Thứ Tư, 02/11/2016, 20:57 (GMT+7)
.
Cánh đồng lớn: "Lớn" nhưng phải "bền"

Bài cuối: Giải pháp để Cánh đồng lớn thật sự "cứng cáp"

Bài 1: Cánh đồng lớn đang "lớn" dần
Bài cuối: Giải pháp để Cánh đồng lớn thật sự "cứng cáp"

Để Cánh đồng lớn (CĐL) không dễ “gãy, đổ” trong bất kỳ tình huống nào thì ngoài các giải pháp khắc phục những điểm còn yếu nêu trong bài viết trước, thì điểm mấu chốt là phải làm sao để nông dân - doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích (của chính mình và cộng đồng) và cả yêu cầu của việc tham gia mô hình, từ đó chủ động, tự giác tham gia, xem việc CĐL cũng là việc “nhà mình”.

NHẬN DIỆN NGUYÊN NHÂN GÂY LỎNG LẺO MÔ HÌNH

Qua khảo sát tại 15/23 mô hình CĐL của 2 doanh nghiệp (DN) tham gia ký kết là Công ty Lương thực Tiền Giang và Công ty TNHH Việt Hưng, Ban Điều hành CĐL tỉnh cho biết, bước đầu đã nắm bắt tương đối rõ về thực trạng liên kết sản xuất, tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện liên kết giữa nông dân với DN, đó là: Về phía chính quyền cơ sở, công tác hỗ trợ xây dựng CĐL ở một vài địa phương chưa kịp thời, sâu sát, còn hạn chế về nhân lực và thời gian nên chưa chủ động và lúng túng trong công tác phân công theo dõi giám sát, phản ánh kịp thời nguy cơ phá vỡ hợp đồng (ở các xã Phú Cường, Mỹ Thành Bắc, Phước Lập…); một số địa phương trong công tác thỏa thuận ký kết hợp đồng và định giá chưa có sự tham gia đầy đủ của nông dân và đại diện tổ chức nông dân trong việc đàm phán với DN (như trường hợp ở các xã Phú Cường, Nhị Bình…). Còn về phía nông dân thì vẫn còn một bộ phận nông dân vẫn chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia và sản xuất trong CĐL, còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và hiểu rất đơn giản là khi tham gia sẽ được DN... mua lúa với giá cao (!); thậm chí nhiều hộ chưa quen với hình thức hợp đồng liên kết cũng như tuân thủ các điều khoản hợp đồng (kêu ký thì cứ ký, mọi chuyện... tính sau!), ngay cả một vài tổ chức đại diện nông dân (HTX, THT) do hạn chế về năng lực quản lý, điều hành nên cũng chưa thực sự phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân và DN trong việc đại diện ký kết hợp đồng cùng DN trong việc cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Riêng về phía DN thì hễ “anh nào” hào hứng với mô hình thì rất tích cực và tự nguyện tham gia nhưng khổ nỗi nguồn nhân lực và tài chính có đơn vị cũng còn hạn chế, trong khi đó “nhiệm vụ” phải đầu tư vật tư ứng trước, mua sản phẩm với số lượng lớn trong cùng một thời điểm, thị trường - giá cả kiểu “hên xui”, chưa kể gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch và vận chuyển sản phẩm (cả về thời tiết, về hạ tầng...).

Công ty Lương thực Tiền Giang mua lúa của nông dân xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) trong mô hình CĐL. Ảnh: Nguyễn Sự
Công ty Lương thực Tiền Giang mua lúa của nông dân xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) trong mô hình CĐL. Ảnh: Nguyễn Sự

Một nguyên nhân nữa là, có lúc chính sách đầu tư của DN cũng chưa phù hợp với nhu cầu của nông dân như gói vật tư cung cấp không phù hợp với nhu cầu sử dụng, đôi khi cao hơn giá thị trường mà tại kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh, ngành chức năng phải đăng đàn để giải trình trước đại biểu và cử tri; giá lúa thị trường thay đổi liên tục, doanh nghiệp cập nhật, điều chỉnh giá còn chậm và chưa theo kịp với biến động thị trường.v.v... Và cuối cùng, một trong những nguyên nhân “cốt tử” dễ khiến mô hình bị “gãy” là chênh lệch giữa giá lúa chất lượng cao như Jasmine 85, OM 4900 so với giá lúa phẩm chất thấp, ngắn ngày như IR50404 không nhiều, trong khi chi phí sản xuất cao hơn, năng suất thấp hơn nên lợi nhuận mang lại không cao, vì vậy, việc vận động nông dân sản xuất loại giống lúa chất lượng cao theo định hướng thị trường của DN sẽ gặp khó khăn...

Ngoài những nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng “gây khó” cho mô hình như: Thời tiết mưa gió có lúc xảy ra liên tục làm giảm chất lượng và sản lượng lúa, lúa bị lên mộng nhanh nếu không kịp phơi phóng, sấy khô..., vậy là giá mua của DN khó được như ý - chưa kể bị trừ % như ví dụ đã nêu ở bài viết trước; đặc thù sản xuất hộ nông dân tham gia CĐL diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nên khi tham gia CĐL gặp khó khăn về đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật đồng bộ; hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ ảnh hưởng đến việc vận chuyển, làm gia tăng chi phí...

GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Theo thông tin từ Ban Điều hành CĐL tỉnh, hiện Ban đang chuẩn bị để triển khai diện tích CĐL năm 2017 trên 9.700 ha với gần 15 ngàn hộ tham gia, tăng 2.180 ha so với năm 2016 (triển khai tại 41 xã của 9 huyện, thị trong tỉnh), trong đó vùng lúa ở phía Tây chiếm 79% diện tích CĐL, còn lại là vùng lúa đặc sản và lúa chất lượng cao ở phía Đông.

Để mô hình CĐL phát triển đạt mục tiêu đề ra trong năm 2017 và cả trong thời gian tới, thiết nghĩ cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền theo cả chiều rộng và chiều sâu từ cán bộ cơ sở đến tận nông dân để thực sự hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, lợi ích yêu cầu của việc tham gia xây dựng CĐL, từ đó chủ động, tự giác tham gia liên kết đảm bảo chất lượng và hiệu quả như về quy mô (tất nhiên là có lộ trình), phải liền ranh và tập trung vài giống lúa chủ lực... CĐL phải được xây dựng ở vùng có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn như quy trình sản xuất theo hướng thực hành tốt (GAP), ứng dụng các kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”; ứng dụng mạnh cơ giới hóa và bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm trong nông nghiệp. Đặc biệt cần gắn việc xây dựng CĐL với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tránh việc xây dựng hình thức, phân tán, không liền ranh, chỉ có danh xưng... Ngoài các vấn đề có tính nguyên tắc trên, trong việc chọn DN tham gia cần giao vai trò cầm chịch cho DN có tâm, có tầm và có thực lực (vốn, nhân lực, trình độ quản lý...) để tham gia, và đặc biệt nên thực hiện liên kết từ 2 - 3 vụ/năm và xây dựng kế hoạch thực hiện theo hình thức ký kết lâu dài với nông dân (ít nhất là 5 năm) nhằm tạo sự an tâm cho nông dân tham gia CĐL. Hình thức đầu tư đầu vào (vật tư, giống...) của DN liên kết cần phù hợp và đảm bảo chất lượng khi đến tay nông dân, nhất là giá và chất lượng vật tư nông nghiệp phải mang tính cạnh tranh với giá thị trường bên ngoài; cơ cấu giống sản xuất trong CĐL phù hợp theo định hướng thị trường của DN nhưng vẫn đảm bảo tính thích ứng của địa phương...

Ngành chức năng kết hợp chính quyền cơ sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, hỗ trợ DN và tổ chức đại diện nông dân trong việc tổ chức, thực hiện liên kết CĐL; xử lý (chủ yếu nên là hòa giải) các tranh chấp trong hợp đồng, hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa DN với nông dân. Chính quyền cấp xã (kể cả các hội, đoàn thể xã) cũng cần “để mắt” tới hoạt động của thương lái ở địa phương, không để họ “chơi chiêu” gây xáo trộn giá, dẫn đến phá vỡ hợp đồng, kịp thời phản ánh các trường hợp phá vỡ hợp đồng, nêu rõ nguyên nhân về UBND cấp huyện để báo về Ban Điều hành CĐL có biện pháp ứng phó kịp thời. Phối hợp, lồng ghép, thực hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích các DN, các tổ chức đại diện nông dân (HTX, THT) và hộ nông dân khi tham gia CĐL theo các quy định hiện hành, như: Cho vay thực hiện chính sách hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28-5-2014 của Ngân hàng Nhà nước… nhằm tạo điều kiện cho nông dân, tổ chức đại diện của nông dân, DN mua sắm trang thiết bị máy móc, đầu tư cơ sở hạ tầng kho chứa...

Tóm lại, để CĐL sẽ lớn mãi một cách bền vững thì phải khẳng định rõ vai trò của từng “nhà” (không chỉ 4 hay 5 “nhà” như nhiều người thường nói) trong mối quan hệ liên kết để có biện pháp quản lý, hỗ trợ nâng cao hiệu quả liên kết. Theo đó: Nhà nước (tỉnh) tạo môi trường để thúc đẩy liên kết thông qua các cơ chế, chính sách, chỉ đạo thực hiện; Doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo gắn kết nông dân với thị trường, cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đặt hàng nông dân về số lượng, chủng loại, chất lượng để có sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường; Nông dân liên kết trong các THT, HTX (nếu cần thì lập DN) sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất để có sản phẩm đáp ứng theo đúng điều khoản hợp đồng, thực hiện nghĩa vụ bán sản phẩm cho DN đúng hợp đồng; HTX, THT có vai trò liên kết nông dân, là cầu nối giữa nông dân với DN, nhà khoa học, chính quyền để thực hiện các dịch vụ theo yêu cầu của nông dân, đại diện cho nông dân trong hợp đồng với DN; Thương lái  cũng cần xem có vai trò liên kết giữa người sản xuất và DN, góp phần tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, và cuối cùng là Các tổ chức hỗ trợ như: Nhà khoa học, ngân hàng, tổ chức tư vấn sẽ giữ vai trò nghiên cứu chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp tín dụng, giải quyết khó khăn về kỹ thuật cho nông dân…

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.