Gò Công Đông: Dê tăng đàn nhờ hiệu quả kinh tế
Khoảng 3 năm nay, đàn dê trên địa bàn huyện Gò Công Đông liên tục tăng. Chăn nuôi dê trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của người dân nơi đây, do dê thích ứng với điều kiện khí hậu cũng như cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo một số hộ chăn nuôi dê trên địa bàn huyện Gò Công Đông, dê là loài ăn tạp, có thể ăn được nhiều thứ như: So đũa, cỏ, lá cây… nên rất dễ nuôi. Người nuôi ít tốn công chăm sóc, diện tích chuồng trại ít tốn không gian. Trong khi đó, giá cả vẫn giữ ở mức ổn định chứ ít trồi sụt như những vật nuôi khác.
Bà Nguyễn Thị Rưu, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Gò Công Đông cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng đàn dê trên địa bàn huyện là 42.579 con, tập trung ở các xã: Kiểng Phước, Tăng Hòa, Phước Trung… Trong năm 2014, đàn dê của huyện chỉ khoảng 17.000 con, đến năm 2015 tăng lên 30.000 con và hiện tại là hơn 42.000 con. Bình quân mỗi năm, đàn dê của huyện tăng hơn 40%. Trong số các vật nuôi ăn cỏ trên địa bàn huyện, đàn dê là tăng nhanh nhất. Theo số liệu thống kê, đàn dê của huyện Gò Công Đông chiếm hơn 50% đàn dê toàn tỉnh”.
Đàn dê ở huyện Gò Công Đông tăng nhanh nhờ hiệu quả kinh tế cao. |
Xã Kiểng Phước là nơi có đàn dê nhiều nhất trên địa bàn huyện Gò Công Đông với hơn 6.000 con dê. Ông Trung (ấp Bồ Đề, xã Kiểng Phước) cho biết, nhận thấy việc nuôi dê có lợi nhuận khá và ổn định hơn nuôi bò, khoảng 1 năm trước, ông mới bắt nuôi 2 con dê nái tơ, với giá 4 triệu đồng. Sau một thời gian, 2 con dê nái đã sinh được 2 con dê con và đang tiếp tục mang thai lứa tiếp theo. Theo ông Trung, chăn nuôi dê ít tốn công chăm sóc, ăn ít hơn bò. Thời gian qua, giá dê thương phẩm luôn giữ mức ổn định khoảng hơn 100.000 đồng/kg trong khi giá bò cứ đà giảm.
Khoảng 3 năm trước, gia đình ông Phan Văn Sơn (ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị) đầu tư nuôi 5 con dê nái để sinh sản. Hiện tại, đàn dê của ông Sơn đã lên đến 20 con, bao gồm dê nái sinh sản và dê thịt. Tất cả đều thuộc giống Bách Thảo và Boer lai. Chuồng dê của ông Sơn được đóng kiên cố theo kiểu nhà sàn, được chia thành từng lồng để nuôi nhốt dê. Phía dưới sàn là một tấm lưới để hứng phân dê và nước tiểu. Để tiết kiệm thức ăn và giúp dê dễ tiêu hóa, ông Sơn đã mua máy xay cỏ thành từng khúc khoảng 1 tấc rồi mới cho dê ăn. Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng dê của gia đình, ông Sơn cho biết: “Ngoài số dê hiện tại, gần 3 năm nay, gia đình tôi thu về khoảng 100 triệu đồng từ việc bán dê, trung bình mỗi năm thu hơn 30 triệu đồng. Thu nhập từ việc chăn nuôi giúp gia đình ổn định cuộc sống”.
Cách nhà ông Sơn không xa, ông Phan Thành Trung (ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị) cũng nuôi khoảng 40 con dê nái sinh sản và dê thịt. Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi dê, ông Trung chia sẻ: “Lúc trước, nhà tôi nuôi với số lượng ít. Chỉ 2 - 3 năm nay, nhà tôi mới nuôi với số lượng nhiều. Nuôi dê rất dễ, chỉ cần cho ăn cỏ rồi dặm thêm thức ăn là được. Một con dê từ lúc bỏ nọc cho đến khi sinh là 5 tháng, khoảng 20 ngày sau dê bắt đầu lên giống là có thể bỏ nọc để mang thai tiếp. Để có đủ nguồn thức ăn cho dê, gia đình tôi đã bỏ ra 2 công ruộng để trồng cỏ. Trung bình, mỗi năm tôi cho xuất chuồng khoảng 20 con dê, thu về hơn 50 triệu đồng”. Ngoài số tiền thu về từ việc bán dê, mỗi tháng ông Sơn còn thu khoảng 500.000 đồng tiền bán phân dê.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghị cho biết: “Đàn dê ở xã phát triển mạnh từ năm 2014, đến nay toàn xã có 2.764 con. Nguyên nhân khiến đàn dê tăng là do nhu cầu thị trường ngày càng cao, thêm vào đó là nhu cầu con giống cũng ngày một tăng. Người nông dân sử dụng thời gian nông nhàn, tận dụng những bìa chéo, bờ kinh để trồng cỏ nuôi dê. Ngoài ra, người dân còn tận dụng những phụ phẩm từ việc sản xuất nông nghiệp làm nguồn thức ăn để phục vụ việc chăn nuôi dê. Sản phẩm từ dê là sản phẩm sạch do đa phần chỉ ăn cỏ, nên được người tiêu dùng ưa thích”.
Cũng theo ông Bùi Anh Tuấn, hiện nay thị trường tiêu thụ dê của địa phương là TP. Hồ Chí Minh. Việc chăn nuôi dê giúp bà con nông dân có thêm thu nhập, ít tốn công chăm sóc. Thêm vào đó, diện tích chuồng trại không tốn nhiều không gian. Hiện nay, xã Bình Nghị có 1 Tổ hợp tác chăn nuôi dê thương phẩm, với 30 thành viên, tổng đàn 350 con. Ngoài việc chăn nuôi, tổ hợp tác còn có trách nhiệm tìm kiếm những giống dê tốt để nhân rộng. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích bà con phát triển đàn dê thương phẩm.
MINH THÀNH