấp, các ngành đã không ngừng cải thiện điều kiện sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn nhưng sự chuyển biến trong dân còn chậm.
Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng khó khăn hơn, nhất là thời gian xâm nhập mặn ngày càng có xu hướng kéo dài. Ngoài năng suất cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của hạn, mặn, chi phí sản xuất thường cao hơn các vùng khác trong tỉnh cộng với giá cả bấp bênh dẫn đến hiệu quả sản xuất hạn chế.
Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng gặp nhiều khó khăn một phần là do người dân chưa tìm được đầu ra, mạng lưới tiêu thụ chưa hình thành, giao thông cách trở dễ bị thương lái ép giá. Mặt khác, trên địa bàn không có doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nên việc phát huy nguồn lực vào xây dựng NTM không nhiều.
Theo thống kê hiện nay, toàn xã còn 1.216 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 36%; có 411 hộ cận nghèo, chiếm trên 12% tổng số hộ trên địa bàn xã. Thu nhập bình quân đầu người của xã còn khá thấp so với yêu cầu của tiêu chí. Làm sao để giảm nghèo nhanh và bền vững; cải thiện đời sống người dân, nâng cao thu nhập đáp ứng các tiêu chí xây dựng NTM trong điều kiện sản xuất khó khăn là “bài toán” hóc búa đối với các ngành, các cấp.
Để giải quyết vấn đề này, xã và các ngành huyện đã và đang triển khai một số mô hình, dự án sản xuất; dạy nghề cho lao động nông thôn... tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo, nâng thu nhập. Về phía xã, ông Khải cho biết, xã tiếp tục tuyên truyền người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không phù hợp, hiệu quả thấp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị nông sản, từng bước giảm nghèo, nâng thu nhập cho các hộ dân trên
địa bàn.
TÂN PHÚ